(CSPLO) – Sau gần 8 năm triển khai thực hiện, Luật Nghĩa vụ quân sự (NVQS) đã đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc, góp phần tích cực vào việc nâng cao sức mạnh chiến đấu, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; củng cố nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững chắc.
Tuy nhiên, trước sự phát triển của đất nước và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật NVQS năm 2015 đã bộc lộ một số vấn đề vướng mắc, bất cập. Bộ Quốc phòng đã tổ chức nghiên cứu thực tiễn, triển khai các bước xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật NVQS năm 2015 và sẽ sớm xin ý kiến, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.
Sửa luật để tạo công bằng xã hội
Tại hội nghị Ban chỉ đạo xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật NVQS năm 2015 do Bộ Quốc phòng tổ chức mới đây, Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam cho biết: Qua khảo sát, nắm tình hình ở các đơn vị, địa phương cho thấy, đông đảo quần chúng nhân dân mong muốn sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 để thực thi sát với thực tiễn hiện nay; nhất là bảo đảm công bằng trong thực hiện NVQS. Bởi hằng năm, số lượng công dân nam trong độ tuổi sẵn sàng nhập ngũ rất lớn, nhưng mỗi năm, số công dân nhập ngũ vào QĐND, Công an nhân dân (CAND) chỉ hơn 3% số thanh niên đến tuổi nhập ngũ. Vấn đề đặt ra là phải bảo đảm mọi công dân trong độ tuổi, đủ tiêu chí đều phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Thanh niên tỉnh Quảng Ninh phấn khởi lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: TUẤN HUY
Thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa nêu dẫn chứng, Hàn Quốc quy định tất cả công dân nam mang quốc tịch Hàn Quốc trong độ tuổi từ 18 đến 35 đều phải thi hành NVQS bắt buộc một cách bình đẳng, bất kể người đó là ai hoặc có xuất thân từ đâu, trừ những vận động viên giành huy chương vàng tại ASIAD hoặc Olympic và một số trường hợp đặc biệt khác.
Ngoài nội dung trên, việc đăng ký, quản lý NVQS đối với công dân trong tuổi nhập ngũ theo quy định của Luật NVQS hiện hành còn nhiều bất cập, nhất là số thanh niên trúng tuyển đi học cao đẳng, đại học; công dân tạm vắng, đi cư trú, làm việc, học tập, vắng mặt dài ngày tại địa phương không liên hệ được; công dân đi học tập, lao động tại nước ngoài chưa có cơ chế, chế tài quản lý; công dân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp nước ngoài và cơ quan, tổ chức chưa được quản lý hiệu quả dẫn đến việc sót lọt nguồn công dân sẵn sàng nhập ngũ, tạo ra kẽ hở để một số công dân lợi dụng trốn tránh thực hiện NVQS, gây bức xúc, dư luận không tốt trong nhân dân.
Về độ tuổi gọi công dân nhập ngũ, theo quy định hiện hành là từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi. Thực tiễn có nhiều trường hợp công dân đủ 17 tuổi đến dưới 18 tuổi, không có nhu cầu học cao đẳng, đại học, có nguyện vọng nhập ngũ, sau đó mới đi học, đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm… Việc quy định độ tuổi phục vụ tại ngũ không thống nhất giữa công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học trở lên và công dân có trình độ học vấn thấp hơn cũng cần được xem xét cho phù hợp.
Luật NVQS năm 2015 cũng quy định chưa rõ ràng về tạm hoãn nhập ngũ đối với lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động; việc tạm hoãn đối với học sinh, sinh viên đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn nhiều bất cập do thời gian một khóa đào tạo của một chương trình đào tạo chưa có quy định cụ thể, dẫn đến không thống nhất trong quá trình thực hiện. Đó cũng là kẽ hở để một số công dân lợi dụng trốn tránh thực hiện NVQS.
Đối với số lần và thời điểm gọi công dân nhập ngũ, thực hiện NVQS và tham gia CAND một đợt/năm tạo thuận lợi cho địa phương giao quân, góp phần tiết kiệm thời gian, ngân sách, hạn chế đơn thư xin tạm hoãn dịp công dân trúng tuyển đại học, cao đẳng; nhưng lại dẫn đến tình trạng thiếu hụt quân số của các đơn vị chuyên môn kỹ thuật, đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trong thời gian bộ đội xuất ngũ, huấn luyện chiến sĩ mới và đào tạo chuyên môn kỹ thuật (từ tháng 4 đến tháng 6).
