(CSPLO) – Áp-xe lách là bệnh lý rất nguy hiểm khi có tỷ lệ tử vong 100% nếu không phát hiện và điều trị kịp thời và sau điều trị tổn thương vẫn còn đến 47% kể cả khi điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, bệnh lại ít được chú ý do hiếm gặp, đến nay mới có khoảng 600 ca bệnh được báo cáo trên thế giới.
Cấp cứu cụ ông bị áp-xe lách kích thước lớn đã vỡ mủ
Chia sẻ từ ThS. BS. Nguyễn Thế Toàn (Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia An 115), mới đây, Bệnh viện Gia An 115 vừa cấp cứu thành công cụ ông bị áp-xe lách kích thước lớn hiếm gặp. Bệnh nhân là ông N. T (sinh năm 1946, ngụ tại TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Gia An 115 tối ngày 29/7/2022 trong tình trạng đau bụng hông lưng (bên trái), nôn ói, sốt lạnh run. Trước đó một tuần, người bệnh bị đau bụng hạ sườn trái kèm sốt. Người bệnh đã điều trị 6 ngày tại một bệnh viện ở địa phương, theo dõi xơ gan và tăng hồng cầu mạn sau đó được chuyển đến cấp cứu tại một bệnh viện ở TP.HCM và được chuyển đến Bệnh viện Gia An 115.
Hình ảnh áp-xe lách
Kết quả cận lâm sàng cho thấy người bệnh bị áp-xe lách, khối áp-xe kích thước 6x10cm đã vỡ mủ, lan ra giữa lách và thành bụng bên trái, lan vào phía trước rãnh đại tràng trái sau đại tràng xuống, gây thâm nhiễm mỡcạnh sau ngoài đại tràng trái, gây xẹp thụ động thùy dưới phổi trái và tụ dịch phản ứng màng phổi trái. Đây là tình trạng rất nghiêm trọng, hơn nữa người bệnh đã cao tuổi (76 tuổi), có nhiều bệnh lý nền nên nguy cơtử vong rất cao.
Bệnh nhân ngay lập tức được hồi sức, dùng kháng sinh điều trị toàn thân hiệu quả và được chỉ định phẫu thuật cắt lách. Sáng ngày 30/7, bác sĩ Nguyễn Thế Toàn đã tiến hành phẫu thuật cắt lách và dẫn lưu hố lách cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật kéo dài 2 giờ đồng hồ đã thành công tốt đẹp. Người bệnh tiếp tục được điều trị hậu phẫu với kháng sinh, theo dõi sát sao nhiễm khuẩn huyết/viêm phúc mạc do áp-xe lách vỡ, điều trị xơgan và kiểm soát đường huyết. Ngày 09/8/2022, người bệnh đã được xuất viện trong tình trạng ổn định.
Bệnh lý hiếm gặp có tỷ lệ tử vong rất cao
TS. Nguyễn Thế Toàn cho biết, lách (spleen) là một cơ quan trong cơ thể, nằm ở tầng trên mạc treo kết tràng ngang, bên trái dạ dày, ở dưới vòm hoành trái. Nó là trung tâm của hệ miễn dịch và hoạt động chủ yếu nhưmột bộ lọc máu. Nó loại bỏ các tế bào máu hồng cầu, tiểu cầu già cỗi và tập trung huấn luyện – trao đổi thông tin, tín hiệu, trưởng thành (biệt hóa) của các tế bào bạch cầu (gồm bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu lympho B và T).
