(CSPLO) – Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan soạn thảo Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Ảnh minh họa, nguồn: internet
- Về sự cần thiết ban hành Luật
Thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Hiến pháp về giáo dục, bảo vệ trẻ em, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách về chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, được thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện quan trọng. Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.
Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng. Để thể chế hóa những yêu cầu, nhiệm vụ đó thì việc đề xuất xây dựng một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên là giải pháp phù hợp và khả thi để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới.
Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII… Nhiều văn kiện của Đảng đều xác định: “Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến trẻ em”; “Thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và mối quan hệ xã hội.…”.
Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặt ra mục tiêu “xây dựng hệ thống pháp luật minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán”, và đề ra giải pháp “Tăng cường các đạo luật có nội dung cụ thể, hiệu lực trực tiếp”.
Chỉ thị số 28-CT-TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đề ra giải pháp “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”.
- Những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật về tư phápngười chưa thành niên hiện nay
Việt Nam hiện đang có 07 Bộ luật, Luật điều chỉnh trực tiếp về tư pháp hình sự đối với người chưa thành niên và nhiều văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành đang tồn tại một số hạn chế như:
(1) Thủ tục tố tụng hình sự vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành và có một số quy định để giải quyết các vấn đề liên quan đến người chưa thành niên, dẫn đến thủ tục chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển của người chưa thành niên.
(2) Biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp người chưa thành niên được miễn trách nhiệm hình sự tuy đã được quy định trong Bộ luật Hình sự để thay thế các hình phạt nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; hệ thống hình phạt chưa phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên.
(3) Còn cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chưa được nội luật hóa đầy đủ; một số quy định chưa phù hợp với thông lệ quốc tế;
(4) Còn thiếu thiết chế, cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của người chưa thành niên trong các giai đoạn tố tụng; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp người chưa thành niên;
(5) Chưa quy định về vị trí, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên;
(6) Các quy định về giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng đối với người chưa thành niên còn chưa đa dạng, hiệu quả chưa cao.
- Một số nội dung của dự thảoLuật Tư pháp người chưa thành niên
Luật này quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với người chưa thành niên phạm tội; thủ tục tố tụng đối với bị hại và người làm chứng; thi hành án; tái hòa nhập cộng đồng và hỗ trợ bị hại; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.
Luật Tư pháp người chưa thành niên có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên; bảo đảm việc xử lý người chưa thành niên phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội
Những nguyên tắc cơ bản của Luật bao gồm 13 điều luật (từ Điều 5 đến Điều 18) nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên. Việc xử lý người chưa thành niên phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Bảo đảm thủ tục tố tụng thân thiện, được đối xử bình đẳng, được bảo đảm quyền có cha mẹ, người giám hộ…
Tổ chức phối hợp liên ngành về tư pháp người chưa thành niên do Thủ tướng Chính phủ thành lập có nhiệm vụ thực hiện điều phối tư pháp người chưa thành niên.
Luật gồm 11 Chương, 168 Điều. Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật này.
HÀ CHI
https://tapchitoaan.vn/du-thao-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien10463.html