(CSPLO) – Sau dịch Covid – 19, nhiều dịch vụ được hoạt động trở lại, hàng quán tấp nập, trên nhiều tuyến phố tại một số tỉnh thành phố xuất hiện những người hát rong. Điều đáng nói là âm thanh phát ra từ thùng loa luôn mở hết cỡ gây bức xúc cho người dân đang sinh sống tại khu vực đó và người đi đường.
Dù tiếng ồn hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày nhưng việc xử lý không hề dễ dàng (Ảnh: DAD 21).
Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về môi trường có hiệu lực từ 25/8 tới, mức phạt ô nhiễm tiếng ồn lên tới 160 triệu đồng, thế nhưng việc thực hiện không mấy dễ dàng. Có thể thấy, việc chế tài mạnh là điều cần thiết và dễ đưa ra, nhưng cái khó là cách thực hiện ra sao, để khắc phục được những khó khăn tồn tại bấy lâu nay trong công tác xử lý ô nhiễm tiếng ồn – vấn đề nhức nhối tại các đô thị.
Nói về vấn đề này, Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE) cho biết trách nhiệm quản lý và xử lý các hành vi hát rong, gây tiếng ồn ảnh hưởng xấu thường được thực hiện bởi UBND các cấp và lực lượng công an trên địa bàn của địa phương đó. Qua đó, triển khai các biện pháp nhắc nhở, giáo dục cho đến răn đe, cảnh cáo hoặc xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, khi các đối tượng hát rong được nhắc nhở nhiều lần mà không hợp tác, lực lượng chức năng nên thực thi nghiêm các quy định về xử phạt hành chính như phạt tiền, cưỡng chế ngăn chặn hành vi hát rong, làm ồn và tịch thu công cụ, phương tiện hát rong (như loa kéo, đài, micro…).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số hộ dân sinh sống, làm ăn quanh khu vực có các nhà hàng, các quán lề đường có người bán hàng rong bật loa hát đều hầu hết muốn bán nhà để chuyển đi nơi khác. Bởi, họ bị rối loạn giấc ngủ, cảm thấy mệt mỏi bởi đủ loại âm thanh ồn ào, hỗn loạn tại đô thị mỗi ngày, họ cho biết: “Việc xây nhà, sữa chữa nhà không có ý thức cũng đập ồn ào, trưa mất ngủ, tối mất ngủ. Hát loa rồi kéo đi ầm ĩ ở chợ, đường phố, nó rối loạn, không có trật tự chút nào. Mình mà góp ý thì người ta chẳng hợp tác, người ta tỏ ra khó chịu lắm, chẳng biết làm thế nào cả”.
Hằng ngày, nhiều loại âm thanh từ đủ loại hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao thông vô tư phát ra và “bủa vây” cuộc sống của người dân đô thị, điển hình, trên đường những xe 4-5 trục, người ta rất hay sử dụng còi hơi. Khi các bác tài bóp còi hơi đấy là người tham gia giao thông bằng xe gắn máy giật mình, tay lái bị loạng choạng; Công việc, làm ăn, người ta sửa chữa, máy móc, máy nổ cũng gây ảnh hưởng đến mình; Trong các quán ăn, đám giỗ đều bật karaoke...
Như vậy, ngày 25/8/2022 tới đây, các hành vi vi phạm và mức xử phạt về tiếng ồn được quy định tại Điều 22, Nghị định 45/2022 của Chính phủ chính thứcc có hiệu lực. Cụ thể, mức xử phạt sẽ tăng dần tương ứng với mức độ vượt quy chuẩn về tiếng ồn, thấp nhất là phạt tiền từ 1-5 triệu đồng, cao nhất là từ 140-160 triệu đồng, đồng thời có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên đáng báo động, nên việc ban hành quy định với mức phạt tiền cao là cần thiết (Ảnh: DAD17).
