(CSPLO) – Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam đã có nhiều cải thiện, nhưng các nhà sáng lập đang rất chờ đợi có những chích sách cụ thể, dễ tiếp cận hơn nữa.
Đổi mới sáng tạo là yêu cầu bắt buộc với start-up
Đổi mới sáng tạo đang trở thành yêu cầu bức thiết đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các start-up. Không chỉ giới hạn trong việc ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo với start-up còn bao gồm sự đổi mới trong mô hình, thị trường, cách thức tiếp cận khách hàng, các hoạt động nghiên cứu, phát triển, thương mại hóa…
Nhiều nhà sáng lập start-up chia sẻ, hầu hết các mô hình, cách thức kinh doanh trên thị trường đều đã có doanh nghiệp ứng dụng, thậm chí còn triển khai rất tốt. Nếu start-up vẫn làm theo những phương pháp, cách thức cũ, chắc chắn sẽ không có cơ hội cạnh tranh với doanh nghiệp đi trước, do hạn chế về nguồn lực, kinh nghiệm. Trong trường hợp vượt qua được gian đoạn đầu, start-up cũng không dễ để đi đường dài, hoặc có thể bị thâu tóm.
“Vì vậy, đổi mới sáng tạo không phải là muốn hay không, mà là yêu cầu bắt buộc nếu start-up muốn tồn tại và phát triển. Chỉ bằng cách tìm mô hình mới, cách thức mới, hoặc làm tốt hơn những phương thức cũ, thì start-up mới có khả năng tìm đường đi lên, cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn”, Lê Hải Vũ, nhà sáng lập, CEO Velasboost chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư.
Đồng quan điểm, CEO Nguyễn Bình Nam, nhà sáng lập phần mềm quản lý quan hệ khách hàng Opla CRM nhấn mạnh: “Chính nhờ đổi mới sáng tạo mà start-up có tính mới, có sự khác biệt, cải tiến cũng như rút ngắn khoảng cách với các đối thủ đi trước, vốn đang sở hữu tiềm lực tài chính tốt hơn”.
Mong chính sách hỗ trợ thực chất
Hiểu được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủtrương, cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho giới khởi nghiệp. Các đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025, Hỗ trợhọc sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025… không chỉ hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp nói chung, mà còn hướng đến những đối tượng cụ thể như phụ nữ, sinh viên, học sinh.
Việt Nam cũng thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với mục tiêu kết nối và khai thác nguồn lực trong nước, quốc tế cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, bao gồm hỗ trợ cơ sở vật chất, ươm tạo, nâng cao năng lực, tiếp cận vốn, tư vấn giải pháp…
Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 200 không gian làm việc chung, 84 cơ sở ươm tạo, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, 208 quỹ đầu tư mạo hiểm với 40 quỹ đầu tư nội địa. Gần 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành; trong đó, một số ngành đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như công nghệ giáo dục, công nghệ tài chính, hay các lĩnh vực truyền thống như du lịch, bất động sản…
CEO Nguyễn Bình Nam cho rằng, sự quan tâm của Chính phủ, các tổ chức trong và ngoài nước đến hoạt động đổi mới sáng tạo đã giúp các start-up “có nơi để bấu víu” về vốn, nguồn lực và chính sách. Một số cộng đồng khởi nghiệp được thành lập, trực tiếp và gián tiếp giúp đỡ start-up về kiến thức, thông tin, tài chính…
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung các nước trong khu vực, CEO Nguyễn Bình Nam đánh giá, các start-up Việt vẫn chịu nhiều thiệt thòi, khi các chương trình hỗ trợ của Chính phủ chưa ảnh hưởng đủ sâu rộng và tác động mạnh mẽ.
Vì vậy, nhà sáng lập này đề xuất các nhà làm chính sách có thể tham khảo mô hình đổi mới sáng tạo của Singapore để triển khai một số chương trình hỗ trợ cụ thể từ Chính phủ cho start-up. Ví dụ, tại Singapore, doanh nghiệp mua sản phẩm của start-up sẽ được Chính phủ trả tiền tới 90%, start-up khởi nghiệp được nhận các gói trợ 3.000 – 5.000 đô la Singapore…
Ngoài ra, CEO Nguyễn Bình Nam kiến nghị, các bộ, ngành, cơ quan chức năng thực hiện khảo sát, đánh giá về tính hiệu quả của các chương trình hỗ trợ start-up. “Việc khảo sát này nên được làm một cách thực chất và sâu sát để có kết quả thực tế nhất. Tôi tin rằng, kết quả sẽ giúp Chính phủ thấy rõ hơn tính hiệu quả của chính sách, thay vì các kết quả mang tính chất báo cáo thành tích”, đại diện Opla CRM nói.
Còn theo ông Trần Bá Thìn, CEO, đồng sáng lập nền tảng quản lý và vận hành chung cư PiHome, các start-up đổi mới sáng tạo ở giai đoạn sớm cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ về chính sách, cơ chế, mạng lưới chuyên gia tư vấn, thị trường thí điểm và nguồn vốn cơ bản, từ đó giúp những doanh nghiệp non trẻ có thể xây dựng sản phẩm khả dụng tối thiểu và tìm kiếm cơ hội trên thị trường.
CEO Trần Bá Thìn cũng đề xuất cần có những chính sách sát hơn với thực tế dành cho start-up. “Với những start-up đã có sản phẩm được thị trường chấp nhận và chứng minh tính hiệu quả trong thực tế, Nhà nước có thể xây dựng cơ chế kết nối với khu vực chi tiêu công, ưu tiên sử dụng thí điểm các sản phẩm của start-up thay vì chỉ sử dụng sản phẩm của các tập đoàn lớn”, vị CEO này đề xuất.
Nhung Bùi
https://baodautu.vn/start-up-mong-chinh-sach-ho-tro-doi-moi-sang-tao-thuc-chat-d202087.html