(CSPLO) – Để biết được những hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ cần so sánh những quy định của Luật Giao thông đường bộ với hành vi thực tế đã xảy ra gây nên hậu quả hoặc có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác.
Ảnh minh họa.
Quy định của Pháp luật
Tội “Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ” xâm phạm vào những quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ. Những quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ được quy định tại các văn bản luật và các văn bản quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành. Xâm phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ là không thực hiện đúng những quy định trong Luật Giao thông đường bộ liên quan đến những quy tắc giao thông đường bộ.
Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thể hiện bằng những hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ khi tham gia giao thông đường bộ. Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rất cụ thể đối với người tham gia giao thông đường bộ phải thực hiện đúng những quy tắc giao thông đường bộ. Hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ là không thực hiện đúng những quy định trong Luật Giao thông đường bộ liên quan đến những quy tắc giao thông đường bộ với rất nhiều loại hành vi khác nhau như: Không đi bên phải theo chiều đi của mình, không đi đúng làn đường, phần đường quy định; Không phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; Không chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Không tuân thủ quy định về tốc độ xe chạy trên đường; Không giữ một khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước xe của mình; Không giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ; Không nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều; Khi lùi xe không quan sát phía sau; không giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình…
Để biết được những hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ cần so sánh những quy định của Luật Giao thông đường bộ với hành vi thực tế đã xảy ra gây nên hậu quả hoặc có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác.
Các phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe máy chuyên dùng (xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và các loại xe tương tự) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (gồm xe đạp, kể cả xe đạp máy, xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự). Việc tham gia giao thông đường bộ là điều khiển, sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.
Hậu quả của tội “Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ” gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác: Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương có thể 61% trở lên… hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng…
Mặt chủ quan của tội phạm
Tội “Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ” được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý. Lỗi vô ý của người phạm tội thể hiện ở sự quá tự tin hoặc do cẩu thả cho rằng hậu quả đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ là người tham gia giao thông đường bộ như điều khiển phương tiện giao thông (gồm người điều khiển xe cơ giới, xe thô sơ, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ), người sử dụng phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ).
Vướng mắc áp dụng
Mặc dù có hướng dẫn cơ bản đầy đủ tuy nhiên khi áp dụng vẫn còn có những vướng mắc nhất định.
Ví dụ: Ngày 28/9/2021, Nguyễn Đức T. điều khiển xe ô tô BKS 19N-18… chở đất trên đường trong khuôn viên Nhà máy Z113 – Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng theo hướng từ Xí nghiệp 1 – Nhà máy Z113 đi khu dân cư tổ 23, phường Đội Cấn, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Khoảng 17 giờ 00 phút cùng ngày, khi đi đến khu vực ngã tư cống Thanh Niên (thuộc tổ 22, phường Đội Cấn), Nguyễn Đức T. điều khiển xe rẽ phải vào đường đất đi vào khu ao cá. Do không quan sát phía trước bên phải xe trước khi chuyển hướng nên phần bên phải xe ô tô đã va chạm với xe đạp và cháu Đinh Đức A. đang ở phía bên phải, cùng chiều với xe ô tô; phần bánh sau bên phải xe ô tô chèn lên xe đạp và người cháu Đinh Đức A.
Hậu quả: Cháu Đinh Đức A. tử vong tại hiện trường; xe đạp bị hư hỏng, chi phí để sửa chữa là 1.075.000 đồng.
Trong vụ án này có 02 quan điểm về áp dụng pháp luật:
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Hiện trường nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông tại ngã tư cống Thanh Niên trong khuôn viên nhà máy Z113, thuộc tổ 22, phường Đội Cấn, TP. Tuyên Quang, không phải khu vực đường bộ nên Nguyễn Đức T. không phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo Điều 260, Bộ luật Hình sự mà phạm tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128, Bộ luật Hình sự, bởi lẽ:
Đối chiếu với quy định tại Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BCA-BQP-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 28/8/2013 hướng dẫn áp dụng một số quy định tại chương XIX của Bộ luật Hình sự về các tội “Xâm phạm trật tự, an toàn giao thông” (hiện nay vẫn còn hiệu lực) thì: Trường hợp phương tiện giao thông đường bộ di chuyển, hoạt động nhưng không tham gia giao thông đường bộ (như di chuyển, hoạt động trong trường học, công trường đang thi công hoặc đang khai thác) mà gây tai nạn thì người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” quy định tại Điều 260, Bộ luật Hình sự mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng khác nếu thỏa mãn dấu hiệu của tội phạm đó như tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128, Bộ luật Hình sự, tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” quy định tại Điều 129, Bộ luật Hình sự hoặc tội “Vi phạm quy định về an toàn lao động, về an toàn ở những nơi đông người quy định” tại Điều 295, Bộ luật Hình sự .
Quan điểm thứ hai cho rằng và cũng là quan điểm của người viết: Mặc dù vụ tai nạn giao thông tại ngã tư cống Thanh Niên trong khuôn viên nhà máy Z113 tuy nhiên Nguyễn Đức T. phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 260. Bộ luật Hình sự, bởi lẽ:
Theo quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 thì: “Đường bộ gồm đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ” .
Mặt khác, hành vi không quan sát khi chuyển hướng xe dẫn tới gây tai nạn cho cháu Đinh Đức A. của lái xe Nguyễn Đức T. đã vi phạm quy định: “Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác” ; lỗi hoàn toàn thuộc về lái xe. Với hậu quả làm chết 01 người, chiếc xe đạp bị hư hỏng phải chi phí để sửa chữa là 1.075.000 đồng, Do đó, có đủ căn cứ để xác định, lái xe Nguyễn Đức T. đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 260, Bộ luật Hình sự.
Trên đây là tình huống pháp lý về vấn áp dụng pháp luật trong thực tiễn. Tác giả mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp từ bạn đọc.
Điều 260. Tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”
- Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
- a) Làm chết người;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỉ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
- a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;
- b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác;
- c) Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
- d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Làm chết 02 người;
- e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%:
- g) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
- a) Làm chết 03 người trở lên;
- b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỉ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
NGUYỄN TỨ – Tòa án Quân sự Quân khu 2
https://lsvn.vn/ban-ve-viec-dinh-toi-danh-vi-pham-quy-dinh-ve-tham-gia-giao-thong-duong-bo-theo-dieu-260-bo-luat-hinh-su1661191310.html