(CSPLO) – Hiện nay, các cơ sở làm đẹp vẫn còn nhiều dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ chưa được cấp phép, bất chấp rủi ro của khách hàng để thu lợi. Qua đó, người dân cũng cần tỉnh táo để lựa chọn các cơ sở uy tín. Các dịch vụ xâm lấn như nâng mũi, tiêm filler, cắt mí, cấy chỉ… phải được các bác sỹ chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ được cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện, để tránh “tiền mất, tật mang”.
Vòng bụng “siêu giảm béo” của “diễn viên” sau khi tham gia liệu trình tại Americare clinic
Mới đây, trên Báo Đồng Nai đưa tin toàn tỉnh Đồng Nai có 2 cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập được phép hoạt động chuyên môn về thẩm mỹ và 528 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Trong năm 2022, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra tại 78 cơ sở làm đẹp. Kết quả có 17 cơ sở vi phạm các lỗi: Chưa gửi thông báo cơ sở đủ điều kiện hoạt động dịch vụ thẩm mỹ đến Sở Y tế; chưa có hợp đồng lao động giữa cơ sở và người hành nghề; chưa có chứng chỉ, chứng nhận đào tạo phòng, chống các bệnh lây nhiễm qua đường máu và dịch sinh học; niêm yết bảng giá các dịch vụ thẩm mỹ sử dụng các trang thiết bị của cơ sở chưa đúng quy định; thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ có sử dụng tia Laser, IPL, đốt điện; sử dụng kim phun xăm chưa đảm bảo điều kiện vô trùng…Theo đó, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã đề nghị 4 cơ sở thẩm mỹ khắc phục, cam kết không tái phạm và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 255 triệu đồng.
Điển hình, ngày 29/03/2023, trên ANTV đưa tin, lực lượng Công an mới đây đã tiến hành kiểm tra và phát hiện hàng loạt các cơ sở vi phạm. Kiểm tra đột xuất cơ sở Mỹ Hạnh Beauty & Spa tại số 3 đường Vũ Quỳnh, do bà Trương Thị Mỹ Hạnh sinh năm 1998 làm chủ cơ sở, Đội CSKT&MT, CAQ Thanh Khê phát hiện, cơ sở này hoạt động không có đầy đủ giấy phép và thực hiện các dịch vụ làm đẹp trái phép. Cơ sở này sử dụng nhiều loại vật tư y tế, dung dịch chất làm đầy gồm filler, botox… Tuy nhiên, chủ cơ sở không xuất trình được giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Hơn nữa, spa này cũng vi phạm về phân loại và xử lý rác thải y tế. Mặc dù, không có bất kỳ chứng chỉ hành nghề liên quan đến phẫu thuật thẩm mỹ và đã bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động, nhưng qua trang facebook, mới đây, cơ sở Mỹ Hạnh vẫn đăng tải nhiều hình ảnh khách hàng sau khi nâng mũi, tiêm filler, nhấn mí…và đào tạo rất nhiều học viên như thế này
Trong khi đó, tại TP.HCM hiện có hơn 10 bệnh viện và hơn 200 cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được cấp phép nhưng theo thống kê sơ bộ, lại có trên 5.000 cơ sở nhận phẫu thuật thẩm mỹ…Điển hình, trênBáo Tuổi trẻ đưa tin, vào thời điểm kiểm tra Americare clinic vào ngày 27/03/2023, chủ trung tâm này không có mặt. Được biết, trong ngày 28/03/2023, đại diện trung tâm này đã lên Sở Y tế TP.HCM làm việc. Đồng thời, Lãnh đạo UBND quận Phú Nhuận cũng khẳng định: “Americare clinic chưa đăng ký bất kỳ thông tin hoạt động nào với địa phương”. Trong khi đó, theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM thì tại địa chỉ mà trung tâm này hoạt động, đơn vị chỉ cấp phép cho hai phòng khám chuyên khoa da liễu và phục hồi chức năng. Tuy nhiên, một trong hai phòng khám này đã ngừng hoạt động.
Nhiều người dân đã đặt ra nhiều câu hỏi vì sao nhiều cơ sở liên tiếp bị xử phạt, đình chỉ hoạt động nhưng số vụ vi phạm không giảm, đâu là biện pháp chế tài?
