(CSPLO) – Ngoài những hành động góp phần xây dựng một môi trường mạng an toàn hay cách tận dụng thế mạnh để truyền tải giá trị văn hóa và tinh thần dân tộc, giới trẻ còn lan tỏa những hành động đẹp trên mạng xã hội. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Mỗi người tốt, việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc là một rừng hoa đẹp”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, nhiều người đã tích cực nhân lên những hành động đẹp ở cả ngoài đời và trên mạng xã hội…
Hiện nay, công nghệ số đã tạo nên một môi trường mà ở đó hình thành và chứa đựng mọi mặt hoạt động của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…Cuộc cách mạng số không chỉ là cuộc cách mạng về công nghệ, kỹ thuật mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của con người, đến các mối quan hệ giữa con người với con người, con người với xã hội và tự nhiên.
TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) chia sẻ, trong thời qua, mạng xã hội luôn bị gắn với cái mác ‘độc hại’, ‘nguy hiểm’ khi nhiều người cho rằng nó tạo ra một môi trường ảo tiềm ẩn những hệ lụy như nguy cơ bị bắt nạt, lừa đảo, tin giả,… Để thay đổi quan điểm đó, nhóm người sử dụng mạng xã hội thường xuyên nhất đang tích cực lan tỏa những thông tin tích cực trên mạng xã hội với phương châm ‘lấy cái đẹp dẹp cái xấu’. Khi cuộc cách mạng công nghệ bùng nổ, mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người, nhất là giới trẻ. Từ kết nối bạn bè, chia sẻ thông tin đến thể hiện cá tính và quan điểm cá nhân, mạng xã hội giúp giới trẻ có thể tự khám phá, mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết của mình. Bên cạnh nhiều tiện ích, mạng xã hội cũng là con dao hai lưỡi có thể tác động xấu đến giới trẻ.
Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) từ We Are Social năm 2024 cho thấy, hơn 80% thanh, thiếu niên Việt Nam sử dụng mạng xã hội hàng ngày. Facebook, Instagram và TikTok không chỉ là nơi chia sẻ những khoảnh khắc đời thường mà còn là công cụ kết nối và lan tỏa thông điệp. Tuy nhiên, sự phổ biến này cũng kéo theo nhiều hệ lụy, bao gồm tình trạng bắt nạt trên mạng, lừa đảo, lan truyền tin giả và vấn đề bảo mật thông tin cá nhân. Trước những hệ lụy này, việc làm thế nào để tận dụng tối đa tiềm năng của mạng xã hội mà không rơi vào những tác động tiêu cực đang trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng.
TS. Hồ Minh Sơn khẳng định, các cơ quan quản lý, nhà cung cấp nền tảng mạng trong những năm qua đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc hạn chế, tháo dỡ kịp thời những thông tin có nội dung độc hại, có ảnh hưởng xấu đến nhận thức của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Điển hình, Luật An ninh mạng ra đời và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là cơ sở pháp lý để điều chỉnh hành vi của người tham gia mạng xã hội. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông(TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Báo cáo số 187/BC-BTTT gửi các đại biểu Quốc hội kết quả thực hiện một số nghị quyết về lĩnh vực thông tin truyền thông. Trong đó, Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch để triển khai các biện pháp hạn chế sự xuất hiện hình ảnh, sản phẩm nghệ thuật biểu diễn của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên báo chí, các phương tiện truyền thông xã hội (nhất là trên Facebook, YouTube, TikTok) khi có vi phạm về pháp luật hoặc vi phạm quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đây là một bước tiến đáng chú ý nhằm góp phần ngăn chặn việc sản xuất nội dung nhảm nhí, phản cảm, gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ và đời sống văn hóa vốn đã và đang tràn lan trên mạng xã hội.
