(CSPLO) – Đón đầu nhu cầu nhân lực lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, hàng loạt trường đại học đã mở chương trình đào tạo ngành Thiết kế vi mạch.
Thiết kế vi mạch là ngành học chuyên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong công nghiệp công nghệ cao (hi-tech industry) để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao trên thế giới. Hiện nhiều trường đại học trong nước mở ngành học liên quan tới lĩnh vực này.
Ngành Thiết kế vi mạch mang lại mức lương hấp dẫn. (Ảnh minh họa)
Mức lương ngành Thiết kế vi mạch
Hiện nhiều doanh nghiệp tiếp cận với sinh viên ngành Thiết kế vi mạch ngay từ năm thứ hai, thứ ba thông qua những suất thực tập, công việc bán thời gian, học bổng thay vì đợi đến khi sinh viên tốt nghiệp.
Khảo sát của HSIA (Hội Công nghệ Vi mạch Bán dẫn TP.HCM) cho thấy, kỹ sư Thiết kế vi mạch có mức lương chênh lệch dựa trên số năm kinh nghiệm: Mới ra trường nhận lương trung bình khoảng 15 triệu/tháng.
Kỹ sư 1 – 3 năm kinh nghiệm, thu nhập dao động 15 – 30 triệu/tháng. Sau 6 năm, lương trung bình 0,6 – 1 tỷđồng/năm. Còn từ 10 năm kinh nghiệm trở lên, mức lương có thể hơn 1,5 tỷ đồng/năm.
Em Ngô Quang Bình sinh viên năm 4, ngành Kỹ thuật Điện tử – Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, với những sinh viên có định hướng theo học ngành Thiết kế vi mạch thì mức lương làm việc khá cao.
“Thiết kế vi mạch là ngành học khó bởi kiến thức chuyên ngành rất nhiều. Những sinh viên tốt nghiệp ngành học này sẽ không lo chuyện thất nghiệp khi hiện tại các doanh nghiệp đang khát nhân lực ngành này. Thậm chí, nhiều bạn chưa học xong nhưng đã đi làm thêm với mức lương ổn định, khoảng 10 triệu/tháng”, Quang Bình cho biết.
Cơ hội việc làm ngành Thiết kế vi mạch
Hiện, vi mạch là lĩnh vực rất quan trọng, có thể xem là lĩnh vực nền tảng quan trọng cho nhiều lĩnh vực khác. Sự phát triển của những quốc gia giàu mạnh, phát triển trên thế giới hiện tại đều có sự đóng góp quan trọng của công nghiệp vi mạch.
Mỗi năm, các công ty ngành thiết kế vi mạch cần nhiều kỹ sư ngành Thiết kế vi mạch nhưng số lượng sinh viên được đào tạo cho ngành này hầu như không đáp ứng đủ cho thị trường nhân lực.
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có Thiết kế vi mạch, cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nhân lực hiện tại chỉ đáp ứng dưới 20%. Riêng kỹ sư ngành Thiết kế vi mạch, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 người.
Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần 50.000 kỹ sư tham gia vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trong đó số lượng kỹ sư Thiết kế vi mạch cần thêm 12.000 – 15.000 kỹ sư.
Nếu đam mê ngành Thiết kế vi mạch, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của một số trường như: Đại học Bách khoa Hà Nội, trường Đại học FPT, trường Đại học Công nghệ thông tin, trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Anh Anh (Tổng hợp)
https://vtc.vn/nganh-hoc-nao-giup-sinh-vien-ra-truong-thu-nhap-ty-dong-moi-nam-ar851389.html