(CSPLO) – Công nghệ số, mô hình tổ chức, quản trị tòa soạn, quản trị nhân lực, đa dạng nguồn thu, trải nghiệm khách hàng là những vấn đề lớn mà báo chí phải làm khi CĐS báo chí. Yếu tố chuyển đổi số thì người đứng đầu vẫn là quan trọng nhất. Các chuyên đề này do bà Mai Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Báo chí và bà Hoàng Thị Bích Hạnh, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí trình bày.
Cụ thể, vào sáng ngày 11/08/2023, tại TP Cần Thơ, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức Lễ công bố đơn vị đồng hành cùng hoạt động chuyển đổi số (CĐS) báo chí năm 2023 và Chương trình tập huấn, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành CĐS. Chủ trì có Ông Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí; Bà Mai Hương Giang – Phó Cục trưởng Cục Báo chí; Bà Lê Thủy Tiên – Phó Giám đốc Nam A Bank Khu vực miền Tây; Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) Hồ Minh Sơn; Phó Chánh Văn phòng miền Bắc Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) Trần Thị Liên; Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) có Chánh Văn phòng Phạm Trắc Long; Phó Chánh Văn phòng miền Trung – Tây Nguyên Lê Ánh Dương; cùng gần 90 cơ quan báo chí khu vực phía Nam tham dự Lễ công bố.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí tặng hoa cho đơn vị đồng hành cùng hoạt động CĐS báo chí năm 2023.
Được biết, năm 2023 – Nam A Bank là đơn vị đồng hành cùng hoạt động CĐS báo chí. Ngay sau Lễ công bố, đã diễn ra Chương trình Tập huấn hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Điển hình, các cơ quan báo chí được tiếp cận 2 chuyên đề: Phổ biến triển khai Quyết định số 951/QĐ-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông và giới thiệu Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí; tập huấn, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành CĐS báo chí.
Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS báo chí nhằm giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình CĐS; từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp CĐS phù hợp, giúp cơ quan báo chí phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Quang cảnh lễ công bố
Bộ Chỉ số cũng là căn cứ để tạo lập được cơ sở dữ liệu CĐS báo chí với các thông tin, số liệu xác thực nhằm giúp các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước về báo chí nhìn thấy bức tranh toàn cảnh; đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy CĐS báo chí và đồng thời có thêm công cụ đánh giá hiệu quả triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ CĐS báo chí trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, mô hình đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành CĐS của các cơ quan báo chí là bảng gồm 42 tiêu chí được chia thành 10 chỉ số thành phần và nhóm thành 5 trụ cột của CĐS báo chí, với số điểm tổng tối đa là 100. Mức độ trưởng thành CĐS báo chí của các cơ quan báo chí sẽ được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được, với 5 mức từ yếu đến xuất sắc. Qua đó, cơ quan báo chí sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp chứng nhận mức độ trưởng thành CĐS báo chí. Việc công bố xếp hạng mức độ trưởng thành CĐS báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện và công bố hàng năm.
Theo Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết với kinh nghiệm thành công của các tờ báo sớm CĐS là phải kết hợp nội dung với công nghệ, phải coi độc giả là trung tâm. Nội dung thì mục tiêu là theo đuổi sự thật; công nghệ thì không có độ trễ; hiểu độc giả đang dành thời gian vào đâu và đáp ứng nó bằng các trải nghiệm sản phẩm số phù hợp, hấp dẫn.
Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, phụ trách Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí trình bày tại tập huấn.
Tin rằng, Trung tâm Hỗ trợ CĐS báo chí (bộ phận thường trực đặt tại Cục Báo chí) ra đời hứa hẹn sẽ góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu CĐS đã được nêu trong Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030.
Ánh Dương – Liên Trần