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khi cung cấp, sử dụng thông tin, ý thức, kỹ năng bảo vệ thông tin cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Bộ TT&TT cho biết, cần phải kết hợp giữa phòng, chống thông tin xấu độc với nâng cao khả năng sàng lọc, tăng “sức đề kháng” của người dân trước thông tin xấu độc. Việc đổi mới cơ chế quản lý báo chí, tăng cường thông tin kịp thời, khách quan, tích cực, hấp dẫn trên báo chí, phát huy tốt hơn nữa vai trò, hiệu quả tuyên truyền của báo chí trên không gian mạng. Cùng với đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra, xác minh, điều tra và xử lý nghiêm các hành vi, đối tượng vi phạm quy định về nội dung thông tin. Đặc biệt, Bộ TT&TT cũng đưa ra giải pháp đó là bổ sung các quy định nhằm hạn chế tối đa người dùng mạng xã hội cung cấp, phát tán thông tin, hình ảnh không đúng quy định của pháp luật; bổ sung quy định về xác thực số điện thoại di động đối với tài khoản mạng xã hội vào dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP ngày 01/3/2018 của Chính phủ.
Cũng theo TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị, nhiều người thường nghĩ rằng mạng xã hội chỉ là một môi trường ảo, do đó những phát ngôn và lời lẽ được đăng tải sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến người khác hay cộng đồng. Thực tế lại khác, vì nếu người dùng không có trách nhiệm với nội dung mình chia sẻ hoặc đăng tải thông tin chưa được kiểm chứng, điều này có thể vô tình dẫn đến những tác động tiêu cực, ảnh hưởng tới quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp cũng như với xã hội. Do đó, thay vì nghĩ đây chỉ là môi trường ảo, người sử dụng mạng xã hội cần có trách nhiệm giống việc ứng xử trong cuộc sống đời thường. Đặc biệt, giới trẻ – nhóm người sử dụng mạng xã hội thường xuyên nhất, họ càng phải có ý thức trách nhiệm và hành xử văn minh trong mọi hành động của mình. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi bạn trẻ cần xác định trách nhiệm của mình trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, đấu tranh với thông tin tiêu cực, thông tin chưa được kiểm chứng, tạo thành phong trào rộng khắp để cùng hướng tới một cộng đồng mạng lành mạnh, có ích trong cộng đồng.
Có thể thấy, trong thời đại công nghệ số, hội nhập quốc tế, cách thể hiện lòng yêu nước của giới trẻ ngày càng đa dạng và sáng tạo. Nhờ vào mạng xã hội, giới trẻ không chỉ dễ dàng chia sẻ ý tưởng và quan điểm của mình mà còn có thể tạo ra những trào lưu có giá trị, như các chiến dịch kêu gọi bảo vệ môi trường, sống xanh – sống đẹp, giữ gìn văn hóa dân tộc hay tôn vinh các anh hùng lịch sử.
Cụ thể, các trào lưu thể hiện lòng yêu nước không chỉ đơn thuần là việc bày tỏ tình cảm mà còn góp phần nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa và các giá trị quốc gia. Thông qua các video, bài viết, hình ảnh hoặc các cuộc thi sáng tạo, giới trẻ có thể truyền tải những thông điệp sâu sắc về tình yêu nước, khuyến khích tìm hiểu về ý nghĩa của các biểu tượng và nhân vật lịch sử, từ đó cảm thấy tự hào hơn về nguồn cội và di sản văn hóa của mình.
Qua theo dõi người sử dụng mạng xã hội, có lẽ không khó để thấy hàng loạt clip các bạn trẻ giúp đỡ người khó khăn. Những video đó vừa ghi lại những hành động thiết thực như phát quà, tặng đồ ăn hay hỗ trợ nơi ở, công việc cho người vô gia cư, vừa cho thấy “tấm lòng vàng” của thế hệ trẻ hiện nay. Đôi khi chỉ là một hành động giúp đỡ nhỏ được đăng trên mạng xã hội nhưng lại truyền tải những thông điệp vô cùng to lớn, mạnh mẽ về tình yêu thương, sự sẻ chia giữa người với người.
