(CSPLO) – Đối với một doanh nghiệp khởi nghiệp, trước khi quyết định thâm nhập thị trường cần nghiên cứu thị trường trước khi xây dựng kế hoạch chi tiết. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hoặc do đánh giá không đúng tầm mức quan trọng của nghiên cứu thị trường, hoặc cũng có thể có nhận thức nhưng do hạn chế về ngân sách, đã không chú tâm đúng mực đến công tác nghiên cứu thị trường trước khi tung một sản phẩm mới, kết quả là họ đã phải trả giá đắt khi vấp phải những trở ngại khó có thể vượt qua trong quá trình triển khai thâm nhập thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc nắm vững các kiến thức và kỹ năng về nghiên cứu thị trường là vô cùng quan trọng, đóng vai trò như kim chỉ nam dẫn dắt của doanh nghiệp sẽ dẫn đến thành công đó chính là nghiên cứu thị trường.
Nghiên cứu thị trường là một trong những hoạt động chủ yếu của doanh nghiệp khi chuẩn bị đưa ra thị trường sản phẩm của mình. Đây là nhiệm vụ điển hình mà doanh nghiệp cần phải giải quyết các vấn đề như: nghiên cứu về đặc tính thị trường, đo lường khả năng tiềm ẩn thị trường, phân tích sự phân chia thị trường, tình hình tiêu thụ, nghiên cứu hàng hóa của đối thủ cạnh tranh, dự báo tiềm năng, nghiên cứu các kênh phân phối, chiến lược kích thích tiêu thụ, hoạch định chiến lược truyền thông. Qua đó, việc nghiên cứu thị trường là các hoạt động nghiên cứu đặc tính thị trường, là nghiên cứu việc khách hàng sửu dụng sản phẩm của doanh nghiệp, phân khúc khách hàng liệu có phù hợp với hàng hóa hay chiến lược của doanh nghiệp. Tâm lý, hành vi và động cơ mua hàng của khách hang…Khách hàng có nhu cầu và mong muốn gì ở công ty, sản phẩm hay thương hiệu khách hàng chọn… Đây có thể thấy là hoạt động trọng tâm mà mọi doanh nghiệp cần phải giải quyết.
Đồng thời, việc doanh nghiệp đầu tư thời gian và nguồn lực vào nghiên cứu thị trường là bước đi cần thiết để đảm bảo sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong một thế giới đầy cạnh tranh như hiện nay, việc nắm vững thông tin và áp dụng những hiểu biết từ nghiên cứu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế lớn trong cuộc chạy đua khởi nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng hiện là có rất nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng hoặc đầu tư thích đáng cho việc nghiên cứu thị trường. Đây là thiếu sót lớn, có nguy cơ dẫn tới những thất bại đáng tiếc của không ít doanh nghiệp. Việc đầu tư thời gian và nguồn lực vào nghiên cứu thị trường là bước đi cần thiết để đảm bảo sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong tương lai.
Chia sẻ với chúng tôi, chuyên gia nghiên cứu thị trường Nguyễn Hồng Lượng – Giám đốc Công ty TNHH MegaVN cho biết, đầu tư vào một doanh nghiệp mới luôn đi kèm với nhiều rủi ro. Việc nghiên cứu thị trường giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp xác định được những thách thức có thể gặp phải và chuẩn bị các phương án ứng phó. Bằng cách dự đoán xu hướng, nhu cầu và sự thay đổi của thị trường, doanh nghiệp có thể giảm thiểu rủi ro và nâng cao khả năng thành công. Nghiên cứu thị trường là quá trình thu thập, phân tích thông tin về thị trường, sản phẩm hoặc dịch vụ được chào bán và sử dụng trên thị trường đó. Nghiên cứu thị trường có thể thiết kế để nghiên cứu về đặc điểm khách hàng, tiềm năng của sản phẩm mới và thị trường mới và chuyển động ngành hàng nói chung.
Đặc biệt, nghiên cứu thị trường không chỉ giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm do mình sản xuất mà còn giúp doanh nghiệp phân tích đối thủ cạnh tranh; hiểu rõ họ từ chiến lược tiếp thị đến sản phẩm cung cấp… từ đó, tìm ra những điểm mạnh và điểm yếu của mình. Doanh nghiệp cũng có thể đặt ra các chiến lược phù hợp nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và định hình chiến lược kinh doanh một cách rõ ràng và chính xác. Điều này, bao gồm cả việc xác định các phân khúc thị trường tiềm năng, định giá sản phẩm, đồng thời lựa chọn các kênh phân phối và phương pháp tiếp thị hiệu quả.