Cùng với đó, đối với khu vực đặc biệt (khu vực trong hàng rào của các cơ sở y tế, thư viện, nhà trẻ, trường học, nhà thờ, đình, chùa và các khu vực có quy định đặc biệt khác) từ 6 giờ đến 21 giờ là 55dBA và từ 21 giờ đến 6 giờ ngày hôm sau là 45dBA. Mức giới hạn tối đa tại khu vực thông thường, gồm: Khu chung cư, các nhà ở riêng lẻ nằm cách biệt hoặc liền kề, khách sạn, nhà nghỉ, cơ quan hành chính trong 2 khung giờ tương đương là 70 dBA và 55 dBA.
Luật gia Hồ Minh Sơn cho hay các chế tài xử phạt đối với người vi phạm được quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội;…Theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 8 Nghị định này, hành vi gây ra tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22h ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Căn cứ khoản 2 Điều 8 Nghị định này, đối với hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động ở nơi công cộng mà không được phép của các cơ quan có thẩm quyền sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Song song đó, hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn cũng có thể bị xử phạt theo quy định tại Điều 17 Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Người vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 160 triệu đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn trên 40 dBA.Luật gia Hồ Minh Sơn thông tin thêm.
Trong khi đó, đối với lĩnh vực giao thông, việc xử phạt chủ phương tiện sử dụng còi xe không đúng quy định (bấm còi trong khu vực, thời gian bị cấm; bấm còi liên tục; sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định) cũng gặp khó khăn tương tự về thiết bị.
Theo đại diện Phòng CSGT (Công an TP Hà Nội) cho biết cần trang bị thiết bị đo lường cho lực lượng chức năng để có căn cứ xử phạt, tránh thắc mắc, khiếu kiện của người vi phạm.
Theo Luật gia Hồ Minh Sơn khuyến nghị một số khó khăn hiện nay là thiếu thiết bị đo tiếng ồn, dẫn đến số trường hợp bị xử phạt không đáng kể và mức phạt chưa đủ sức răn đe. Tuy nhiên, ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên đáng báo động, nên việc ban hành quy định với mức phạt tiền cao là cần thiết, đồng thời đi kèm nhiều giải pháp thực hiện. Đồng thời, nhấn mạnh: “Ý thức của người dân là mấu chốt cốt lõi của biện pháp hạn chế ô nhiễm tiếng ồn. Mặt khác, các cấp chính quyền địa phương cần nâng cao trách nhiệm cơ sở, tăng cường kiểm tra, tang cường nhiều hình thức truyền thông (truyền thông miệng, tuyên truyền ở các cuộc họp dân phố, thông qua các cơ quan thông tấn báo chí), giám sát và kiên quyết xử phạt nghiêm khắc. Nên chăng cần bổ sung chế tài hình sự đối với trường hợp vi phạm tiếng ồn có tính chất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, như thái độ coi thường pháp luật, thách đố hàng xóm dẫn đến việc xô xát, nhắc nhở mà vẫn cố tình”.
Sự lên tiếng mạnh mẽ và kiên trì của cộng đồng sẽ buộc chính quyền cơ sở phải vào cuộc với đúng trách nhiệm của mình. (Ảnh: KT).
Luật gia Hồ Minh Sơn cho rằng, chế tài mạnh phải đồng bộ về giải pháp thực hiện. Đặc biệt, trách nhiệm của chính quyền địa phương, có thể xem việc xử lý vi phạm tiếng ồn là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức: “Cần cân nhắc việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu”. Nên giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND phường, còn các đồng chí phân cấp quản lý triệt để và có giám sát, giao trách nhiệm cụ thể cho các tổ dân phố”. Ô nhiễm tiếng ồn không chỉ gây thiệt hại lớn, trực tiếp đến sức khỏe và kinh phí điều trị bệnh tật cho người dân, mà còn là nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Có thể khẳng định, đối với ô nhiễm tiếng ồn bên cạnh gây thiệt hại lớn, trực tiếp đến sức khỏe và kinh phí điều trị bệnh tật cho người dân, nguy cơ gây mất an ninh trật tự tại địa phương, khi nhiều án mạng, xô xát đã xảy ra từ xích mích liên quan tới việc hát karaoke, phát nhạc công suất lớn. Mặc dù, công tác chế tài sẽ là vấn đề khó nhưng không phải không làm được và cần sớm thực hiện quyết liệt với trách nhiệm của chính quyền địa phương cùng mỗi người dân: Trách nhiệm địa phương và tiếng nói cộng đồng.
