(CSPLO) – Trong thời gian gần đây, nhiều cá nhân, tổ chức đã gửi thư đến Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) yêu cầu giải đáp một số thắc mắc liên quan việc nếu xe bị vi phạm, trong quá trình bị tạm giữ liệu CSGT có bồi thường, người vi phạm có được đề nghị CSGT cho xem lại hình ảnh mà minh bị vi phạm… Theo đó, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm xin phúc đáp…
Vi phạm giao thông là một vi phạm phổ biến trong đời sống, đối với mỗi hành vi vi phạm sẽ có hình thức xử lý, mức hình phạt riêng. Tạm giữ phương tiện giao thông là một trong những biện pháp ngăn chặn sự tiếp tục vi phạm của người vi phạm, đảm bảo hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Yêu cầu CSGT chứng minh vi phạm mới đưa giấy tờ, đúng hay sai là băn khoăn của nhiều người và dưới đây là thông tin giải đáp. Về nguyên tắc, người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh vi phạm hành chính. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính (theo điểm đ khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính).
Xe bị tạm giữ hư hỏng, CSGT có phải bồi thường hay không?
Ảnh minh họa
Căn cứ Khoản 5 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi năm 2020); khoản 2 Điều 9 Nghị định 138/2021 quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính, có quy định: Người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị tạm giữ bị mất, hư hỏng,… thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua đó, nếu phương tiện bị hư hỏng là tang vật hoặc phương tiện vi phạm hành chính đang thuộc trách nhiệm quản lý, bảo quản của cơ quan công an ra quyết định tạm giữ, tịch thu. Hoặc nói cách khác đã có sự chuyển giao trách nhiệm trong việc bảo quản phương tiện từ chủ sở hữu qua cơ quan công an một cách hợp pháp. Vì vậy, về nguyên tắc, khi các phương tiện bị hư hỏng thì các cá nhân, cơ quan công an có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Căn cứ theo Điều 9 Nghị định 138/2021/NĐ-CP có quy định trách nhiệm trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ như sau: Người lập biên bản tạm giữ có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho đến khi bàn giao tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ cho người quản lý, bảo quản; Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật; Người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ. Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ; Trường hợp phương tiện giao thông vi phạm hành chính được giao cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 của Nghị định này thì người có thẩm quyền tạm giữ phương tiện có trách nhiệm quản lý, bảo quản phương tiện giao thông vi phạm hành chính từ khi tạm giữ phương tiện cho đến khi giao phương tiện cho tổ chức, cá nhân vi phạm giữ, bảo quản. CSGT ra quyết định tạm giữ xe có trách nhiệm bồi thường trong trường hợp xe bị tạm giữ hư hỏng.
Theo Điều 3 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ gồm: Tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn, không để gây ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh; Các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá trị thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ, an toàn, sắp xếp hợp lý, dễ kiểm tra, tránh nhầm lẫn; bảo đảm tính nguyên vẹn; Chỉ tiếp nhận, trả lại, chuyển tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ hoặc tiếp nhận, chuyển tang vật, phương tiện bị tịch thu cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khi có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền.
Tương tự, tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định về nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ như sau: Nơi tạm giữ tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu là nhà, kho, bến, bãi, cảng, khu vực vùng nước cảng biển, trụ sở cơ quan hoặc nơi khác do người có thẩm quyền tạm giữ, tịch thu quyết định và phải bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 6 Nghị định 138/2021/NĐ-CP. Nơi tạm giữ giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ là trụ sở cơ quan của người lập biên bản tạm giữ, người ra quyết định tạm giữ.
Tuy nhiên, cần phải tiến hành xác minh, làm rõ về nguyên nhân hư hỏng xe, thống kê thiệt hại trên thực tế. Sau đó, mới có thể đưa ra kết luận chính xác về việc có hay không có căn cứ để chủ sở hữu phương tiện bị tạm giữ yêu cầu cơ quan có thẩm quyền bồi thường thiệt hại. Do đó, cơ quan chức năng cần thực hiện các thủ tục cần thiết để xác định một số thông tin như: bãi giữ xe có được trang bị hệ thống các thiết bị bảo đảm an toàn theo đúng yêu cầu, phù hợp với quy định của pháp luật hay không? Nguyên nhân gây ra hư hỏng xe có xuất phát từ bên thứ ba hay không? Có do có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào hay không? Có phải do sự kiện bất khả kháng hay không? Kết luận của cơ quan chức năng sẽ là cơ sở để xác định về căn cứ bồi thường thiệt hại trong trường hợp này.
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự 2015, một sự kiện được xem là sự kiện bất khả kháng nếu thỏa mãn đủ các điều kiện sau đây: sự kiện xảy ra một cách khách quan, hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của các bên; sự kiện đó không thể nào lường trước được; không thể khắc phục được hậu quả do sự kiện đó gây ra, dù cho bên có nghĩa vụ đã cố gắng áp dụng hết tất cả mọi biện pháp cần thiết và cho phép trong khả năng của mình.