TS. Hồ Minh Sơn khẳng định nếu nói mạng xã hội là một con dao hai lưỡi không hề sai. Trên nền tảng này có những khía cạnh tiêu cực, nhưng cũng không thể phủ nhận những điều tích cực mà nó mang lại. Có chăng tốt hay xấu là do người dùng quyết định và giới trẻ, với trách nhiệm cao cả trong việc định hình môi trường trực tuyến, đang nỗ lực đưa ra ngày càng nhiều nội dung tích cực, nhân văn và truyền cảm hứng nhằm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” trên mạng xã hội. Ngày nay, người dùng mạng xã hộikhông chỉ ở trong thế giới thực mà còn sống, sinh hoạt, hoạt động tích cực trên không gian ảo. Vì vậy, không chỉ cần quan tâm đến người dân trong thế giới thực mà còn phải tranh đấu với kẻ địch ở ngay trong ta, ngay trong nội bộ, ngay trong tinh thần. Từ thực tiễn chứng minh, lượng thông tin mà con người được cung cấp, tiếp nhận thông qua internet và không gian mạng là vô cùng lớn. Không gian mạng là mở, được cập nhật liên tục, không phân biệt không gian, thời gian nên con người trong bối cảnh này dù chủ động hay bị động thì thông tin cũng là nhân tố trực tiếp tác động đến nhận thức, và đôi lúc hành động của họ cũng phụ thuộc vào lượng thông tin mà họ tiếp nhận được.
TS. Hồ Minh Sơn phân tích bộ não của mỗi người trong một khoảng thời gian nhất định chỉ có thể tiếp nhận và xử lý được một lượng thông tin nhất định, nếu vượt quá giới hạn sẽ tạo nên chứng “bội thực thông tin”. Vì lẽ đó, làm con người mất phương hướng, rơi vào tình trạng mù mờ, không phân biệt được đúng sai, nhận thức không đến nơi đến chốn, tư tưởng và hành động dễ sa vào tiêu cực hoặc có các hành vi lệch lạc. Ví dụ: Khi một đối tượng giả danh cán bộ của cơ quan nhà nước hay giả mạo một cơ quan nhà nước có uy tín liên tục gây sức ép, cung cấp thông tin giả mạo, sai trái thì sẽ dễ khiến nạn nhân bị khủng hoảng, ức chế tâm lý và vô thức làm theo yêu cầu của các đối tượng này.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã coi không gian mạng là một nơi cần được quản lý như thế giới thực. Hay nói cách khác, các quy tắc, quy định, chế tài, định hướng được thực hiện cả trên môi trường thực và môi trường ảo. Tại Mỹ, mặc dù hiến pháp không bảo đảm quyền ẩn danh một cách rõ ràng nhưng có những tham chiếu chặt chẽ về quyền ẩn danh với các ràng buộc pháp lý. Các luật về truyền thông ở một số tiểu bang cũng quy định về hành vi, theo đó các hành vi sử dụng mạng xã hội để tán phát thông tin sai lệch sẽ bị xử lý từ phạt tiền đến án hình sự. Tòa án có thể yêu cầu các cơ quan chính phủ xác định danh tính của các tài khoản ẩn danh để phục vụ cho quá trình xét xử.
Ông Hồ Minh Sơn phân tích ở các điều khoản của hành lang pháp lý của Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên cũng có những quy định về quyền và nguyên tắc pháp lý về ẩn danh trên không gian mạng để phòng ngừa, xử lý những tác động xấu, tiêu cực do các hoạt động ẩn danh đối với xã hội hay lợi dụng ẩn danh để thực hiện các hoạt động khủng bố. Có thể thấy, dù cổ vũ cho hoạt động tự do báo chí, tự do ngôn luận nhưng bản thân các quốc gia này cũng đã lường trước và có những quy định chặt chẽ để ứng phó với những tác động tiêu cực mà hoạt động ẩn danh gây ra.
