(CSPLO) – Với tâm lý chung hiện nay, học nghề không phải là lựa chọn số một của nhiều phụ huynh và học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, thường là học sinh có học lực tốp dưới, không có khả năng thi đậu vào trung học phổ thông mới lựa chọn học nghề. Ngoài ra, việc định hướng để chọn nghề học của học sinh còn thụ động, chưa hiểu rõ được nghề mình chọn khiến nhiều trường nghề khó khăn trong tuyển sinh và “giữ chân” người học.
Ảnh minh hoạ
Dưới góc nhìn chuyên gia, Ông Hồ Minh Sơn chia sẻ ở nhiều nước phát triển trên thế giới, các trường nghề hiện cần thay đổi cách tiếp cận và có những cơ chế đặc thù, thiết thực hơn cho giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, việc phân luồng cho học sinh được thực hiện từ rất sớm, ngay sau cấp tiểu học, giúp tiết kiệm chi phí đào tạo và bản thân mỗi học sinh sẽ nhận biết năng lực bản thân để tập trung phát triển…Tại Hàn Quốc, các trường nghề thường gắn với doanh nghiệp, thậm chí có trường trực thuộc doanh nghiệp, nên công tác đào tạo rất hiệu quả. Đây là những mô hình tốt mà Việt Nam có thể học tập và áp dụng.
Được biết, với tỉ lệ học sinh bỏ học lên đến 35%/năm ở một số cơ sở đào tạo giáo dục nghề nghiệp, hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước hiện đang nỗ lực thực hiện công tác tuyển sinh nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và mục tiêu nâng cao số lượng học sinh sau trung học vào học nghề. Ông Sơn nêu một số nguyên nhân, một số học sinh của một số trường nghề có hoàn cảnh khó khăn nên phải nghỉ học đi làm sớm để phụ giúp gia đình; một số khác do các em chưa chuyên tâm vào chuyện học hành, không tích cực trong quá trình học tập. Khi chọn ngành học, nhiều em chỉ xuất phát từ sở thích, theo số đông bạn bè gần nhà, bạn bè cùng lớp hoặc theo ý của bố mẹ. Thế nhưng, khi vào trực tiếp học chuyên môn của các nghề mới nhận ra mình không thích hợp với nghề đó.
Mặt khác, một phần do nhiều bạn vừa học nghề vừa học chương trình giáo dục thường xuyên cấptrung học phổ thông có chương trình, lịch học dày. Việc phải học cả hai chương trình dẫn tới lượng kiến thức phải học quá nặng nên một số em phải bỏ giữa chừng. Trong khi đó, học nghề là giai đoạn bắt buộc trong cuộc đời và trong quá trình học tập của bất kỳ học sinh, sinh viên nào. Sau khi kết thúc việc học văn hóa phổ thông, thường là học hết lớp 12, các bạn học sinh sẽ bắt đầu bước chân vào con đường học nghề. Hầu hết học sinh trước khi bước những bước đầu tiên trên con đường phải xác định được ngành nghề mình yêu thích, nghề mình muốn làm trong tương lai. Sau đó chọn trường để học tập, hiện thực hóa và theo đuổi nghề nghiệp mình thích…Tuy nhiên, một số trường nghề đã cố gắng để tăng lượng người học vào trường, tuy nhiên nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn đang phải đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng rất cao.
Qua thời gian đồng hành với một số trường nghề của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Ông Sơn nhận định có một số trường nghề đã làm rất tốt về công tác tuyển sinh, nhiều trường nhận được sự quan tâm chỉ đạo, sát sao và hỗ trợ kịp thời của đơn vị chủ quản như Sở Lao động – Thương binh và xã hội, chính quyền, đoàn thể các cấp cùng tập thể nhà trường luôn đồng thuận, quyết tâm thực hiện tốt công tác tuyển sinh. Trong đó, vẫn còn một số cơ sở đào tạo nghề thì chất lượng đào tạo và hiệu quả trong giải quyết việc làm của nhà trường ngày càngnâng cao qua các năm đã làm thay đổi phần nào đến sự quan tâm của phụ huynh và học sinh về lợi ích và tầm quan trọng của học nghề.
Năm 2023, tính đến thời điểm hiện tại, có một số trường đã tuyển sinh ước đạt 38% chỉ tiêu được giaonhưng phải đối mặt với tỉ lệ học sinh bỏ học tương đối cao mỗi năm. Vì vậy, để giải quyết tình trạng tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng là vấn đề rất khó khăn và cần phải có sự phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và ban, ngành đoàn thể ở các địa phương cùng với ý thức của người học. Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tập trung hoạch định chiến lược thông tin truyền thông, các ban ngành từ trung ương đến địa phương tăng cường tuyên truyền những lợi ích, hiệu quả của việc học nghề, loại bỏ những mặc cảm, tự ti của học sinh khi tham gia chương trình học nghề (so với học trường trung học phổ thông chính quy hoặc học đại học), Ông Sơn khuyến nghị.