Khi hệ miễn dịch tự nhiên của con người bị suy yếu, vi khuẩn hoặc vi nấm theo đường máu tấn công trực tiếp, dồn dập vào trung tâm của hệ miễn dịch, sẽ vượt qua khả năng tự bảo vệ của cơ thể và gây ra bệnh lý “áp-xe lách”. Hệ miễn dịch tự nhiên bị suy yếu thường gặp ở những người bị suy giảm miễn dịch mắc phải; người mắc bệnh lý mạn tính (đặc biệt là bệnh đái tháo đường mà kiểm soát đường huyết chưa tốt hoặc mới mắc phải); người dùng kéo dài các loại thuốc ức chế miễn dịch; tiêm chích không đảm bảo vô trùng…
Vì có cấu tạo dạng xoang (như các hồ chứa máu) nên khi lách bị áp-xe, nó sẽ trở thành các hồ chứa mủ (là vi khuẩn, vi nấm, xác bạch cầu…). Và do lách thông nối trực tiếp với các mạch máu lớn nên từ đây, vi khuẩn nấm gây bệnh sẽ tiếp tục làm nhiễm khuẩn huyết và theo dòng máu gây bệnh tất cả các cơ quan trong cơthể.
Cụ ông 76 tuổi được BS Nguyễn Thế Toàn thăm khám sau phẫu thuật
Theo BS. Nguyễn Thế Toàn, bệnh áp-xe lách có tỷ lệ tử vong 100% nếu không được điều trị. Nếu điều trị hiệu quả thì tỷ lệ tử vong cũng vẫn còn 47% và tỷ lệ này càng tăng lên khi bệnh nhân càng lớn tuổi và mắc các bệnh lý mạn tính. Tuy nhiên, bệnh lại ít được chú ý do rất hiếm gặp. Trên thế giới, đến nay mới có khoảng 600 ca bệnh được báo cáo (báo cáo số lượng lớn nhất là 39 ca trong 15 năm của một hệ thống các bệnh viện ở Mỹ).
TS. Toàn cho biết thêm, chẩn đoán sớm và phối hợp điều trị hiệu quả mang tính quyết định trong việc điều trị thành công áp-xe lách, cứu sống người bệnh. Tuy nhiên, do lách nằm sâu dưới vòm hoành trái được bảo vệ bởi khung lồng ngực (phần thấp) và cơ hoành trái rất dày nên biểu hiện của bệnh rất mơ hồ, khó phát hiện. Triệu chứng đặc trưng nhất (90% các trường hợp) là sốt cao do nhiễm khuẩn huyết và đau bụng ¼ trên trái (tỷ lệ khoảng 60%). Ngày nay, bệnh được phát hiện sớm hơn nhờ chẩn đoán hình ảnh là siêu âm bụng và đặc biệt là CT-scan bụng cản quang.
Triệu chứng của áp-xe lách
Theo BS. Toàn, để điều trị hiệu quả áp-xe lách, bắt buộc phải phối hợp tốt các phương pháp gồm: Kháng sinh điều trị hiệu quả (dùng sớm theo kinh nghiệm của bác sĩ và điều chỉnh kháng sinh theo kháng sinh đồ khi có kết quả cấy máu, cấy mủ của lách); Cắt bỏ lách đã bị áp-xe (nếu tổng trạng bệnh nhân không chịu đựng được cuộc đại phẫu cắt lách thì bác sĩ sẽ cân nhắc chọc dẫn lưu áp-xe lách); Hồi sức và kiểm soát các bệnh lý nền khác của người bệnh. Do bệnh hiếm gặp, triệu chứng mơ hồ và có tỷ lệ tử vong rất cao nên chẩn đoán sớm và điều trị thành công một ca áp-xe lách không hề đơn giản. Có thể nói, điều trị thành công một ca áp-xe lách tương đương thành công 10.000 – 20.000 ca bệnh thường gặp khác.
“Trong hơn 20 năm làm ngành y, đã phẫu thuật thành công cho hàng ngàn ca bệnh nhưng đến nay tôi mới chỉ tiếp nhận 7 ca áp-xe lách. Ca bệnh cụ ông N. T là trường hợp mới nhất. Ca bệnh này bị áp-xe lách có đầy đủ các nguy cơ bệnh nặng, có thể tử vong. Nhưng rất may mắn, người bệnh đã được điều trị thành công” – BS. Nguyễn Thế Toàn vui mừng chia sẻ.
Theo suckhoedoisong.vn