(CSPLO) – Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang ngày càng chứng tỏ vị thế là một trong những mấu chốt quan trọng trong việc phát triển nội lực của nền kinh tế, xã hội của các quốc gia. Chính vì lẽ đó, thổi bùng ngọn lửa sáng tạo khởi nghiệp và trang bị những kiến thức nền tảng cần thiết về khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.
Cụ thể, sáng ngày 25/10/2022, tại Hội trường khách sạn Mường Thanh TP.Cà Mau đã diễn ra cuộc thi “Ý tưởng – Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2022”. Tham dự có ThS. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Chủ tịch HĐQL Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam.
ThS. Hồ Minh Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm tác già trường CĐCĐ Cà Mau sau khi tham quan mô hình
Mục tiêu của cuộc thi nhằm khơi gợi tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng, giới trẻ khu vực ĐBSCL…Đặc biệt, tỉnh Cà Mau, nhằm nâng cao nhận thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tạo thêm động lực lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp tại địa phương. Đây còn là cơ hội để giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp với các chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh, tạo điều kiện phát triển số lượng doanh nghiệp mới, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương và ĐBSCL.
Tham gia cuộc thi lần này có Trường CĐCĐ Cà Mau tham dự 2 dự án trọng điểm là Thiết kế hệ thống tuần hoàn trong cá nước lợ – mặn và Phát triển nghề đan móc và thêu các sản phẩm thủ công từ len, sợi…Qua đó, với dự án thiết kế hệ thống tuần hoàn trong cá nước lợ – mặn của nhóm tác giả Võ Thị Trường An; Huỳnh Hiếu Lộc; Phạm Thanh Hương đã được lọt vào vòng chung kết của chương trình.
Về tiêu chí dự thi, với ý tưởng, dự án phải có tính đổi mới sáng tạo, xuất phát từ ý tưởng, mong muốn khởi nghiệp của cá nhân, nhóm dự thi, Ý tưởng, dự án có ứng dụng công nghệ hoặc tạo ra những giải pháp công nghệ cho cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, Ý tưởng, dự án góp phần bảo vệ, bảo tồn, gia tăng giá trị cho tài nguyên bản địa, văn hóa bản địa của địa phương, vùng miền, nâng cao hình ảnh địa phương với cộng đồng trong và ngoài nước,Ý tưởng, dự án góp phần giải quyết các thách thức về môi trường và khí hậu, Ý tưởng, dự án phải có khả năng thương mại hóa, nhân rộng…
Cà Mau được đánh giá là nơi có nhiều tiềm năng, có điều kiện để khởi nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhưng do là địa bàn vùng xa, hạ tầng kinh tế, xã hội chậm phát triển… nên số lượng và tỷ lệ doanh nghiệp trên tổng dân số còn rất thấp. Vì lẽ đó, mà thời gian qua, lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Điển hình, từ khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Cà Mau xem đây là cơ hội, là tiền đề để những ý tưởng, những sáng tạo được hiện thực và phát triển nhiều hơn, mạnh hơn…
Chia sẻ bên lề hội thảo, ThS. Hồ Minh Sơn cho rằng trường CĐCĐ Cà Mau là đơn vị đồng hành cùng Viện IMRIC, bên cạnh việc truyền lửa khởi nghiệp, ngành nghề cho người học của nhà trường thì việc liên tục gặt hái những thành tựu đáng kể tại các cuộc thi vừa qua là điều rất đáng trân trọng. Đồng thời việc tham gia các hoạt động “Sáng tạo khởi nghiệp” ở tỉnh Cà Mau, những ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp của các nhóm tác giả hy vọng sẽ có nhiều cơ hội được triển khai, mang lại lợi ích thiết thực cho nhà khởi nghiệp. Nếu được phát triển, có được chiến lược sản xuất – kinh doanh, quảng bá sản phẩm kịp thời, các ý tưởng khởi nghiệp sẽ mang lại hiệu quả thực tế lâu dài, thúc đẩy phong trào kinh doanh khởi nghiệp cho cán bộ, giảng viên và người học Trường CĐCĐ Cà Mau sẽ được lan toả ngày càng sâu rộng hơn. Tin rằng, với những trải nghiệm gặt hái được trong cuộc thi, các bạn sinh viên sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa dự án của mình, biến nó thành sự thật và mang những sản phẩm đến gần hơn với cộng đồng để tạo nên những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.
Thông qua cuộc thi, BTC khuyến khích và hỗ trợ các ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, phát triển số lượng doanh nghiệp mới, có hàm lượng công nghệ cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương và ĐBSCL, tăng số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp trở thành doanh nghiệp lớn thông qua việc kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư lớn, Hình thành mạng lưới tương tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp, nhà tư vấn và cá nhân, tổ chức khởi nghiệp. Từ đó, tìm kiếm nhà đầu tư cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp tại Cà Mau.
Hữu Ước