(CSPLO) – Năm 2022 gần khép lại còn nhiều khó khăn phía trước, dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp. Cuộc sống “bình thường mới” vẫn tiếp diễn. Với cộng đồng doanh nghiệp Quảng Bình, họ đã có một hành trình vươn lên từ “bão giông” đúng nghĩa.
Ông Lê Thuận Văn – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình
Gần kết thúc 2022, kinh tế-xã hội có thể tiếp tục sẽ có nhiều khó khăn bởi tác động của dịch Covid – 19, nhưng niềm tin và hy vọng cùng sự lạc quan của Hội doanh nghiệp Quảng Bình vẫn tiếp tục được thắp sáng. Trong khó khăn, Hội Doanh nghiệp Quảng Bình đã nhận ra giá trị của tình thân và sự đoàn kết, đồng lòng. Chỉ có tinh thần đoàn kết, đồng lòng, vì sự phát triển chung mới có thể giúp chúng ta đi qua đại dịch và giữ được niềm tin về một ngày mai thịnh vượng.
Mặc dù, còn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp có nguồn thu cao trong năm qua, điển hình: Công ty TNHH Hải Vân 401,9 tỷ đồng; Công ty CP Dược phẩm 168,7 tỷ đồng; Công ty Xổ số Kiến thiết 123,7 tỷ đồng; Cty Hiếu Hằng 112,9 tỷ; Cty Chua Me Đất 83,5 tỷ đồng; Cty Long Đại 78,8 tỷ đồng; Cty CP Tổng Cty Nông nghiệp 78,7 tỷ đồng; Cty Hùng Hồng 62,6 tỷ; Cty CP Cấp nước 55,3 tỷ đồng; Cty CP Lệ Ninh 38,2 tỷ đồng; Cty CP Việt Trung 36,8 tỷ đồng; Cty CP Xuất nhập khẩu 28,9 tỷ đồng…Trong 6 tháng đầu năm 2022 tổng số nộp ngân sách của các DN thành viên ước đạt hơn 400 tỷ đồng, mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều doanh nghiệp thành viên có số nộp ngân sách khá.
Theo số liệu từ Cục Thuế, một số DN có số nộp lớn như: Công ty Xăng dầu QB 131,1 tỷ đồng; Cty Xổ số kiến thiết Quảng Bình 24,8 tỷ đồng; Công ty CP VLXD Việt Nam 18,5 tỷ đồng; Cty CP Xuất nhập khẩu 15,4 tỷ đồng; Công ty CP Xi măng Sông Giang 11,3 tỷ đồng, Cty CP Cấp nước 10,9 tỷ đồng; Viễn Thông QB 8,3 tỷ đồng; Xí nghiệp May XK Hà Quảng 6,7 tỷ đồng, Công ty CP Bia Hà Nội-QB 6 tỷ đồng, Công ty Chua Me Đất 5,1 tỷ; Công ty CP Dược phẩm QB 3,3 tỷ đồng.v.v… đây là những con sếu đầu đàn của Hội doanh nghiệp Quảng Bình
Các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19, các DN sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu khởi sắc, nhiều doanh nghiệp đã thích ứng với trạng thái bình thường mới nên hoạt động sản xuất nhanh chóng được duy trì và phục hồi, các sản phẩm đạt được mức tăng trưởng khá như: titan, xi măng, clinker, caolanh, gạch nung, tinh bột sắn, sản xuất trang phục, sản xuất gỗ ván ép, chế biến thuỷ hải sản…Nhiều DN đã chủ động được đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp may mặc còn đầu tư mở rộng thêm dây chuyền nên đã tăng sản lượng sản xuất.
Đồng thời, các DN sản xuất công nghiệp đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh. đó, bên cạnh những kết quả đạt được, trong những tháng đầu năm vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: chi phí sản xuất của các doanh nghiệp tăng cao (tăng từ 15-20%) do giá cả các mặt hàng thiết yếu, vật tư, nguyên liệu, vật liệu tăng giá, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng
Năm 2022 – hoạt động các DN xây dựng cơ bản tiếp tục gặp không ít khó khăn do giá nguyên vật liệu, vật tư, thiết bị tăng và đặc biệt là giá xăng dầu liên tục tăng cao, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, dẫn tới đội giá thành công trình, định mức đơn giá mời thầu không còn phù hợp, nhiều DN phải tạm dừng thi công. Công tác giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ một số công trình, dự án, vì thế lợi nhuận của các DN xây dựng bị thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, nhiều DN lớn đã tích cực tìm kiếm, đấu thầu công trình ngoài tỉnh, mang về doanh thu cao, duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng cho doanh nghiệp.
Các DN hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch
Sau thời gian dài ngưng trệ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, đến tháng 4/2022 lĩnh vực dịch vụ du lịch đã có những tín hiệu phục hồi tích cực, từ dịp nghỉ Lễ Giỗ tổ Hùng Vương và nghỉ Lễ 30/4, 1/5 đến nay, lượng khách du lịch đến QB tăng cao. Để chuẩn bị cho mùa du lịch, thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch luôn được tỉnh quan tâm đẩy mạnh; duy trì kết nối thường xuyên với các thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế qua các nền tảng số. Các chính sách kích cầu, phục hồi du lịch triển khai kịp thời đã phát huy hiệu quả. Quảng Bình là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện đón khách du lịch sau thời gian phải dừng hoạt động do dịch. Nhờ đó, các doanh nghiệp dịch vụ, du lịch 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá, đặc biệt là trong quý II/2022 với tốc độ tăng cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên,do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua, nhiều cơ sở, đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch đã tạm dừng hoạt động hay bị ngừng trệ; nhiều lao động bị nghỉ việc, nên đã ảnh hưởng lớn cả về số lượng và chất lượng hoạt động du lịch trong trạng thái bình thường mới hiện nay.
Các DN hoạt động thương mại nội địa
Sáu tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 về cơ bản đã được kiểm soát, cuộc sống của người dân dần trở lại trạng thái bình thường, nên hoạt động các doanh nghiệp thương mại trở nên nhộn nhịp, sôi động và vẫn duy trì được mức tăng khá.
Các DN xuất nhập khẩu
Những tháng đầu năm 2022 dịch Covid – 19 trên thế giới và trong nước dần được kiểm soát, hoạt động các DN xuất nhập khẩu đã có nhiều tín hiệu tích cực, các DN tiếp tục tìm kiếm thị trường, đơn hàng, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm như: titan, may mặc, tinh bột sắn, caolanh, dăm gỗ…Cùng với đó, do chính sách phòng, chống dịch zero Covid – 19 của Trung Quốc nghiêm ngặt, việc thông quan nguyên vật liệu nhập khẩu chậm, đặc biệt là ngành sản xuất trang phục, nên đã ảnh hưởng đến sản xuất của 1 số ngành hàng. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu chưa có nhiều thay đổi, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc (nhất là đối với sản phẩm dăm gỗ, tinh bột sắn, thủy hải sản đông lạnh…)
Tin rằng, bằng tâm huyết và những thay đổi tư duy kịp thời, ứng dụng hợp lý khoa học công nghệ và đổi mới cách tiếp cận trong sản xuất – kinh doanh, nhiều trong số đó đã vững vàng vượt khó, từng bước khẳng định uy tín và hiệu quả của doanh nghiệp mình.
Theo Hoàng An/Huongnghiepthitruong.vn