(CSPLO0 – Mới đây, một số tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp thành viên đã gửi thư về Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) quan tâm đến việc làm thế nào để được xoá án tích. Đặc biệt, quyền thừa thừa kế như thế nào?
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp nhằm hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp một cách cụ thể sau:
Xoá án tích như thế nào?
Án tích là một thuật ngữ không được định nghĩa rõ trong quy định pháp luật hình sự. Tuy nhiên, theo các quy định pháp luật liên quan thì có thể định nghĩa án tích là đặc điểm xấu (hậu quả) về nhân thân của người bị kết án và áp dụng hình phạt được ghi và lưu lại trong lí lịch tư pháp trong thời gian luật định. Khi người phạm tội đã bị tòa tuyên án hình phạt thì hậu quả pháp lý mà họ phải chịu không chỉ là việc phải chấp hành hình phạt đó mà còn bị coi là có án tích – đặc điểm đó trong nhiều hoạt động của đời sống xã hội cũng như khi có hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi phạm tội. Án tích không phải là đặc điểm về nhân thân có tính vĩnh viễn. Sau một thời gian và kèm theo điều kiện cụ thể theo quy định của pháp luật, án tích sẽ được xóa.
Theo quy định tại Điều 33, Mục 2, Chương III Luật Lý lịch tư pháp, Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Tư pháp các địa phương có nhiệm vụ cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp trong trường hợp người bị kết án được xóa án tích.
Có thể thấy, án tích là hậu quả pháp lý của việc bị kết án, và cũng là một trong những hình thức của trách nhiệm hình sự. Án tích tồn tại trong suốt thời gian người bị kết án chấp hành bản án và trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chấp hành xong bản án.
Căn cứ theo Điều 69, Chương X, phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) thì xóa án tích đồng nghĩa với việc được coi như chưa bị kết án, hay nói cách khác lý lịch tư pháp của họ sẽ trở nên trong sạch. Xóa án tích được quy định trong luật hình sự xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam và nhằm khuyến khích người bị kết án chấp hành nghiêm bản án và tuân thủ tốt pháp luật sau khi đã chấp hành xong bản án.
Theo quy định tại Điều 70 Bộ luật Hình sự năm 2015, các trường hợp đủ điều kiện đương nhiên được xóa án tích gồm: Người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 70 Bộ luật Hình sự. Người bị kết án được xóa án tích trong trường hợp từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. Người bị kết án được xóa án tích, trong trường hợp từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ theo Điều 71 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các trường hợp đủ điều kiện xóa án tích theo quyết định của Toà án gồm: Xóa án tích theo quyết định của Toà án được áp dụng với người bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 71 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tòa án quyết định việc xóa án tích đối với những người đã bị kết án về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật Hình sự, căn cứ vào tính chất của tội phạm đã thực hiện, thái độ chấp hành pháp luật, thái độ lao động của người bị kết án. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây: 03 năm trong trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 05 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 07 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại điểm a khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hình sự thì thời hạn được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung. Người bị kết án được Tòa án quyết định xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 71 Bộ luật Hình sự. Người bị Tòa án bác đơn xin xóa án tích lần đầu, thì sau 01 năm mới được xin xóa án tích; nếu bị bác đơn lần thứ hai trở đi, thì sau 02 năm mới được xin xóa án tích.
Căn cứ theo Điều 72, Chương X, phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định về việc xóa án tích trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, trong trường hợp người bị kết án có những biểu hiện tiến bộ rõ rệt và đã lập công, được cơ quan, tổ chức nơi người đó công tác hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú đề nghị, thì Tòa án quyết định việc xóa án tích nếu người đó đã bảo đảm được ít nhất một phần ba thời hạn quy định tại Khoản 2, Điều 70 và Khoản 2, Điều 71 của bộ luật này.
Con dâu có được thừa kế tài sản từ bố mẹ chồng không?
Pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc con cái được quyền thừa hưởng tài sản do bố mẹ để lại trước khi qua đời. Việc phân chia tài sản thừa kế phụ thuộc vào di chúc nếu có di chúc hợp lệ, phụ thuộc vào đối tượng thừa kế, các hàng thừa kế nếu bố mẹ qua đời mà không để lại di chúc.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã mất cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc. Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 về quyền thừa kế, cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.
Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi họ còn sống; Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định.
Căn cứ theo Điều 613, Bộ luật dân sự 2015 quy định người thừa kế như sau: Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Người thừa kế là người thừa hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Người được thừa kế theo pháp luật chỉ có thể là cá nhân và phải là người có quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản. Người được thừa kế theo di chúc có thể là cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước. Thế nhưng, người được thừa kế là cá nhân phải là người còn sống tại thời điểm mở thừa kế, tổ chức còn tồn tại tại thời điểm mở thừa kế.
Theo quy định tại Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015 quy định những trường hợp thừa kế theo pháp luật cụ thể như sau: Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây: Không có di chúc; Di chúc không hợp pháp; Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc; Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật; Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Căn cứ quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản thừa kế bao gồm: Hàng thừa kế thứ nhất: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba: cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Theo đó, con dâu không thuộc hàng thừa kế nào của bố mẹ chồng. Tuy nhiên, nếu bố mẹ chồng trước khi mất có viết di chúc thể hiện ý chí muốn để lại tài sản cho con dâu thừa kế thì người này vẫn được chia thừa kế theo nội dung di chúc và theo quy định của pháp luật.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, ViệnIMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tiếp tục phối hợp với các ban, ngành đoàn thể của các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý cho nhân dân, góp phần nâng cao kiến thức và hiểu biết pháp luật trong nhân dân, hạn chế những tranh chấp trong cộng đồng dân cư, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người yếu thế trong xã hội (người nghèo, cac đối tượng chính sách, trẻ em) và nhân dân. Góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội tại các phương, tạo niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp cải cách hành chính, cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)