Năm 2019, châu Phi đã tuyên bố các nguyên tắc về quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin của Tòa án Nhân quyền châu Phi (ACHR) đưa ra 16 nguyên tắc mà luật pháp quốc gia phải tuân thủ, bao gồm bảo đảm sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, các quy định về xử lý vi phạm bằng các hình phạt, kể cả bằng hình sự đối với những hoạt động cung cấp thông tin gây tổn hại tới xã hội. Tuyên bố về nguyên tắc tự do ngôn luận Tòa án Nhân quyền liên Mỹ (IACHR) bao gồm 13 nguyên tắc, trong đó có cấm kiểm duyệt trước, bảo vệ nguồn, luật riêng tư, tài trợ và quảng cáo công cộng cũng như luật đa dạng và chống độc quyền… hay các quy định Điều 13(3) của Công ước Liên Mỹ, bảo vệ quyền tự do tư tưởng và quan điểm trên không gian mạng cũng như các phương tiện truyền thông. Tất cả đều có những quy định cụ thể với các ràng buộc về pháp lý đối với hoạt động chính danh hay ẩn danh trên môi trường số, TS. Sơn dẫn chứng…
Bất kỳ sản phẩm nào dù ở dạng vật chất hay tinh thần mà có ảnh hưởng tới cộng đồng xã hội (cả tích cực và tiêu cực) thì đều cần có sự quản lý chặt, định hướng của cơ quan chức năng. Nghĩa là cần phải có những quy định pháp lý rõ ràng để bảo đảm cho sản phẩm đó không tạo ra những tác hại đối với xã hội và cộng đồng người sử dụng. Mạng xã hội vẫn không thể nằm ngoài chuẩn mực này.
TS. Hồ Minh Sơn cho biết bước vào thời kỳ mới, chúng ta lựa chọn xây dựng xã hội mới với những con người xã hội chủ nghĩa trên cơ sở phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại-phương thức sản xuất số. Để chiến thắng “địch bên trong ta”, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần có nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp của cuộc đấu tranh này, cần có quyết tâm chính trị cao, kiên quyết, kiên trì đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đặc biệt là các hoạt động quản lý, định hướng và triển khai phát triển xã hội số, văn hóa số, con người số. Không gian số là nội hàm mới, là thực tiễn, việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho từng tổ chức, cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, người dân và toàn xã hội không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà phải trải qua một thời gian dài tích góp và có quá trình để đấu tranh, sàng lọc, loại bỏ và cập nhật liên tục những kiến thức, kỹ năng mới, đổi mới và cập nhật liên tục để phù hợp với xu hướng chung của thế giới, của xã hội và nhận thức. Mỗi cá nhân, tổ chức cần rèn luyện thói quen tiếp cận thông tin một cách chủ động, có hệ thống, có mục đích.
Khuyến nghị thêm vấn đề này, người dùng mạng xã hội cần chủ động sàng lọc, tìm hiểu, tham vấn ý kiến chuyên gia, sử dụng các kênh thông tin chính thống, thực hiện kiểm tra, kiểm chứng thông tin trước khi chia sẻ, bình luận để loại bỏ những thông tin sai trái, thù địch, lệch chuẩn, thiếu các giá trị chuẩn mực xã hội…Mỗi người dung mạng xã hội hay tổ chức cần nâng cao trình độ nhận thức, tinh tường nhận diện, tiếp cận thông tin một cách đúng đắn, có quan điểm rõ ràng, chuẩn mực, có cái nhìn khách quan, toàn diện, có tư duy phản biện, bản lĩnh vững vàng để sẵn sàng đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, TS. Sơn cho hay.
Hiện nay, ở nhiều nước đã có quy định hạn chế hoạt động của mạng xã hội. Tại Pháp và Singapore đã có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học, mục đích là tạo sự tập trung, đồng thời kéo các học sinh ra khỏi môi trường mạng, trong đó có TikTok. Tại Mỹ, theo thống kê của tổ chức phi lợi nhuận Kaiser Family Foundation thì tính đến tháng 10-2024, đã có 12 bang của nước này ban hành luật cấm hoặc hạn chế sử dụng điện thoại di động trong trường học; 13 bang đã đệ đơn kiện TikTok, do có dấu hiệu sử dụng công nghệ để dẫn dắt người dùng dẫn đến có thể gây nghiện.
