(CSPLO) – Nghĩa vụ cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn là một nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ bắt buộc phải làm đối với con, nếu con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động…Đồng thời, việc xử lý vi phạm hành chính với người chưa thành niên chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục và giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích.
Trong thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thành viên Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE). Theo đó, thắc mắc về việc cha sau khi ly hôn với mẹ muốn lập gia đình với vợ mới, dừng việc cấp dưỡng cho con có bị xử lý hay phạt hay không, mức phạt như thế nào. Ngoài ra, muốn tìm hiểu về việc trẻ chưa thành niên có bị xử phạt hành chính hay không, ra sao. Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau:
Cha muốn có vợ mới, dừng cấp dưỡng cho con có bị phạt hay không?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định nghĩa vụ cấp dưỡng: Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 119 của Luật này, Tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật này.
Theo Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cha, mẹ nếu không chung sống hoặc chung sống nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi con thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên hoặc con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động, không có tài sản.
Theo Điều 57 Nghị định 144/2021, người có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn sẽ bị phạt tiền 5-10 triệu đồng.
Cũng theo Điều 380 Bộ luật Hình sự có quy định về tội không chấp hành án. Cụ thể, người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của tòa án, mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm về tội không chấp hành án.
Thế nhưng, đối với trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ thì hai bên có thể thỏa thuận về việc thay đổi mức cấp dưỡng phù hợp. Nếu không thỏa thuận được thì hai bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết, dựa trên hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của từng người.
Cũng theo Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, được sửa đổi khoản 37 Điều 1 Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017 có quy định cụ thể về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng như sau: Người nào có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực tế để thực hiện việc cấp dưỡng đối với người mà mình có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Tòa án mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, làm cho người được cấp dưỡng lâm tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính người chưa thành niên như thế nào?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo Điều 135 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau: Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả: Cảnh cáo; Phạt tiền; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Các biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng đối với người chưa thành niên bao gồm: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu; Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; văn hóa phẩm có nội dung độc hại; Buộc nộp lại khoản thu bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái với quy định của pháp luật.
Đồng thời, người chưa thành niên vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theoĐiều 136 Luật Xử lý. Vi phạm hành chính 2012 là Giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng. Trong quá trình xem xét xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp xử lý khác phù hợp hơn; Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính còn căn cứ vào khả năng nhận thức của người chưa thành niên về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm, nguyên nhân và hoàn cảnh vi phạm để quyết định việc xử phạt hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phù hợp; Việc áp dụng hình thức xử phạt, quyết định mức xử phạt đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính phải nhẹ hơn so với người thành niên có cùng hành vi vi phạm hành chính.
Trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; bị buộc phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì số tiền nộp vào ngân sách nhà nước bằng 1/2 trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc, phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay; Trong quá trình xử lý người chưa thành niên vi phạm hành chính, bí mật riêng tư của người chưa thành niên phải được tôn trọng và bảo vệ; Các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính phải được xem xét áp dụng khi có đủ các điều kiện quy định tại Chương II Phần thứ năm Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính không được coi là đã bị xử lý vi phạm hành chính. Căn cứ theo Điều 134 Luật Xử lý vi. Phạm hành chính 2012 sửa đổi 2020.
Căn cứ theo Điều 137 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên như sau: Người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm; Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử lý mà không tái phạm thì được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Cũng theo Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 định nghĩa về người chưa thành niên như sau: Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Trong đó, căn cứ theo Điều 1 Luật trẻ em 2016 cũng có giải thích thì trẻ em là người dưới 16 tuổi. Mặt khác, khái niệm người chưa thành niên tương đối rộng, bao hàm cả trẻ em và từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi.
Căn cứ the khoản 1 Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, đối với lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt vi phạm về vi phạm hành chính do lỗi cố ý. Còn người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt về mọi vi phạm hành chính…
Dưới sự chủ trì của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) luôn sẵn sàng phối hợp với chính quyền các địa phương trên cả nước, cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp thành viên, các tổ chức chính trị – xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động sâu rộng cho nhân dân, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định pháp luật theo các chủ đề. Song song đó, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật cho cộng đồng dân cư. Nhằm góp phần đưa quy định pháp luật đi vào thực tiễn đời sống, mặt khác thực hiện tốt chức năng chính trị xã hội của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm TTLCC theo đúng định hướng đã đề ra trong chiến lược phát triển từ nay đến 2030 và tầm nhìn 2045.
TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch HĐQL Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)