Bên cạnh đó, Luật NVQS năm 2015 quy định một hội đồng khám sức khỏe nhưng có hai thẩm quyền gọi khám (chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi khám NVQS, trưởng công an cấp huyện ra lệnh gọi khám tham gia nghĩa vụ CAND). Mặt khác, tiêu chí, tiêu chuẩn sức khỏe gọi công dân nhập ngũ và tham gia CAND khác nhau (ví dụ, công dân nhập ngũ lấy sức khỏe loại 1, 2, 3; tham gia CAND chỉ lấy sức khỏe loại 1, 2) gây ra sự chồng chéo, mất công bằng, để lọt nguồn, tạo kẽ hở để công dân lợi dụng trốn tránh thực hiện NVQS. Ngoài ra, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện NVQS (nhiệm vụ của hội đồng NVQS cấp xã, trách nhiệm của người phụ trách công tác NVQS ở các trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp… Chức năng, nhiệm vụ của ban CHQS cấp xã đối với công tác tuyển quân; trách nhiệm của ban CHQS các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong công tác tuyển quân) chưa được quy định đầy đủ và thực sự phát huy hiệu quả.
Về nội dung khám sức khỏe NVQS, Luật quy định trường hợp cần thiết mới quyết định khám cận lâm sàng và xét nghiệm cận lâm sàng, dẫn đến thực hiện không thống nhất do các địa phương không có căn cứ rõ ràng để thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng. Do đó để sót lọt những trường hợp không bảo đảm sức khỏe nhập ngũ vào Quân đội. Một số quy định liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn gọi nhập ngũ (hình xăm, chữ xăm; công dân bị mắc tật khúc xạ cận thị, viễn thị…); quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền gọi sơ tuyển NVQS, chế độ, chính sách đối với công dân trong thời gian đăng ký, sơ tuyển, khám, kiểm tra sức khỏe NVQS… đã nảy sinh nhiều vướng mắc, bất cập, cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Khắc phục những bất cập khi sửa luật
Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật thì việc sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 là cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung phải nâng cao chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân, vừa để bảo đảm công bằng, vừa góp phần thu hút công dân, nhất là công dân có trình độ cao vào làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc
Qua nghiên cứu, khảo sát, tổng hợp của Cục Quân lực (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Luật NVQS năm 2015 còn nhiều hạn chế, bất cập về chế độ chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân, như: Phụ cấp hằng tháng, hỗ trợ xuất ngũ, hỗ trợ tạo việc làm cho hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ so với mặt bằng chung của xã hội còn thấp; chưa có chính sách hỗ trợ nuôi con nhỏ; hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ là công chức, viên chức, công nhân, lao động làm việc trong cơ quan, doanh nghiệp sau khi xuất ngũ về còn khó khăn trong tiếp nhận trở lại; quy định từ tháng thứ 13 trở đi mới được nghỉ phép chưa phù hợp với thực tế nhiệm vụ của các đơn vị…
Một trong những nội dung được dư luận rất quan tâm, đó là thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ 24 tháng như hiện nay bảo đảm yêu cầu, chất lượng, khả năng sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu của Quân đội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng thời hạn phục vụ tại ngũ 24 tháng như hiện nay là dài, cần nghiên cứu rút ngắn cho phù hợp, góp phần tập trung nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, tạo điều kiện cho công dân học tập và làm kinh tế…
Về xử lý vi phạm trong lĩnh vực NVQS, Luật NVQS hiện hành chưa quy định bao quát, đầy đủ về các hành vi vi phạm, như: Sơ tuyển NVQS; “gian dối”, “từ chối” việc thực hiện NVQS; tiết lộ hoặc cung cấp trái phép thông tin cá nhân thực hiện NVQS cho người khác; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện các hành vi sai trái, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện NVQS… Bên cạnh đó, chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực NVQS theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) chưa đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. Ngoài ra, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới có nhiều nội dung thay đổi liên quan đến các lĩnh vực NVQS, đòi hỏi Luật NVQS cần được sửa đổi, bổ sung cho đồng bộ.
Thời gian qua, nhiều cử tri và đại biểu Quốc hội đã có ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật NVQS năm 2015 và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành nghiên cứu, triển khai các bước xây dựng dự án luật để báo cáo với các cấp có thẩm quyền với quyết tâm Luật NVQS sau khi được sửa đổi, bổ sung sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
SƠN BÌNH
https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/sua-doi-bo-sung-luat-nghia-vu-quan-su-de-phu-hop-voi-thuc-tien-742317