(CSPLO) – Theo Luật gia – Nhà báo Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE) cho biết tại điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Như vậy, cá nhân có quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm, mọi hành vi xâm phạm tới danh dự, uy tín cá nhân là vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng chế tài xử lý theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp, nữ streamer có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng dưới góc độ vi phạm hành chính. Nếu hành vi nghiêm trọng, cô gái này có thể bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác.
Cơ quan chức năng đang xác minh, truy tìm nữ streamer có hành vi nói xấu lãnh đạo cấp cao của Nhà nước.
Cụ thể, ngày 24/8/2022 vừa qua, trong một buổi phát trực tiếp (livestream), khi trả lời bình luận của một người xem, nữ streamer M. (tên thật là N.T.T.L., 26 tuổi, quê Thái Bình) có những phát ngôn không chuẩn mực và xúc phạm đến lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Tuy video này đã được gỡ khỏi trang hoạt động chính thức, nhưng những nội dung phát ngôn đã được nhiều người ghi lại, lan truyền trên mạng xã hội.
Theo một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết đơn vị đang xác minh sự việc theo quy định, sau đó căn cứ mức độ vi phạm để xử lý theo quy định. Trường hợp này, M. có thể bị xử lý ra sao?
Chia sẻ về điều này, Luật gia Hồ Minh Sơn cho biết trên thông tin mạng xã hội và các cơ quan thông tấn báo chí thông tin thời gian gần đây, về vị nữ streamer có lời lẽ không chuẩn mực và xúc phạm tới lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Cơ quan chức năng đã tham gia xác minh tính xác thực của những nội dung được đăng tải trên mạng, xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi (nếu vi phạm) và áp dụng chế tài phù hợp.
Điển hình, ở góc độ hành chính, tùy thuộc tính chất của hành vi vi phạm, streamer M. có thể bị áp dụng chế tài quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử, Luật gia Hồ Minh Sơn cho biết.
Theo điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định này quy định người có hành vi Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng. Trường hợp hành vi nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, Luật gia Hồ Minh Sơn dẫn chứng.
Trong đó, để cấu thành tội phạm hình sự, hành vi cần bao gồm đầy đủ những yếu tố cấu thành sau: Đối với chủ thể, người thực hiện hành vi là người có năng lực trách nhiệm hình sự và có khả năng nhận thức khi thực hiện hành vi của mình; Đối với khách thể, hành vi này được thực hiện bằng lời nói hoặc hành động, xâm phạm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân phẩm, danh dự của người khác; Đối với chủ quan, người thực hiện hành vi với lỗi cố ý, cố tình thực hiện hành vi nhằm làm nhục người khác với nhiều động cơ khác nhau như để trả thù hay thỏa mãn các mục đích cá nhân khác; Đối với khách quan, hành vi này xúc phạm nghiêm trọng tới danh dự, nhân phẩm người khác và có thể được thể hiện bằng lời nói (sỉ nhục, thóa mạ, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu…) hoặc hành động (lột trần, nhổ nước bọt vào mặt, ném cà chua, trứng thối… vào nạn nhân trước đám đông để bêu riếu). Đặc trưng của tội này là thường diễn ra công khai, trực tiếp và trước nhiều người, Luật gia Hồ Minh Sơn thông tin thêm.
Ngoài ra, tội phạm được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội có lời nói hoặc hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác. Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm của tội danh này.
Do đó, trường hợp bị xử lý hình sự, M. có thể bị áp dụng tình tiết định khung sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội theo khoản 2, Điều 155 với khung hình phạt 3 tháng đến 2 năm tù. Song song đó, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, nếu người phạm tội nếu thuộc khoản 1, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu bị hại có yêu cầu khởi tố.
Luật gia Hồ Minh Sơn
Chửi bới xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì bị xử phạt hành chính thế nào?
Căn cứ Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi, vi phạm quy định về trật tự công cộng như sau:
“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
- a) Có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 21 và Điều 54 Nghị định này;
- b) Tổ chức, thuê, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, kích động người khác cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác hoặc xâm phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
- c) Báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;
- d) Gọi điện thoại đến số điện thoại khẩn cấp 111, 113, 114, 115 hoặc đường dây nóng của cơ quan, tổ chức để quấy rối, đe dọa, xúc phạm;
đ) Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển “đèn trời”;
…”
Cùng với đó, người nào chửi bới xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì có thể bị phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Chửi bới xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì có thể phạm tội gì?
Trường hợp bạn bị xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự thì người này sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm nhục người khác, quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 cụ thể như sau:
“1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
- a) Phạm tội 02 lần trở lên;
- b) Đối với 02 người trở lên;
- c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
- e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
- g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
- a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên
- b) Làm nạn nhân tự sát.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.
Chửi bới xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác có buộc phải xin lỗi công khai không?
Đối với trường hợp bị xử phạt hành chính nêu trên, thì tại điểm c khoản 14 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP cũng có quy định:
“14. Biện pháp khắc phục hậu quả:
- a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1, điểm l khoản 2 và điểm e khoản 4 Điều này;
- b) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 và điểm i khoản 4 Điều này;
- c) Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, các điểm d và đ khoản 5 Điều này trừ trường hợp nạn nhân có đơn không yêu cầu…”
Theo điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định buộc công khai xin lỗi là một trong những biện pháp tư pháp đối với người phạm tội.
“Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định về trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi như sau:
- Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.
- Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.”
Hồ Vĩnh Chung – Ngọc Danh