Tại TP.HCM, việc xử lý tình trạng ô nhiễm tiếng ồn là địa phương rốt ráo, quyết liệt nhất. Trong tháng 1/2022 vừa qua, UBND TP.HCM đã kiên quyết chỉ đạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường xử lý vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Tuy nhiên, sau thời gian đầu giảm thiểu rõ rệt bởi những đợt ra quân của các lực lượng chức năng, nhưng hiện tình trạng này lại tái diễn, điển hình là những loa thùng công suất lớn, ví dụ như một số cơ quan thông tấn báo chí đã thông tin về việc hoạt động thâu đêm suốt sáng trên đường Phạm Văn Đồng, TP. Thủ Đức.
Từ đó cho thấy, dẫu các địa phương đã ban hành các quy định, ban hành các kế hoạch nhưng việc xử lý vi phạm tiếng ồn vẫn chỉ là “điệp khúc” “bắt cóc bỏ đĩa” nếu không thay đổi cách tổ chức thực hiện.Việc xử lý vi phạm tiếng ồn hiện nay chủ yếu thuộc về lực lượng công an phường, xã và công chức địa chính, xây dựng. Khó khăn với hầu hết địa phương là không có thiết bị đo lường, thiếu căn cứ xử lý, và kể cả khi phường, xã báo cáo với quận, huyện để lập đoàn kiểm tra, có thiết bị thì vi phạm đã không còn.
Thực thế, chỉ cần các địa phương rốt ráo nhắc nhở tuyên truyền, phổ biến để người dân nắm rõ một cách thấu đáo, chưa cần đến biện pháp xử phạt, thì phần lớn người gây ra tiếng ồn đã tự giác khắc phục. Mặt khác, điều khiến người tố cáo nản lòng, mất niềm tin, âm thầm chịu đựng hoặc tìm cách giải quyết bằng “chân tay” nơi mà mình đã gắn bó thời gian dài để chuyển đi nơi khác do các địa phương khi tiếp nhận thông tin mà không xử lý rốt ráo…
Trong khi đó, ít khi người dân nhìn thấy lực lượng chức năng chủ động đi thanh kiểm tra, xử lý vi phạm tiếng ồn, đặc biệt là đối tượng cá nhân, cơ sở nhỏ lẻ, mà chủ yếu được thực hiện khi có nhiều phản ánh của người dân. Việc giải quyết đến đâu cũng hoàn toàn phụ thuộc vào nhiệt huyết của từng cán bộ.
Dịp này, Luật gia Hồ Minh Sơn cho rằng để giải quyết tình trạng ô nhiễm tiếng ồn, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cần được tiếp tục nhấn mạnh, cần quy trách nhiệm người đứng đầu để họ có phương án cụ thể, phân công nhiệm vụ cho các cán bộ chuyên ngành và cán bộ tại khu dân cư, đi kèm với chế độ khen thưởng – kỷ luật kịp thời. Mỗi phản ánh của người dân cần được tiếp nhận và xử lý ngay, “đến nơi, đến chốn” để tạo sức răn đe, làm chùn bước những người có ý định vi phạm. Bên cạnh sự quyết liệt của chính quyền cơ sở thì tiếng nói của cộng đồng dân cư cũng rất quan trọng. Trước vi phạm tiếng ồn, mỗi người dân cần xóa bỏ tâm lý nể nang, ngại va chạm, chủ động nhắc nhở, góp ý với người gây ra tiếng ồn; phản ánh tới chính quyền địa phương, các cơ quan báo chí nếu tình trạng không được cải thiện. Sự lên tiếng mạnh mẽ và kiên trì của cộng đồng sẽ buộc chính quyền cơ sở phải vào cuộc với đúng trách nhiệm của mình để hướng tới xây dựng xã hội văn hóa, văn minh.
Ngọc Danh