Trong quá trình tiếp cận nhiều doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã ghi nhận những ý kiến, chia sẻ về những bài học xương máu mà doanh nghiệp phải đối mặt và phải trả giá không chỉ là tiền, công sức, tâm huyết mà rất nhiều thời gian vun đắp, xây dựng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, do không nắm bắt được nhu cầu và mong muốn của khách hàng, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp có thể phát triển những sản phẩm không phù hợp với thị trường. Từ đó, dẫn đến tình trạng sản phẩm không được tiêu thụ, gây lãng phí tài nguyên và chi phí đầu tư. Một số doanh nghiệp khác, vì không hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh nên không biết họ đang cung cấp gì và cách họ tiếp cận khách hàng như thế nào, dẫn tới bỏ lỡ những cơ hội để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính mình. Có doanh nghiệp thì phản ánh những rủi ro về tài chính. Vì khi đầu tư vào một sản phẩm/dịch vụ nhưng không có đủ thông tin về thị trường đã dẫn tới những quyết định tài chính sai lầm. Doanh nghiệp “cụt” vốn vào những sản phẩm không khả thi dẫn đến thua lỗ nghiêm trọng. Đó là chưa kể những thiệt hại khác như gặp phải lỗi chiến lược trong tiếp thị, khó khăn trong việc tiếp cận khách, bị tụt hậu với xu hướng của thị trường và mất thời, mất cơ hội đầu tư.
Còn nhớ vào năm 2018, ngay từ giai đoạn đầu lên ý tưởng khởi nghiệp, 3S chỉ ở mô hình câu lạc bộ đã được nâng cấp trở thành trung tâm và giờ đã là doanh nghiệp cổ phần, dù ở chặng đường nào, 3S luôn tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng thị trường khách hàng tiềm năng, bao gồm cả sở thích của trẻ; nhu cầu, tâm lý của cha mẹ, rồi lựa chọn đóng gói sản phẩm, so sánh với những sản phẩm và các mô hình đào tạo tương tự có sẵn trên thị trường…Việc này đã đem lại giá trị thực tiễn bằng tiền, bằng uy tín và khẳng định thương hiệu của 3S đang ngày càng được thị trường đề cao, lan tỏa sức ảnh hưởng ngày càng rộng, khách hàng ưa thích vì tính phù hợp nên liên tục sử dụng nhiều lần, nhiều thế hệ và truyền miệng cho nhau, giúp việc kinh doanh của 3S ngày càng phát triển thuận lợi hơn.
Sau 6 năm và 3 chặng đường phát triển của các nghiệp đã ghi đậm dấu ấn của 3S bằng nhiều giải thưởng và chứng thực chất lượng do cộng đồng ghi nhận. Hàng ngày, 3S đang nỗ lực để hướng tới trở thành đơn vị tiên phong tại Việt Nam chuyên sâu trong việc phát triển Kỹ năng Tự học và mong hướng tới năm 2033 sẽ thúc đẩy được mô hình này lan tỏa tới 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.
Mặt khác, để nghiên cứu thị trường trở thành điều bắt buộc, cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn, cơ quan Nhà nước và xã hội. Chỉ khi nhận thức được giá trị của nghiên cứu thị trường, doanh nghiệp mới có thể tạo ra những chiến lược kinh doanh hiệu quả và đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Thực hiện nghiên cứu thị trường có thể giúp doanh nghiệp tìm ra những thị trường mới mà khách hàng chưa được đáp ứng đầy đủ nhu cầu. Doanh nghiệp cũng có thể xác định sự thay đổi của xu hướng thị trường như xây dựng nhà ở mới, trình độ giáo dục tăng…Thông qua đó sẽ mang lại nhiều cơ hội mới cho kinh doanh của doanh nghiệp.
Thông qua bài viết, thì việc nghiên cứu thị trường không chỉ đơn thuần dành cho những doanh nghiệp mới bắt đầu kinh doanh. Hầu hết các doanh nghiệp từ mọi hình thức, quy mô, lĩnh vực và kinh nghiệm đều được hưởng lợi nhờ hoạt động nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu thị trường có thể giúp doanh nghiệp hiểu được về khách hàng mới và hiện có, nhận diện và giải quyết vấn đề, thậm chí là giúp thăm dò cơ hội, biến nó thành thảm trải đường cho sự phát triển kinh doanh.
(Bài xuất bản số T10, đặc san Khoa học Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập)
TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLIE, Phó TBT TC Doanh nghiệp và Trang trại VN