Chia sẻ về điều này, Tiến sĩ – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), TC Nhiếp ảnh và Đời sống PN cho rằng các chế tài về quản lý vi phạm trong lĩnh vực làm đẹp, thẩm mỹ còn quá nhẹ nhàng, trong khi nguồn lợi nhuận từ lĩnh vực này mang lại quá lớn khiến cho nhiều doanh nghiệp bất chấp, họ chấp nhận vi phạm, bị xử lý rồi tái phạm.
Ví dụ, Thẩm mỹ Pasteur (Pasteur Intitute Clinic) toạ lạc tại 4-4B Lê Quý Đôn, phường Võ Thị Sáu, quận 3, dù vi phạm và bị xử lý nhiều lần nhưng vẫn ngang nhiên tái phạm, bị tước giấy phép nhưng vẫn hoạt động chui. Ngoài ra, việc đăng ký 3 giấy phép hoạt động khác nhau tại cùng một địa chỉ nên Thẩm mỹ Pasteur vẫn có thể “lách luật” mở cửa đón khách mặc dù bị đình chỉ.
Theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho hay theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Với việc hoạt động chui, các phòng khám có thể đối mặt với mức phạt tiền từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng, bên cạnh đó tổ chức còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng. Thế nhưng, việc vi phạm hành chính nhiều lần không được coi là tình tiết tăng nặng hình phạt nên các phòng khám chỉ đối mặt với đúng mức phạt đã quy định tại Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Mặc dù cơ quan chính quyền đã có nhiều đợt thanh tra rà soát nhưng tình trạng hoạt động “chui”, “vẽ bệnh”, thu lợi bất chính từ bệnh nhân vẫn diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe lẫn quyền lợi của bệnh nhân và gia đình. Việc xác minh sai phạm trong lĩnh vực y tế là vô cùng khó, không phải dễ dàng.
Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn nhìn nhận khi nhắc đến y khoa đương nhiên không tránh khỏi sự cố, nhưng với một bác sĩ có chuyên môn tốt sẽ biết xử trí sự cố như thế nào để mang đến sự an toàn nhất cho người bệnh. Đồng thời, đội ngũ Y bác sĩ đều xem người bệnh là ngừoi thân của mình để tận tâm cứu chữa…Thực tế hiện thị trường làm đẹp ở TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đang còn nhiều vấn đề cần khắc phục, dường như đi đến đâu cũng dễ thấy cơ sở, trung tâm đào tạo làm đẹp và chất lượng thì “vàng thau lẫn lộn”. Không chỉ có các tiệm làm đẹp ngoài đời thực, hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ còn ì xèo trên mạng như cái chợ, ai cũng có thể trở thành chuyên gia làm đẹp với đủ thứ “tư vấn”.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định nhu cầu làm đẹp ngày càng lớn không chỉ ở Việt Nam mà hầu như ở các nước trên thế giới. Tuy nhiên, làm đẹp như thế nào lại là điều cần được khuyến cáo bởi các chuyên gia có tay nghề, không thể phó thác cho các “tay ngang”. Đặc biệt, xuất hiện những ca biến chứng nhưthông tin trên các cơ quan truyền thông báo chí đã đưa tin do bơm silicon lỏng, tiêm filer, tiêm tan mỡ… một cách vô tội vạ, cuối cùng bị biến chứng nhiễm trùng làm hủy hoại nhiều bộ phận của cơ thể.Khẳng định, người tham gia làm đẹp muốn được an toàn về tính mạng, để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đòi hỏi người bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cần phải có sự tích lũy nhiều năm kinh nghiệm, không chỉ đọc sách hoặc học hỏi qua loa vài lần là có thể làm được.
Đồng thời, các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ mạo danh, có tính chất lừa bịp làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân thì trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc giám sát, phát hiện và cảnh báo rất quan trọng. Trong đó, phải kể đến công tác quản lý ngành, Bộ Y tế, sở y tế và các phòng – trung tâm y tế quận huyện cần có cơ chế quản lý. Với tính chất hoạt động thẩm mỹ rầm rộ như hiện nay. Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khuyến nghị các địa phương (cụ thể là UBND và công an phường – xã hoặc các tổ dân phố, ấp…) đều phải có trách nhiệm giám sát.
