(CSPLO) – Theo quy định pháp luật, việc sử dụng thẻ tín dụng là hình thức vay tiền tín chấp thời hạn 01 tháng, ngân hàng khởi kiện ra Tòa án sẽ ra sao…Đồng thời, người có hành vi chụp lén và phát tán hình ảnh của người khác sẽ bị xử phạt hành chính và chịu trách nhiệm bồi thường về tổn thất gây ra như thế nào.
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp thành viên nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung và một số người dân đã gửi thư về Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thắc mắc nhờ giải đáp…Dưới góc độ pháp lý, Ông Phạm Trắc Long – Chánh Văn phòng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) giải đáp các thắc mắc trên…
Mở thẻ tín dụng và bị mất khả năng lao động thì có phải trả nợ cho Ngân hàng nữa hay không?
Ảnh minh hoạ
Theo Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 thì đến hạn thanh toán nợ theo thỏa thuận đối với hợp đồng vay thì anh có nghĩa vụ trả nợ, nếu quá hạn phải trả lãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, quy định pháp luật, việc sử dụng thẻ tín dụng là hình thức vay tiền tín chấp thời hạn 01 tháng. Do đó, hết thời hạn vay, người vay phải trả tiền nợ thẻ tín dụng cho bên Ngân hàng. Nếu hết thời hạn, không trả được thì phải trả lãi theo thỏa thuận đã giao kết khi mở thẻ tín dụng.
Tuy nhiên, nếu người vay bị tai nạn lao động, bị liệt và không còn khả năng lao động không thuộc trường hợp được miễn nghĩa vụ trả nợ. Từ đó, có thể làm đơn yêu cầu phía Ngân hàng xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Thông tư 39/2016/TT-NHNN hoặc xin giảm, miễn khoản lãi phải trả. Ông Long dẫn chứng “Trường hợp khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn một phần hoặc toàn bộ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay, tổ chức tín dụng xem xét chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định tại Điều 19 hoặc chuyển nợ quá hạn theo quy định tại Điều 20 Thông tư này. Tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận việc tính tiền lãi phải trả phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.”
Ngoài ra, trong trường hợp hợp đồng vay tín dụng của người vay có sử dụng hợp đồng bảo hiểm tín dụng thì có thể yêu cầu phía bảo hiểm thực hiện thay nghĩa vụ trả nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
Tự ý tung hình ảnh chụp lén, phát tán lên mạng xã hội là vi phạm pháp luật
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, trong thời gian qua, trên không gian mạng xã hội đã có không ít người tự phát tán nhiều hình ảnh, video được quay, chụp lén với mục đích câu like, câu view…Với những hình ảnh này rất nhạy cảm gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân. Bên cạnh đó, không ít người để lại bình luận khiếm nhã và cổ súy cho hành vi kém văn hóa này.
Điển hình, nhóm Facebook có tên BHX với hơn 10 ngàn lượt theo dõi vừa tung hình ảnh chụp lén một cô gái mặc áo hai dây, bộ ngực lộ rõ đứng trong thang máy với nội dung: “Đi thang máy chung cư mà áp lực quá, phải làm sao đây anh em nhỉ?”. Đáng chú ý, dưới phần là những lời lẽ thô tục và khiếm nhã: “Xơi luôn”, “Sáng mắt” hoặc đầy xúc phạm như “gái ngành”.
Chia sẻ về điều này, Ông Phạm Trắc Long cho rằng theo Điều 32 2015 quy định người có hành vi tự ý chụp ảnh, quay và sử dụng hình ảnh mà không có sự đồng ý của người khác gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự thì được coi là hành vi vi phạm pháp luật; ngoại trừ một số trường hợp như sử dụng hình ảnh vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy hình ảnh từ các hoạt động công cộng mà không gây ra tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người có hình ảnh.
Tương tự, tại khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020, mức phạt cho tổ chức có hành vi tự ý đăng ảnh người khác lên mạng xã hội mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Đối với cá nhân nếu có hành vi vi phạm, mức phạt sẽ bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020), tương đương mức phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng.
Cụ thể, Bộ luật Dân sự 2015 quy định uy tín, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu cá nhân bị lộ hình ảnh, thông tin ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm hoặc thiệt hại khác thì có thể yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, công khai, yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện lên Tòa án theo quy định pháp luật để yêu cầu bồi thường.
Có thể khẳng định rằng, với vai trò nhịp cầu nối của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) không chỉ quảng bá hình ảnh quê hương, đất và người đến bạn bè thế giới mà còn hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp xúc tiến đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hoá, xây dựng hoạch định chiến lược truyền thông mà còn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân am hiểu một cách thấu đáo về các quy định của pháp luật trong các chiến lược truyền thông pháp luật…
Văn Hải – Công Danh