Tại nước ta, từ cuối năm 2023, sau đợt kiểm tra toàn diện TikTok, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra những sai phạm của TikTok Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng các quy định về sản xuất, tán phát các sản phẩm dạng TikTok trên nền tảng mạng xã hội là vấn đề cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt. Mặc dù TikTok đã công bố một “chế độ an toàn cho gia đình” vào tháng 2-2020, mục đích là để các bậc cha mẹ có thể kiểm soát tình trạng sử dụng nền tảng mạng xã hội của con em mình (có thể tùy chọn chế độ quản lý thời gian sử dụng thiết bị, chế độ hạn chế về mặt nội dung…), thế nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng biết cách sử dụng chế độ này. Ngoài ra, đó chỉ là công cụ và là giải pháp mang tính tạm thời. Còn một khi đã “nghiện TikTok”, dù có dùng kỹ thuật để hạn chế thì cũng khó mà ngăn được tâm tưởng của đứa trẻ.
Một số mạng xã hội. Các sản phẩm dù có đem lại ích lợi nhất định cho xã hội ở khía cạnh giải trí, nhưng hậu quả nó để lại sẽ rất lớn và rất khó khắc phục nếu thiếu sự kiểm soát cả về nội dung và thời lượng. Do đó, các bậc cha mẹ trước hết cần có biện pháp ngăn chặn đối với con em mình, bằng cách hạn chế tối đa sự tiếp xúc của con trẻ với điện thoại thông minh; cần hướng trẻ vào các hoạt động rèn luyện trí lực, thể lực lành mạnh. Bên cạnh đó, các nhà trường cần thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng điện thoại và nên có các tiết học nói về tác hại từ mặt trái của công nghệ, nhất là mặt trái của mạng xã hội. Trong đó, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu cần sớm có các giải pháp, biện pháp để lọc bỏ các sản phẩm trên không gian mạng xã hội vô bổ, vô căn cứ đang tràn lan trên mạng xã hội hiện nay nhằm làm trong sạch môi trường mạng xã hội càng sớm càng tốt.
Với sự vào cuộc quyết liệt, sát sao của các cơ quan chức năng, mạng xã hội từng bước được làm sạch, nhiều thông tin lệch lạc được ngăn chặn nhanh, kịp thời. Nhưng những giải pháp này vẫn luôn là yếu tố khách quan và khó có thể triệt để nếu không đề cập đến vai trò chủ quan của những người tham gia trực tiếp trên mạng xã hội. TS. Hồ Minh Sơn nhận định, để hình thành một mạng xã hội trong sạch, lành mạnh, mỗi người dùng cần có trách nhiệm với uy tín của bản thân khi sử dụng mạng xã hội. Trách nhiệm này không chỉ bao gồm việc tuân thủ các quy định của luật pháp mà còn phải tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực, gây tổn thương cho người khác không nên lợi dụng mạng xã hội làm người ẩn danh và trò lố của những kẻ ‘ném đá’ hại người, cần phải ‘Lấy cái đẹp dẹp cái xấu’ trên mạng xã hội…
Văn Hải – Trần Danh
Căn cứ theo Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm như sau: Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Đối với dân sự, hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội phải bồi thường thiệt hại như sau: Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thiệt hại khác do luật quy định. Ngoài các chi phí trên, người có hành vi xúc phạm người khác trên mạng xã hội còn phải bồi thường một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu.Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì do Nhà nước quy định tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở.
Cămn cứ tại khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định về việc xử lý vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau:
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; Cung cấp, chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu; Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; Cung cấp, chia sẻ đường dẫn đến thông tin trên mạng có nội dung bị cấm…
Theo đó, đối với hành chính, hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác trên mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ việc.Mjawt khác, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật.
Căn cứ theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 một số cụm từ bị thay thế bởi điểm e khoản 2 Điều 2Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về tội làm nhục người khác cụ thể như sau: Tội làm nhục người khác: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.
Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Do vậy, người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác trên mạng xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt là phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, phạt tù lên đến 05 năm.Song song đó, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.