(CSPLO) – Khởi nghiệp đang trở thành xu hướng nóng đối với giới trẻ Việt Nam. Tuổi trẻ, những startup này ấp ủ bao hoài bão, đam mê và nhiệt huyết trong từng ý tưởng kinh doanh. Trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông, vấn đề này đang thu hút được sự quan tâm lớn. Tuy nhiên, liệu rằng sự tự tin và nhiệt huyết tuổi trẻ có đủ để thành công, hay còn có những thách thức khác cần phải chú ý?
Hiện nay xu hướng khởi nghiệp ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong giới trẻ có những bạn trẻ đã quyết định khởi nghiệp từ rất sớm. Với nhiều hình thức khác nhau, bên cạnh lợi thế là sự năng động tự tin, các bạn trẻ sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và rất nhiều người đã thất bại vì không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Với khao khát khẳng định bản thân nhiều bạn trẻ đã mạnh dạn khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Hình thức kinh doanh online với các mặt hàng thời trang, đồ handmade, đồ ăn, mở cửa hàng đồ uống, là những mô hình kinh doanh được khá nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ngoài ra với những ưu điểm của hình thức tương tác quảng bá trực tuyến, đã tạo ra cơ hội cho nhiều bạn trẻ khởi nghiệp bằng cách livestream bán hàng. Ở mỗi 1 độ tuổi khi bắt đầu khởi nghiệp sẽ có những vấn đề khác nhau và người trẻ cũng vậy.
Là sinh viên năm cuối ngành truyền thông, chị Hoàng Mỹ quyết định khởi nghiệp ở lĩnh vực F&B với mô hình take away – kinh doanh dịch vụ ẩm thực cho phép khách hàng đặt mua tại cửa hàng và mang đi. Đến nay mô hình kinh doanh này đã đem về lợi nhuận nhất định song chị cũng sớm cảm nhận được những vất vả khó khăn của công việc hiện tại.
Chị Hoàng Mỹ chia sẻ những khó khăn về khởi nghiệp khi chưa đủ kinh nghiệm
Theo chị Hoàng Mỹ, “Khó khăn lớn nhất là do còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm nên việc quản lý quy trình và nhân sự rất đau đầu”. Điều này phản ánh rõ ràng một thực tế: khởi nghiệp không chỉ cần sự nhiệt huyết mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức và kỹ năng.
Quyết định khởi nghiệp không chỉ dựa vào sự tin tin, lòng nhiệt huyết vốn có của sức trẻ, mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và khả năng thích ứng với thị trường. Việc các bạn trẻ quyết định khởi nghiệp khi không có cho mình sự chuẩn bị chu đáo là một trong những nguyên do chính khiến nhiều bạn thất bại.
Theo Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên – Doanh nhân TPHCM tiêu biểu, Nhà Đồng sáng lập Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ: “Khởi nghiệp là con đường có những chông gai hơn như vậy và những góc nhìn thực tế của khởi nghiệp cũng rất mạnh mẽ, không đơn giản chỉ là lý tưởng mà còn là những bài toán thực tế về kinh doanh, con số, mối quan hệ và rất nhiều thứ mà người trẻ cần phải luôn trang bị và sẵn sàng cho mình”.
Thạc sĩ Võ Thị Mỹ Duyên nhấn mạnh rằng một doanh nhân trẻ không thể dựa hoàn toàn vào lý tưởng mà cần có sự chuẩn bị về các kỹ năng thiết yếu
Theo ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn NGROUP, chuyên gia thường xuyên chia sẻ về Khởi nghiệp cho biết: “Khi khởi nghiệp thì nên đặt trọng tâm là hãy kiếm được tiền để tự nuôi sống bản thân trước khi nghĩ đến các giá trị về tạo tác động xã hội. Bởi vì các bạn khi kinh doanh tốt, có thể trả tiền thu nhập cho người lao động, đáp ứng được những vấn đề về pháp lý, bảo vệ các vấn đề về đạo đức trong kinh doanh thì đó đã là việc tạo ra rất nhiều tác động xã hội lớn. Thứ hai là hãy cân bằng giữa các vấn đề về lý thuyết và thực tế, vì nếu không bắt tay vào thực tế thì gần như những con số và những dự trù tính toán sẽ không có tính khả thi cao”.
