(CSPLO) – Ngày 30/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập; trong đó quy định vị trí việc làm tư vấn học sinh. Ngày 18/9/2024, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 11/2024/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trường chuyên biệt công lập.
Dưới góc độ nhà nghiên cứu, phản biện khoa học, TS. Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã chia sẻ với chúng tôi, cần có một vị trí chuyên trách về tư vấn học sinh trong mỗi trường học; với các trường có đông học sinh, nên có nhiều hơn một chuyên viên tư vấn để đảm bảo mỗi học sinh đều được quan tâm, hỗ trợ đầy đủ. Cùng với đó, cần tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo chuyên môn cho nhân viên tư vấn giáo viên chủ nhiệm về kỹ năng tư vấn, tâm lý học đường, kỹ năng xử lý các tình huống phức tạp; mời chuyên gia đến chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các phương pháp hỗ trợ học sinh hiện đại nhất. Ngoài ra, yếu tố then chốt là công tác truyền thông với phụ huynh đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về công tác tư vấn tâm lý. Phụ huynh cần được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về vai trò của chuyên viên tâm lý trong trường học, giúp họ có cái nhìn cởi mở, thoải mái hơn về việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh. Từ đó, sẽ hỗ trợ việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa phụ huynh và chuyên viên tâm lý, từ đó nâng cao hiệu quả hỗ trợ học sinh.
Dẫn chứng, tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 31/2017/TT_BGDĐT có quy định về hoạt động tư vấn tâm lý cho học trong nhà trường cụ thể sau: Tư vấn tâm lý cho học sinh là sự hỗ trợ tâm lý, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bản thân, hoàn cảnh gia đình, mối quan hệ xã hội, từ đó tăng cảm xúc tích cực, tự đưa ra quyết định trong tình huống khó khăn học sinh gặp phải khi đang học tại nhà trường. TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị thêm.
Hiện nay, trong sự phát triển kinh tế – xã hội, có nhiều vấn đề mới phi truyền thống đặt ra cho giáo dục, trong đó có vấn đề phát triển tâm sinh lý tuổi trẻ, tâm lý tuổi học đường thời đại 4.0. Nhiệm vụ của giáo dục, của các nhà trường không chỉ giới hạn ở việc dạy chữ, dạy người mà còn chăm lo tốt nhất cho sức khỏe tâm thần của mọi học sinh, bảo đảm cho mỗi học sinh được khỏe mạnh về thể chất lẫn tinh thần. Nhân lực là khó khăn chung của các nhà trường trong triển khai công tác tư vấn học sinh hiện nay.
Điển hình, Trường THCS Thường Thới Tiền (toạ lạc tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) hiện cũng chưa có cán bộ chuyên trách về tư vấn học đường mà chỉ có giáo viên kiêm nhiệm. Chia sẻ với chúng tôi, Thầy Phó Hiệu trưởng Nguyễn Phước Thuận cho hay, giải pháp khắc phục của nhà trường là luôn tạo điều kiện để giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn có cơ hội học tập, bồi dưỡng. Trong đó, thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục, mô hình hay, hiệu quả hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, có thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách; phát hiện, tham vấn giúp đỡ học sinh có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra.
Thầy Nguyễn Phước Thuận, đề xuất: “Điều thuận lợi là đã chính thức có vị trí việc làm tư vấn học sinh. Tuy nhiên, sẽ có thêm văn bản hướng dẫn cụ thể trong thực hiện công tác tư vấn tâm lý, nhất là các chế độ, chính sách, nhân lực. Điển hình, làm rõ việc ngoài giáo viên kiêm nhiệm thì các thành viên khác trong tổ tư vấn học sinh có được hưởng định mức giảm tiết dạy hay không? Số tiết giáo viên kiêm nhiệm được giảm định mức tiết dạy có chia đều cho giáo viên trong tổ tư vấn không?”.
Có thể thấy, cần có một đội ngũ chuyên viên tư vấn tâm lý có chuyên môn vững vàng và được đào tạo bài bản. Nhà trường cũng cần trang bị cơ sở vật chất phù hợp, tạo ra một không gian tư vấn an toàn, thoải mái, nơi học sinh có thể cảm thấy an tâm khi chia sẻ những vấn đề của mình. Mặt khác, sự ủng hộ từ lãnh đạo nhà trường, giáo viên, phụ huynh cũng đóng vai trò quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả công tác tư vấn. Vì vậy, nâng cao nhận thức cho tất cả các bên là yếu tố then chốt.
