(CSPLO) – Trước nhu cầu an sinh xã hội, như: khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được tổ chức thành hệ thống từ tuyến trung ương đến tuyến xã, phường, thị trấn. Phòng khám đa khoa tưnhân là một loại trong các hình thức tổ chức khám bệnh, chữa bệnh trong hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân. Vì vậy, ngay sau khi thành lập Chi nhánh số 1 tại tỉnh Đồng Nai, sáng ngày 02/08/2023, tại TP.HCM, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) trực thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã công bố thành lập Ban tư vấn pháp luật Y tế tư nhân…
Có thể thấy, Y tế là lĩnh vực cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe khác được cung ứng bởi các cá nhân, tổ chức tư nhân có chuyên môn và đáp ứng các tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của pháp luật và dưới sự quản lý của nhà nước. Y tế tư nhân được hiểu là lĩnh vực y tế do tư nhân đảm nhiệm. Qua đó, pháp luật về y tế tư nhân là hệ thống các quy tắc xử sự chung trong lĩnh vực y tế tư nhân do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện nhằm đảm bảo trật tự trong thành lập và hoạt động cung ứng dịch vụ y tế tư nhân.
Trước những nhu cầu thực tiễn, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã quyết định thành lập Ban tư vấn pháp luật về Y tế tư nhân trực thuộc Trung tâm và giao Ông Nguyễn Văn Dũng (cử nhân luật) – Tổng giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn làm Trưởng ban theo Quyết định số 018/2023/QĐ-TTLCC ngày 01/08/2023 và ban hành Quyết định thành lập Ban tư vấn số 007/QĐ-TTLCC toạ lạc tại số 1256 – 1258, đường Võ Văn Kiệt, phường 10, quận 5, TP.HCM để thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và sự phân công của BGĐ Trung tâm trong việc tư vấn pháp luật, chính sách pháp luật cho các đối tượng là cán bộ, nhân viên Y tế là các đối tác của Trung tâm có nhu cầu về tư vấn pháp luật theo tôn chỉ, mục đích của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)…
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Ông Nguyễn Văn Dũng cảm ơn BGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm đã tin tưởng và giao nhiệm vụ…Đồng thời, khẳng định Ban tư vấn sẽ nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ khi sử dụng những công cụ, phương tiện nhằm mục đích thiết lập một trật tự xã hội nhất định hoạt động theo khuôn khổ pháp luật. Cụ thể, như sử dụng các quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng pháp luật, những hành vi thực hiện quyền và nghĩa vụ pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, những yếu tố tác động vào những mối quan hệ được pháp luật bảo vệ đối với các cơ sở hoạt động Y tế tư nhân…
Trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2009 và theo khoản 3 Điều 11 Nghị định số 155/2018/NĐ-CP về hình thức tổ chức cơ sở y tế được sử dụng chung cho cả tư nhân lẫn nhà nước gồm: bệnh viện bao gồm bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa; phòng khám đa khoa; phòng khám chuyên khoa; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; nhà hộ sinh; cơ sở dịch vụ y tế; cơ sở giám định y khoa và cơ sở giám định pháp y.
Các chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân khi phát sinh trách nhiệm bồi thường do “người hành nghề có sai sót chuyên môn kỹ thuật” được quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2009, gồm: Vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc và điều trị người bệnh; vi phạm các quy định chuyên môn kỹ thuật và đạo đức nghề nghiệp; xâm phạm quyền của người bệnh. Điều 76 Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2009 quy định: “Trường hợp xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây tai biến cho người bệnh hoặc trường hợp tại điểm b khoản 1 Điều 73 của Luật thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bệnh theo hợp đồng bảo hiểm đã ký với cơ sở khám, chữa bệnh; nếu cơ sở khám, chữa bệnh chưa mua bảo hiểm thì phải tự bồi thường”. Trường hợp người hành nghề tuân thủ đầy đủ quy chế chuyên môn mà vẫn xảy ra tai biến thì không phải bồi thường.
Phát biểu giao nhiệm vụ, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm Hồ Minh Sơn khẳng định việc xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược truyền thông pháp luật đối với y tế tư nhân. Hiện nay đã được luật hóa và chính sách hóa sẽ giúp xã hội và các chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân xác định được lộ trình và mục tiêu phát triển y tế tư nhân. Theo đó, cần ghi nhận rõ hình thức tổ chức của y tế tư nhân…Nhất là hình thức tổ chức đơn vị cung ứng dịch vụ y tế tư nhân có vốn đầu tư nước ngoài cũng được ghi nhận hiện theo cơ chế thông thoáng hơn, sòng phẳng hơn với việc thành lập cơ sở y tế tư nhân có vốn hoàn toàn trong nước. Đây là vấn đề rất quan trọng vì sẽ quyết định đến tính chất, quy mô và vai trò của y tế tư nhân trong đời sống xã hội.
Qua nghiên cứu thực tiễn có thể thấy, hệ thống y tế tư nhân đã có những phát triển nhất định trong thời gian vừa qua. Pháp luật về y tế tư nhân cũng đã dần hoàn thiện và pháp điển hóa theo yêu cầu của thực tiễn. Trên cơ sở đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) ra đời Ban tư vấn pháp luật Y tế tư nhân trực thuộc thể hiện tầm quan trọng trong giải pháp hoàn thiện pháp luật về y tế tư nhân là một đòi hỏi tất yếu ở rất nhiều khía cạnh, từ nhu cầu của quản trị nhà nước; đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân; xu hướng hội nhập; vai trò của y tế tư nhân trong đời sống xã hội…
Trắc Long – Trần Danh