Một số nguyên nhân khác, Ông Sơn phân tích học phí các trường ngày càng tăng cao, nhất là hệ Đại học. Qua đó, một số người học ở xa lên thành phố học như TP.HCM và Hà Nội họ phải thêm chi phí đi lại và ăn ở. Do đó, người học thường xác định vừa đi học vừa đi làm thêm để trang trải phần nào cho học tập, sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, ở một số trường nghề nguyên nhân khác để bỏ học giữa chừng là do người học có trình độ đầu vào thấp, lựa chọn học nghề là quyết định sau cùng khi không đậu vào các trường trung học phổ thông khi đã tốt nghiệp cấp trung học cơ sở. Đặc biệt, yếu tố quan trọng việc định hướng ngành nghề phù hợp với bản thân, việc lựa chọn học nghề chủ yếu phụ thuộc vào phụ huynh, một số khác chưa ý thức được lợi ích và tầm quan trọng của học nghề.
Trong khi đó, vẫn có tình trạng học sinh nghiện game online còn tồn tại, dành nhiều thời gian theo dõi các trang mạng xã hội dẫn đến sao lãng việc học, chán học. Một số giáo viên chưa năng động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng dạy nên chưa thể thu hút, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Ông Sơn cho rằng công tác truyền thông của nhà trường về công tác giáo dục tư tưởng học sinh về lợi ích của học nghề, tạo điều kiện để học sinh chuyển đổi nghề trong học kỳ đầu của khóa học. Song song công tác đào tạo thì các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp để người học có nhiều cơ hội tham quan thực tế tại doanh nghiệp, phiên giao dịch việc làm…để họ có định hướng về việc làm sau tốt nghiệp cũng như giúp các em phấn đấu hơn trong học tập. Nhà trường cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để nâng cao vai trò công tác lãnh đạo khoa, công tác chủ nhiệm lớp trong việc quan tâm, tư vấn hỗ trợ đối tượng ngừoi học yếu thế.
Theo ông Sơn việc chuyển đổi số trong đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đào tạo nghề thiết thực hơn để học sinh chủ động hơn trong học tập; Huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường nhằm hỗ trợ, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của gia đình, học sinh về vai trò của giáo dục đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là gia đình nên thường xuyên quan tâm đến việc học của con em, thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Ngày nay, với sự phát triển ngày càng nhiều các cơ sở giáo dục đại học với sự đa dạng của các phương thức xét tuyển, đa dạng cách thức đào tạo; nhiều học sinh lựa chọn học hệ trung cấp trong trường cao đẳng do chỉ tốn thêm một năm để học liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Thế nhưng, hiện vẫn còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các trường nghề công lập và trường nghề tư thục hiện nay. Một nguyên nhân đáng kể đến do phải chi trả học phí nên người học đã lựa chọn vào các trường nghề tư thục thường là những em đã có mục tiêu, định hướng học tập rõ ràng. Nên một sốtrường không phải đối mặt với tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng như các trường trung cấp công lập.
Ông Sơn thông tin thêm rất dễ để tìm thấy những bài báo nói về thực trạng sinh viên tốt nghiệp sau khi ra trường, thực trạng các doanh nghiệp tuyển nhân viên xong phải đào tạo lại. Việc có quá nhiều trường Đại học cùng với trường nào cũng đào tạo các ngành học như nhau khiến cho việc đào tạo Đại học trở nên đại trà, chất lượng đào tạo không đảm bảo. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra thực trạng thất nghiệp của sinh viên. Số lượng sinh viên ra trường rất đông mà không có đảm bảo về kỹ năng nghề nghiệp thì các doanh nghiệp hiện nay lại đã và đang tuyển dụng dựa trên năng lực và kỹ năng tay nghề của ứng viên. Bằng cấp hiện nay đã không còn quan trọng như trước. Điển hình, người lao động phải có kiến thức và tay nghề vững vàng, có thể làm việc ngay thì cơ hội việc làm là rộng mở đối với họ…
Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút được 50-55% học sinh vào học các trường nghề. Để thực hiện mục tiêu này, Có thể thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục với hai hướng THPT và trung học nghề có quy mô tương đương; thống nhất hệ thống giáo dục nghề nghiệp với hệ thống giáo dục phổ thông trong cùng một cơ quan quản lý. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước sẽ giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, nâng tỷ lệ cơ sở tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Theo Ông Sơn, đối với các trường hoạt động không hiệu quả, yếu kém thì cần thiết giải thể hoặc sáp nhập.
Như vậy, việc nâng cao hiệu quả sự liên kết, kết hợp giữa nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp cũng là một yêu cầu quan trọng. Chính sách chung từ cơ quan quản lý là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều trường trường cao đẳng, trung cấp thường phải dùng những mối quan hệ cá nhân để tiếp cận học sinhtrong khi đó trưởng THCS thì “đóng cửa”. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục mở diễn đàn cung cấp thông tin trên mạng xã hội và trực tiếp tìm hiểu nguyện vọng của học sinh để chủ động hơn về nguồn tuyển…
Trần Danh – Vương Minh