Tiếp tục chia sẻ thêm, TS Hồ Minh Sơn cho rằng đối với học sinh, cần tạo môi trường cởi mở, không phán xét để các em có thể chia sẻ, trao đổi về những vấn đề của mình mà không cảm thấy e ngại. Quađó, nhà trường cần phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp để thường xuyên tổ chức các buổi trò chuyện, toạ đàm để giao lưu về sức khỏe tinh thần sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn về các dịch vụ hỗ trợ sẵn có và cảm thấy tự tin khi tìm kiếm sự trợ giúp khi cần thiết. Đồng thời, nhà trường, việc hiểu đúng, đánh giá đầy đủ vai trò của chuyên viên tâm lý là yếu tố then chốt để triển khai công tác tư vấn hiệu quả. Nhà trường cần chú trọng phát triển các chương trình đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho các chuyên viên tư vấn, đồng thời tạo ra môi trường hỗ trợ tinh thần để họ có thể làm việc hiệu quả hơn.
TS. Hồ Minh Sơn cũng cho biết, nhà trường cần sự hiểu biết đúng đắn về vai trò của chuyên viên tư vấn sẽ giúp nhà trường phối hợp công việc với chuyên viên tâm lý một cách nhịp nhàng, hiệu quả hơn. Khi các giáo viên, cán bộ quản lý hiểu rõ nhiệm vụ, chuyên môn của chuyên viên tâm lý, họ sẽ chủ động hơn trong chia sẻ thông tin và phối hợp trong các tình huống hỗ trợ học sinh. Điều này, không chỉ giúp phát hiện sớm các vấn đề tâm lý của học sinh mà còn đảm bảo các em nhận được sự hỗ trợ kịp thời và phù hợp trong môi trường học đường.
Dẫn chứng thêm, TS Hồ Minh Sơn chia sẻ khi thực hiện hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường cần đảm bảo các quy định về nguyên tắc hoạt động, nội dung và cách thức thực hiện được quy định tại các Điều 4, Điều 5 và Điều 6 Thông tư 31/2017/TT-BGGĐT như sau: Đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong nhà trường và sự tham gia của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh (gọi chung là cha mẹ học sinh) và các lực lượng ngoài nhà trường có liên quan trong các hoạt động tư vấn tâm lý học sinh; Đảm bảo quyền được tham gia, tự nguyện, tự chủ, tự quyết định của học sinh và bảo mật thông tin trong các hoạt động tư vấn tâm lý theo quy định của pháp luật.
Theo TS Hồ Minh Sơn phân tích thêm, chuyên viên tâm lý trong nhà trường cũng cần chuẩn bị kỷ về mặt nội dung như: Tư vấn tâm lý lứa tuổi, giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên phù hợp với lứa tuổi; Tư vấn, giáo dục kỹ năng, biện pháp ứng xử văn hóa, phòng, chống bạo lực, xâm hại và xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; Tư vấn tăng cường khả năng ứng phó, giải quyết vấn đề phát sinh trong mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè và các mối quan hệ xã hội khác; Tư vấn kỹ năng, phương pháp học tập hiệu quả và định hướng nghề nghiệp (tùy theo cấp học); Tham vấn tâm lý đối với học sinh gặp khó khăn cần hỗ trợ, can thiệp, giải quyết kịp thời. Giới thiệu, hỗ trợ đưa học sinh đến các cơ sở, chuyên gia điều trị tâm lý đối với các trường hợp học sinh bị rối loạn tâm lý nằm ngoài khả năng tư vấn của nhà trường.
Cùng với đó, chuyên viên tư vấn cần chuẩn bị đa dạng hình thức thực hiện: Xây dựng các chuyên đề về tư vấn tâm lý cho học sinh và bố trí thành các bài giảng riêng hoặc lồng ghép trong các tiết sinh hoạt lớp, sinh hoạt dưới cờ. Tổ chức dạy tích hợp các nội dung tư vấn tâm lý cho học sinh trong các môn học chính khóa và hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp; Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ, diễn đàn về các chủ đề liên quan đến nội dung cần tư vấn cho học sinh; Thiết lập kênh thông tin, cung cấp tài liệu, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về diễn biến tâm lý và các vấn đề cần tư vấn, hỗ trợ cho học sinh; Tư vấn, tham vấn riêng, tư vấn nhóm, trực tiếp tại phòng tư vấn; tư vấn trực tuyến qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử của nhà trường, email, mạng xã hội, điện thoại và các phương tiện thông tin truyền thông khác; Phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh, TS. Hồ Minh Sơn nói.
Vì lẻ vậy, việc thực hiện hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường cần tuân thủ quy định về nguyên tắc và đảm bảo nội dung, hình thức thực hiện theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) cùng Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) và Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các chuyên viên tư vấn trong việc cử các chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư tập huấn, chia sẻ cùng học sinh ở các trường…TS Hồ Minh Sơn khẳng định.
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT có quy định về trách nhiệm của Hiệu trưởng nhà trường như sau: Thành lập Tổ Tư vấn, hỗ trợ học sinh của nhà trường; quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, chỉ đạo và xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh; Tổ chức khảo sát, xây dựng dữ liệu tâm lý ban đầu đối với học sinh đầu cấp học; phân loại, theo dõi, cập nhật thường xuyên đặc điểm, diễn biến tâm lý của học sinh; Sơ kết, tổng kết, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo định kỳ từng năm học, TS. Hồ Minh Sơn dẫn chứng thêm.
Khẳng định thêm, công tác tư vấn tâm lý học đường là công tác chăm sóc sức khỏe tâm lý cho học sinh, giáo viên, cán bộ nhà trường và các bậc phụ huynh. Ngày nay, với áp lực học tập tăng cao và tâm lý học sinh ngày một phức tạp, việc tư vấn tâm lý là vô cùng cần thiết và phải được quan tâm hơn nữa.Bên cạnh việc tư vấn tâm lý, các tư vấn viên học đường còn thực hiện một số hoạt động như định hướng tương lai, nghề nghiệp, trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết,…Ở nước ta, tư vấn tâm lý học đường đã xuất hiện khá lâu nhưng chỉ mới phổ biến trong những năm gần đây. Trước đây, tư vấn học đường chủ yếu được thực hiện đối với học sinh vì đây là giai đoạn các em có sự thay đổi rõ rệt về tính cách, suy nghĩ, quan điểm và gặp nhiều thắc mắc trong vấn đề hướng nghiệp. Tuy nhiên, học sinh tiểu học cũng cần được tư vấn tâm lý vì kinh nghiệm sống non nớt khiến các em gặp không ít vấn đề liên quan đến học tập, gia đình, tình cảm,…TS. Hồ Minh Sơn chia sẻ.
Có thể khẳng định, mục tiêu bao trùm của tư vấn học đường cho học sinh là cải thiện sức khỏe tinh thần cho học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh. Tinh thần tốt cho các em học tập thoải mái, hứng thú và luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Song song đó, giáo viên và phụ huynh có tinh thần tốt cũng sẽ giáo dục trẻ đúng cách và biết cách xử lý khéo kéo khi con trẻ sai phạm. Ngoài ra, tư vấn tâm lý cũng là bước đầu để các em biết đến trị liệu tâm lý – giải pháp vàng trong cải thiện các vấn đề tâm lý học đường.
TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị để vai trò của người tư vấn không nhạt nhòa thì mình cần phải phân tích nhiệm vụ của họ làm những gì và năng lực cần có. Các chuyên viên tư vấn phải hiểu được đâu là sự phát triển bình thường, đâu là sự phát triển tâm lý, hành vi lệch chuẩn, tâm bệnh, rối nhiễu hoặc là rối loạn. Đặc biệt, phải có kỹ năng thu thập thông tin, phân tích dữ liệu, biết sử dụng công cụ như là các trắc nghiệm. Cần phải có kỹ năng quản lý trường hợp có thể có nguy cơ trong nhà trường và giám sát, theo dõi, giáo dục, cung cấp dịch vụ để không biến mối nguy tiềm năng nào đấy trở thành vụ việc bạo lực.
Tin rằng, thông qua buổi trao đỏi với TS. Hồ Minh Sơn, phần nào hỗ trợ công tác tư vấn học đường một lần nữa khẳng định vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với sức khỏe tinh thần của học sinh và sinh viên. Do vậy, mỗi nhà trường cần có nhà tư vấn tâm lý học đường luôn sẵn sàng hỗ trợ học sinh với những khó khăn gây cản trở quá trình học tập hiệu quả…
(BÀi xuất bản số T12, đặc san khoa học Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập)
Thuỳ Duyên – Quang Huy