Những góc nhìn về kinh nghiệm khởi nghiệp được ông Mai Nguyễn Hoàng Nam chỉ ra
Khởi nghiệp là một hành trình đầy gian nan nhưng cũng vô cùng thú vị. Các bạn trẻ với sự nhiệt huyết, sáng tạo và lòng dám nghĩ dám làm hoàn toàn có thể tạo nên những điều kỳ diệu. Tuy nhiên, để thành công, các bạn cần trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết, xây dựng một kế hoạch kinh doanh chi tiết và không ngừng học hỏi, thích nghi. Hãy nhớ rằng, thất bại là một phần không thể tránh khỏi quá trình khởi nghiệp. Khởi nghiệp khi còn trẻ là một hành trình đáng giá, quan trọng là bạn đứng lên sau mỗi lần vấp ngã và tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình.
Dưới góc độ chuyên gia, TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), cho rằng hiện nay người trẻ có rất nhiều điều kiện thuận lợi để khởi nghiệp, tuy nhiên khởi nghiệp là con đường khá chông gai, không phải bạn trẻ nào cũng dám lựa chọn. Theo đó, phải thực sự nghiêm túc, thực sự quyết tâm với câu chuyện ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của mình. Đồng thời, phải chuẩn bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, chuyên ngành; chấp nhận đương đầu với mọi thử thách…Sự phát triển sôi nổi của mạng xã hội và các công nghệ đã hỗ trợ đắc lực cho người trẻ muốn dấn thân vào con đường kinh doanh khi chưa có nhiều lợi thế vốn hay nhân lực. Tuy vậy, mấu chốt để hoạt động hiệu quả vẫn nằm ở chính đam mê và năng lực của mỗi cá nhân. Biết đúc kết bài học từ thực tiễn, vun bồi sự kết nối sâu sắc với mình và người khác, bạn trẻ càng thêm trưởng thành và có cuộc sống đong đầy cảm xúc, đa màu sắc hơn. Do vậy, hiện có rất nhiều ý tưởng kinh doanh hấp dẫn và đa dạng, bởi vậy mà khi bắt đầu khởi nghiệp, họ thường tập trung nhiều vào việc xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển ý tưởng. Các vấn đề pháp lý phát sinh xoay quanh quá trình khởi nghiệp dường như chưa được chú trọng. Có thể nói, lợi nhuận từ dự án và hợp tác kinh doanh là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nhân khởi nghiệp, vì vậy những vấn đề về pháp lý và thủ tục hành chính liên quan đến quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp thường bị bỏ quên. Điều đó dẫn đến việc các doanh nhân khởi nghiệp thường bị động trong việc chuẩn bị giấy tờ pháp lý về doanh nghiệp của mình khi có đối tác, khách hàng yêu cầu đột ngột, nhiều nguy cơ bị tuột mất cơ hội làm ăn, hợp tác. Khi bắt đầu khởi nghiệp, các bạn trẻ cần tìm hiểu và chuẩn bị các giấy tờ pháp lý liên quan như: giấy tờ tùy thân của người khởi nghiệp, hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp, điều lệ doanh nghiệp, thỏa thuận hợp tác, chứng nhận góp vốn… Đối với một số lĩnh vực kinh doanh có điều kiện còn bao gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (giấy phép con). Mặt khác, có nhiều đơn vị nhận thực hiện các dịch vụ này (các văn phòng luật sư, công ty tư vấn…) nên các doanh nhân khởi nghiệp cũng không quá vất vả để thiết lập và lưu trữ hồ sơ, quản trị. Như vậy, trước khi khởi nghiệp, bạn trẻ cần tham khảo các vấn đề pháp lý cần đặt ra cho nhà khởi nghiệp cần được quan tâm và đầu tư đúng mức. Hiểu và lường trước được những vấn đề này sẽ giúp các bạn tiến hành công việc được thuận lợi, thành công, hạn chế được những rủi ro, vướng mắc về pháp lý không đáng có.
(Bài xuất bản số T11, đặc san khoa học Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập)
Ngọc Lan – Thanh Tuyền