Mặc dù vậy, nếu nguyên nhân hư hỏng xe là do sự kiện bất khả kháng thì cơ quan công an không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho chủ sở hữu của xe. Ngược lại, nếu có căn cứ xác định nguyên nhân khiến xe bị hư hỏng là do lỗi của cơ quan công an hoặc của bên thứ ba, cơ quan công an vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường cho chủ sở hữu, nhưng sau đó có quyền khởi kiện bên thứ ba yêu cầu bồi thường thiệt hại. Đồng thời, để có căn cứ yêu cầu để bồi thường thiệt hại (nếu có cơ sở), chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, giấy tờ pháp lý thể hiện quyền sở hữu hợp pháp đối với xe, thông tin về tình trạng xe, loại xe, đời xe,… qua đó có cơ sở xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Người vi phạm có được đề nghị Cảnh sát giao thông cho xem lại hình ảnh vi phạm không?
Ảnh minh hoạ
Theo Điều 19 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về phát hiện vi phạm hành chính thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ như sau: Cán bộ Cảnh sát giao thông sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện, thu thập hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có trách nhiệm hợp tác theo yêu cầu kiểm tra, kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của cán bộ Cảnh sát giao thông.
Kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ là bản ảnh, hình ảnh, phiếu in, chỉ số đo, dữ liệu lưu trong bộ nhớ của các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; được thống kê, lập danh sách, in thành bản ảnh hoặc bản ghi thu về hành vi vi phạm và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an về công tác hồ sơ.
Khi phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được thông tin, hình ảnh về hành vi vi phạm pháp luật của người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện như sau: Tổ chức lực lượng dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp người vi phạm đề nghị được xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm, Tổ Cảnh sát giao thông cho xem tại nơi kiểm soát; nếu chưa có thông tin, hình ảnh, kết quả tại nơi kiểm soát thì hướng dẫn người vi phạm xem khi đến xử lý vi phạm tại trụ sở đơn vị;
Tuy nhiên, trong trường hợp không dừng được phương tiện giao thông vi phạm để kiểm soát, xử lý vi phạm thì thực hiện theo quy định tại Điều 28 Thông tư 32/2023/TT-BCA. Vì vậy, người vi phạm được đề nghị Cảnh sát giao thông cho xem thông tin, hình ảnh, kết quả thu thập được về hành vi vi phạm.
Căn theo Điều 7 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát như sau: Tuân thủ các quy định của pháp luật và mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được cấp có thẩm quyền ban hành; Tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công; Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; Điều tra, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an; Trực tiếp, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường bộ. Tham gia phòng, chống khủng bố, chống biểu tình gây rối; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ trên các tuyến giao thông đường bộ theo quy định.
Trong đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thực hiện các nhiệm vụ: Phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và giao thông đường bộ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời;Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ. Thực hiện các nhiệm vụ khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính và đối chiếu với quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các hình thức xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông bao gồm: Cảnh cáo. Phạt tiền. Tước giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn/đình chỉ hoạt động có thời hạn. Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), hình thức xử phạt cảnh cáo được áp dụng đối với 3 nhóm hành vi, như: Thực hiện hành vi thi công trên đường bộ đang khai thác không treo biển báo thông tin công trình hoặc treo biển báo thông tin không đầy đủ nội dung theo quy định; Chăn dắt súc vật ở mái đường, buộc súc vật vào hàng cây hai bên đường hoặc vào cọc tiêu, biển báo, rào chắn, các công trình phụ trợ của giao thông đường bộ ” hoặc “tự ý leo trèo lên mố, trụ, dầm cầu”; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc diều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”.
Hình thức xử phạt tiền đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ được Chính phủ quy định thành các khung tiền phạt cao thấp khác nhau căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi vi phạm. Đối với mỗi vi phạm hành chính cụ thể, mức tiền phạt sẽ được thiết kế theo công thức “từ tối thiểu đến tối đa”. Theo đó, mức tiền phạt cụ thể đối với một vi phạm hành chính thường là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó.
Theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐCP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP), có 53 nhóm hành vi có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, thời hạn từ 1 tháng đến 24 tháng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách Nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan đến vi phạm hành chính. Ở lĩnh vực giao thông, việc tịch thu tang vật, phương tiện được áp dụng đối với các vi phạm nghiêm trọng do lỗi cố ý. Khi bị áp dụng hình thức xử phạt này đồng nghĩa cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ phải gánh chịu thiệt hại về mặt vật chất.
Căn cứ theo Điều 8 Thông tư 32 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định về quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong tuần tra, kiểm soát gồm: Được dừng các phương tiện tham gia giao thông đường bộ (sau đây viết gọn là phương tiện giao thông) theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Thông tư 32/2023/TT-BCA và quy định của pháp luật có liên quan.
Kiểm soát người và phương tiện giao thông, giấy tờ của người điều khiển phương tiện giao thông, giấy tờ của phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông đang kiểm soát theo quy định của pháp luật; kiểm soát việc thực hiện các quy định về an toàn vận tải đường bộ:Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; Được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của Luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Điển hình, được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an; Được tạm thời đình chỉ đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến và nơi tạm dừng, đỗ phương tiện giao thông khi có tình huống ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hoặc khi có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện các quyền hạn khác của lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Tin rằng, việc thường xuyên tổ chức toạ đàm khoa học, tham vấn pháp lý của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm nhằm cung cấp cho người dân, doanh nghiệp những kiến thức cơ bản về Luật an toàn giao thông đường bộ. Qua đó, để mỗi người dân, doanh nghiệp bên cạnh là tấm gương trong việc chấp hành luật giao thông còn là một tuyên truyền viên tích cực để cùng vận động bạn bè, gia đình, người thân chấp hành luật giao thông, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm…
Ông Phạm Trắc Long – PGĐ Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC)