(CSPLO) – Nghiêm túc thực hiện công tác truyền thông lần thứ 12 Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, nhằm lan toả tinh thần thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Ngày 06/11/2024, tại số 412, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM – Viện Nghiên cứu Thị trường Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được thư yêu cầu tham vấn pháp lý. Trong đó, liên quan đến việc tố cáo sai sự thật và mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo lậu sẽ bị sử lý như thế nào?!
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin phúc đáp cụ thể: Ngoàinhững trường hợp tố cáo mang tính xây dựng, tích cực trong chống tiêu cực, tham nhũng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, tập thể và của cá nhân thì trong thực tiễn công tác giải quyết tố cáo từ trước đến nay cho thấy, vẫn còn sự việc tố cáo khi chưa rõ hành vi vi phạm, chỉ nghe thông tin rồi phát sinh tố cáo, tố cáo khi không rõ quy định. Bên cạnh đó, thời điểm gần Tết, tình trạng nhập lậu, mua bán trái phép pháo nổ xảy ra nhiều hơn. Người dân chỉ nên mua pháo, sử dụng ở những nơi được Nhà Nước cho phép, cần nâng cao ý thức và kiến thức pháp luật về sử dụng pháo nhằm tránh vi phạm pháp luật, cũng như bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, người xung quanh.
Tố cáo sai sự thật có thể bị phạt tù
Có thể thấy, bên cạnh những trường hợp tố cáo mang tính xây dựng, tích cực trong chống tiêu cực, tham nhũng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, tập thể và của cá nhân thì trong thực tiễn công tác giải quyết tố cáo từ trước đến nay cho thấy, vẫn còn sự việc tố cáo khi chưa rõ hành vi vi phạm, chỉ nghe thông tin rồi phát sinh tố cáo, tố cáo khi không rõ quy định của phápluật hoặc tố cáo khi không đạt mục đích từ việc giải quyết khiếu nại, tố cáo các nội dung không đúng sự thật, bịa đặt nội dung tố cáo vì động cơ cá nhân…gây phức tạp tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội.
Điển hình, vợ chồng bà Lê Thị Hòa và ông Nguyễn Văn Trong đã làm hơn 100 đơn tố cáo, đơn khiếu nại, đơn tố giác tội phạm, đơn đề nghị, đơn kiến nghị phản ánh vì không chấp nhận kết quả giải quyết lô đất 147, diện tích 240m2 ở khu Dốc Võng, thuộc thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên nên hai năm qua,…gửi đến nhiều cơ quan từ cấp huyện đến Trung ương nhằm tố cáo, khiếu nại, tố giác các cán bộ, lãnh đạo. Thế nhưng, đã được các cơ quan chức năng nhiều lần giải quyết, giải thích và thông báo việc tố cáo, khiếu nại, tố giác đó là sai sự thật nhưng hai người này không chấp nhận. Cụthể, vào tháng 10 vừa qua, cơ quan CSĐT Công an huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với vợ chồng bà Lê Thị Hòa và ông Nguyễn Văn Trong về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Hay như, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP Đà Nẵng vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam Nguyễn Đình Trung (66 tuổi, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) do có hành vi soạn thảo, lan truyền nhiều đơn tố cáo, tố giác sai sự thật, bịa đặt gửi nhiều cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương vào đầu tháng 8 mới đây. Ngoài ra, Trung cũng chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng lên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Cơ quan công an xác định, hành vi của Nguyễn Đình Trung đã đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân”.
Qua đó, để khuyến khích người dân tham gia tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tố cáo cũng như tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia tố cáo, Luật Tố cáo năm 2018 đã quy định rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo như sau:
Người tố cáo có các quyền sau đây: Thực hiện quyền tố cáo theo quy định của Luật này; Được bảo đảm bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và thông tin cá nhân khác; Được thông báo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, chuyển tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; Tố cáo tiếp khi có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không đúng pháp luật hoặc quá thời hạn quy định mà tố cáo chưa được giải quyết; Rút tố cáo; Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ người tố cáo; Được khen thưởng, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
Người tố cáo có các nghĩa vụ sau đây: Cung cấp thông tin cá nhân quy định tại Điều 23 của Luật này; Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được; Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo; Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu; Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Căn cứ vào Luật Tố cáo 2018, để đảm bảo tính chính xác và khách quan khi thực hiện tố cáo cũng như loại bỏ các vụ tố cáo vô căn cứ, bảo vệ danh dự của những người bị tố cáo oan sai, cũng đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện tố cáo. Trong đó, đối với người có hành vi tố cáo sai sự thật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm hình sự: Người có hành vi tố cáo sai sự thật có thể sẽ bị xử lý theo Điều 156 Bộ luật Hình sự về Tội vu khống. Người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm, tùy theo mức độ vi phạm. Mặt khác, người tố cáo sai sự thật có hành vi lợi dụng việc tố cáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Theo đó, người phạm tội bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Nếu phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.
Xử phạt vi phạm hành chính: Căn cứ khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP thì phạt tiền từ 10.000.000 đồng cho đến 20.000.000 đồng đối với: hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Đối với trách nhiệm dân sự: Người có hành vi tố cáo sai sự thật sẽ phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do hành vi tố cáo sai sự thật gây ra.
Mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo lậu là hành vi vi phạm pháp luật
Căn cứ tại Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định, việc mua bán pháo nổ là hành vi bị nghiêm cấm hay theo điểm g khoản 1, Điều 6, Luật Đầu tư 2020.
Theo Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với pháo như sau: cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, DN thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định này; cấm nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo; Mang pháo, thuốc pháo trái phép vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.
Do đó, các cá nhân hoặc tổ chức, DN không thuộc Bộ Quốc phòng và không được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ mà mua bán, tàng trữ, vận chuyển pháo là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ vào khoản 4, khoản 5 Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định, người vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 40 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm có thể sẽ bị hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại tiền thu lợi bất chính.
Căn cứ vào Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực thi hành; theo quy định tại các Điều 190 (về tội “Sản xuất, buôn bán hàng cấm”); Điều 191 (về tội “Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm”), Bộ luật Hình sự năm 2015 thì pháo nổ và thuốc lá điếu được quy định là mặt hàng cấm, do vậy tất cả các hành vi sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi đảm bảo yếu tố định lượng.
Cùng với đó, quy định các yếu tố định lượng gồm: sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg; từ 40kg đến dưới 120kg và từ 120kg trở lên. Tương đương với đó là các mức xử lý tương đương, trong đó, mức xử lý cao nhất đối với hành vi vi phạm này lên tới 15 năm tù giam.
Căn cứ khoản 1, Điều 190, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Từ 40kg đến dưới 120kg, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc trường hợp sản xuất, buôn bán pháo nổ từ 120kg trở lên, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm.
Căn cứ theo Điều 191, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào tàng trữ, vận chuyển hàng cấm pháo nổ từ 6kg đến dưới 40kg thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc trường hợp tàng trữ, vận chuyển hàng cấm pháo nổ từ 40kg đến dưới 120kg thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm. Phạm tội thuộc trường hợp tàng trữ, vận chuyển hàng cấm pháo nổ 120kg trở lên thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
Vì lẻ đó, cơ sở pháp luật quy định rất rõ các trường hợp vi phạm pháp luật đối với những hành vi liên quan đến tội danh sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển mặt hàng cấm là pháo nổ. Song song đó, đối tượng vi phạm ngoài mức xử lý hành chính sẽ phải chịu trách nhiệm hình…
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (KNTC) của công dân. Bởi KNTC là quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp, được pháp luật bảo vệ. Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, Viện IMRIC thường xuyên phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS), Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tổ chức tuyên truyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm mong muốn góp phần nhỏ vào việc mọi người dân, doanh nghiệp hiểu thấu đáo, sống làm việc phải thượng tôn pháp luật…
Xã hội văn minh không chấp nhận kiểu KNTC chủ ý sai sự thật hay vu khống người khác, bởi tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Để hạn chế tình trạng đơn thư KNTC sai sự thật, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn đã tuyên truyền cho mọi công dân trong xã hội hiểu biết, nâng cao kiến thức về pháp luật và có ý thức thượng tôn pháp luật có nghĩa là tôn trọng quyền nhân thân, quyền lợi của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội và cao nhất là tôn trọng sự thật. Khi có hiểu biết pháp luật thì công dân mới nhận thức được việc mình làm, nhận thức được đúng-sai khi thực hiện quyền KNTC của mình. Trên thực tế, vẫn còn hiện tượng nhiều người dân không nắm vững các quy định của pháp luật, hiểu sai và vận dụng sai trong thực tiễn thi hành, đòi hỏi quá mức quyền lợi của mình trong khung khổ luật pháp.
Đồng thời, hằng năm cứ mỗi dịp Tết đến, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn còn tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân về tác hại của việc tàng trữ sử dụng pháo nổ trái phép. Tinrằng, việc phổ biến kiến thức và cảnh báo nguy cơ và những tác hại của việc sử dụng pháo nổ có thể xảy ra, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp trong việc hình thành nếp sống văn minh, lành mạnh và an toàn.
(Bài xuất bản số T11, đặc san khoa học Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập)
Trần Danh – Kiên Cường (Tư vấn viên pháp luật Trung tâm TVPLMS