(CSPLO) – Mới đây, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau (Đơn vị đồng hành cùng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế – IMRIC) đã tham gia với hai mô hình thiết bị và kết quả có 02/02 mô hình “Thiết kế hệ thống tuần hoàn trong cá nước lợ – mặn” đạt Giải nhì của nhóm tác giả Võ Thị Trường An, Huỳnh Hiếu Lộc, Phạm Thanh Hương; Mô hình “Thiết kế hệ thống nuôi thương phẩm và nuôi vỗ cua biển” đạt Giải ba của nhóm tác giả Nguyễn Việt Bắc, Nguyễn Thị Tiên, Dương Xuân Đào.
Cụ thể, vào chiều ngày 14/10/2022, Ban tổ chức Hội thi thiết bị đào tạo tự làm lần thứ VII năm 2022 đã bế mạc. Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VII, năm 2022 có 57 tỉnh, TP tham dự với tổng số 381 thiết bị đăng ký dự thi của 191 cơ sở GDNN, cơ sở đăng ký hoạt động GDNN diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 10 đến 14.10.2022), tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, Đoàn của tỉnh Cà Mau với sự tham gia của Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau do Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Thanh làm Trưởng đoàn.
Hội thi thiết bị đào tạo tự làm các cấp là sân chơi bổ ích cho các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, góp phần tạo ra những thiết bị đào tạo, mô hình có tính ứng dụng cao trong hoạt động chuyên môn dạy và học, phù hợp xu thế phát triển của khoa học công nghệ. Các thiết bị tham gia tại Hội thi các cấp có thể được cải tiến hoặc làm mới hoàn toàn, nhằm phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất của địa phương và giảng dạy của các nhà trường.
Trong đó, các thiết bị đào tạo tự làm tập trung ở những nghề: Điện tử dân dụng; Điện tử công nghiệp; Điện công nghiệp; Điện dân dụng; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Hàn; Công nghệ ô tô; Cắt gọt kim loại; Công nghệ thông tin; Y tế; Xử lý nước thải; Nuôi trồng thủy sản; Thú y;…
Kết quả hội thi: Hội thi có 30 giải nhất, 45 giải nhì, 75 giải ba và 200 giải khuyến khích, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau đã tham gia với hai mô hình thiết bị và kết quả có 02/02 mô hình đạt giải cao tại Hội thi như sau: Mô hình “Thiết kế hệ thống tuần hoàn trong cá nước lợ – mặn” đạt Giải nhì tại Hội thi, của nhóm tác giả: Võ Thị Trường An, Huỳnh Hiếu Lộc, Phạm Thanh Hương; Mô hình “Thiết kế hệ thống nuôi thương phẩm và nuôi vỗ cua biển” đạt Giải ba tại Hội thi, của nhóm tác giả: Nguyễn Việt Bắc, Nguyễn Thị Tiên, Dương Xuân Đào.
Mỗi mô hình tham dự Hội thi đều thể hiện sự yêu nghề, đam mê nghiên cứu khoa học, khả năng sáng tạo để nâng cao chất lượng giảng dạy, chất lượng đào tạo, nhất là các ngành nghề trọng điểm đúng thế mạnh của tỉnh Cà Mau. Đặc biệt, hội thi là cơ hội để nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được giao lưu, học tập kinh nghiệm, góp phần tạo nên sự sinh động, sôi nổi tại Hội thi và qua Hội thi có nhiều thiết bị, mô hình dạy học tự làm đã thể hiện tính khoa học và tính ứng dụng cao.
Tin rằng, xuất phát từ quá trình đào tạo thực tiễn theo phương pháp truyền thống tại trường, để hình thành được kỹ năng, người học phải thao tác rất nhiều lần trên thiết bị thật, từ đó dẫn đến hao mòn máy móc, giảm tuổi thọ thiết bị, tiêu hao nguyên vật liệu, tăng chi phí đào tạo. Song song với đó, các thiết bị đào tạo tự làm có chất lượng và hiệu quả kinh tế cao ngay sau hội thi sẽ được lựa chọn để phổ biến, nhân rộng trong nhà trường, góp phần hạn chế sự thiếu hụt thiết bị trong giảng dạy và học tập.
Theo Minh Sơn – Văn Hải/Bestlife.net.vn