(CSPLO) – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được thư của cộng đồng doanh nghiệp vào sáng ngày 11/06/2024. Theo đó, các doanh nghiệp quan tâm và yêu cầu tham vấn pháp lý về việc tài sản của vợ chồng và thừa kế sau khi chồng hoặc vợ mất, một người có được làm việc cùng lúc hai công ty hay không, hưởng và đóng bảo hiểm nhủ thế nào…?
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau: Vợ chồng kết hôn với nhau và có 2 người con, 1 trai và 1 gái. Sau một thời gian người chồng bị bệnh nặng và chết đột ngột không để lại di chúc. Mẹ chồng hiện muốn chia tài sản thừa kế từ con trai, vậy liệu bà có được nhận tài sản thừa kế theo pháp luật. Đồng thời, người lao động cùng lúc có được ký hợp đồng lao động với 2 công ty và đóng bảo hiểm xã hội thế nào…
Tài sản chung của vợ chồng và thừa kế sau khi chồng mất
Ảnh minh hoạ
Căn cứ Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định giải quyết tài sản của vợ chồng trong trường hợp một bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết như sau: Khi một bên vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì bên còn sống quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp trong di chúc có chỉ định người khác quản lý di sản hoặc những người thừa kế thỏa thuận cử người khác quản lý di sản; Khi có yêu cầu về chia di sản thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản. Phần tài sản của vợ, chồng chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết được chia theo quy định của pháp luật về thừa kế.
Căn cứ khoản 1, 2 và 3 Bộ luật Dân sự 2015 – Trong trường hợp việc chia di sản ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của vợ hoặc chồng còn sống, gia đình thì vợ, chồng còn sống có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế phân chia di sản. Tài sản của vợ chồng trong kinh doanh được giải quyết, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Vì vậy, căn cứ quy định tại Điều 66 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015. Vì người chồng mất không để lại di chúc nên những người được thừa kế theo pháp luật bao gồm: người vợ, mẹ chồng và các con chung. Trong trường hợp này mẹ chồng cũng được hưởng di sản thừa kế từ con trai của mình.
Người làm việc cùng lúc 2 công ty, đóng bảo hiểm xã hội thế nào?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ tại Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: người lao động có thể giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết.
Người lao động đồng thời giao kết hợp đồng với nhiều người sử dụng lao động thì việc tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Cùng với đó, người lao động đóng BHXH (quỹ hưu trí, tử tuất) tại DN ký hợp đồng lao động đầu tiên. Về BHXH (quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp) thì người lao động đóng ở tất cả các công ty đã ký hợp đồng lao động (tuy nhiên, người lao động không cần phải bỏ tiền ra đóng mà người sử dụng lao động sẽ nộp cho).
Người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp tại công ty ký hợp đồng lao động đầu tiên; đóng BHYT tại công ty ký hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất. Hiện nay, không ít người lao động có nhu cầu làm việc ở nhiều DN khác nhau trong cùng thời điểm. Trong trường hợp này, người lao động hoàn toàn có thể ký hợp đồng lao động với nhiều công ty cùng lúc.
Nhằm mục đích chung tay cùng Đảng và Nhà nước trong việc góp phần vào việc thực thi pháp luật. Với vai trò nhịp cầu nối Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thường xuyên tổ chức các hội thoại, hội thảo, toạ đàm khoa học, tham vân pháp lý trực tuyến, trực tiếp để tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung, các doanh nghiệp thành viên, người dân…Theo đó, Trung tâm TTLCC có các luật gia, luật sư, các chuyên gia pháp lý, các giảng viên, các cộng tác viên, tư vấn viên thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật bằng thực tiễn tại các phiên toà với nội dung: Phổ biến các chính sách pháp luật mới nhất của Nhà nước dành cho các doanh nghiệp và người dân; Giải đáp thắc mắc, đề nghị và ghi nhận những kiến nghị của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các chính sách để chuyển các cơ quan có liên quan giải quyết; Phổ biến kiến thức chung về Luật Hôn nhân và gia đình; Bộ Luật lao động; Bộ luật Dân sự; Bộ luật Hình sự…
Tại các buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật của Trung tâm TTLCC, các báo cáo viên là luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội, Thành phố Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và Quảng Bình đi sâu phân tích các quy định của Luật đất đai có liên quan trực tiếp đến người dân như: quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, về việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Bộ luật Lao động 2019...
Xác định việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, doanh nghiệp của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm TTLCC nhằm xây dựng thói quen sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật cho mọi công dân, góp phần đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống…
Văn Hải – Kiên Cường