Vậy chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật này là gì?
Dẫn chứng về quy định pháp luật, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết đối với thẩm mỹ viện “chui” trên thực tế là những cơ sở thẩm mỹ hoạt động không có giấy phép, không tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Tùy theo mức độ vi phạm, thẩm mỹ viện “chui” có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 6, khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi điểm b khoản 9 Điều 2 Nghị định 124/2021/NĐ-CP), quy Định: Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động và sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu; Áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh mà chưa được phép của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế; Không bảo đảm một trong các điều kiện sau khi đã được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với hình thức tổ chức là bệnh viện có quy mô trên 500 giường bệnh; Cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Điều trị nội trú tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được phép điều trị nội trú, trừ trường hợp được lưu người bệnh ngoại trú để theo dõi theo quy định của pháp luật.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi quy định tại điểm đ khoản 2, điểm b khoản 3, khoản 4, điểm c khoản 5 và các điểm b, c, d, e khoản 6 Điều này; Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a, b khoản 5 Điều này; Đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại các điểm a và đ khoản 6 Điều này; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 và điểm c khoản 6 Điều này; Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của người chịu trách chuyên môn của cơ sở trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 4 và các điểm b, e khoản 6 Điều này.” Như vậy, thẩm mỹ viện “chui” hoạt động trái phép có thể bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng, Luật gia Hồ Minh Sơn chia sẻ.
Đặc biệt, nếu thẩm mỹ viện “chui” trong thời gian hoạt động làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi khoản 117 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017), có quy định: Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác: Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm: Làm chết người; Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết 02 người; Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng…
Dịp này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho biết thêm đối với quảng cáo liệu trình thẩm mỹ được xếp vào nhóm quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh. Khi quảng cáo cần phải đáp ứng các điều kiện đúng theo quy định về quảng cáo, đặc biệt không có hành vi bị cấm tại điều 8 Luật quảng cáo 2012 như thiếu thẩm mỹ, có tính chất kỳ thị, không đúng hoặc gây nhầm lẫn…Theo quy định tại điều 9 nghị định 181/2013/NĐ-CP về tên, địa chỉ của cơ sở nơi được cấp phép hoạt động; phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật ghi trong giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề. Các đoạn clip mập mờ chỉ thể hiện ý kiến của người trải nghiệm (không điều trị) có thể gây hiểu nhầm, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Vì lẻ đó, tùy vào hành vi và xét tính chất vi phạm, cơ sở đăng tải các clip quảng cáo này có thể bị xem xét xử phạt từ 20 – 25 triệu đồng. Mặt khác, còn bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám chữa bệnh từ 1 – 3 tháng, buộc phải gỡ bỏ, xóa các quảng cáo vi phạm. Đối với vi phạm về nội dung quảng cáo sẽ bị xử phạt từ 15 – 20 triệu đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động từ 1 – 3 tháng. Hành vi quảng cáo khi chưa có giấy phép hoạt động hoặc chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng.
Song song đó, tại hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 mới đây của Bộ Y tế. Qua đó, Bộ Y tế đã có kiến nghị các cơ quan quản lý thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chấn chỉnh hoạt động quảng cáo. Chỉ đạo các cơ quan phát hành quảng cáo thuộc sự quản lý của bộ, ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe; kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Dịp này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cũng khuyến nghị cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo cho các cơ sở làm đẹp, nhằm thổi phồng các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người dân. Bên cạnh đó, cần xem xét liệu các xử lý vi phạm như trên có đủ yếu tố răn đe vì xử phạt, đình chỉ thời gian rồi tái phạm, hoạt thu hồi giấy phép các cơ sở này có thể thay đổi tên, thành lập cơ sở mới…rất mong các ngành chức năng sớm nghiên cứu có biện pháp chế tài thật mạnh để trả lại Nghề Y – Nghề đặc biệt, cao quý mà mọi người dân luôn tôn vinh, tri ân sự cống hiến to lớn và bày tỏ lòng biết ơn đội ngũ thầy thuốc nước nhà.
Văn Hải – Trần Danh