(CSPLO) – Một trường đại học muốn lên đại học phải mất thời gian để tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, tích lũy nguồn lực…
Trong thời gian gần đây khá nhiều trường đại học cả công và tư có nhu cầu và phấn đấu để trở thành đại học.
Có thể xem đây là nhu cầu rất chính đáng xuất phát từ nguyên nhân cốt lõi là ở sứ mệnh đại học đáp ứng nhu cầu đa dạng về nhân lực và sản phẩm nghiên cứu ở nhiều ngành và nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ mang tính tích hợp liên ngành, liên lĩnh vực.
Nếu giữ nguyên trạng thái trường đại học gồm các khoa chuyên môn, hoạt động tương đối độc lập với nhau có thể sẽ hạn chế hiệu quảhoạt động.
Nếu các khoa này trở thành một trường (school) trong một đại học, nguồn lực sẽ được khai thác tốt hơn do sự hợp tác và chia sẻ, sự tựchủ của trường sẽ cao hơn so với địa vị ở cấp khoa trước đây.
Như vậy, chính vì nhu cầu xã hội và nhu cầu nâng cao hiệu quả quản trị giáo dục đại học thì việc “lên đời” thành đại học là chính đáng, khách quan.
Ảnh minh họa: Hà An
Vì sao trường đại học đua nhau “lên đời” thành đại học?
Nguyên nhân khiến một số trường muốn được trở thành đại học có thể cả vì “danh” và “lợi” khi đáp ứng được nhu cầu.
Rõ ràng, ở vị thế của đại học thường được xem như có uy tín cao hơn, góp phần làm tăng hình ảnh của đại học và thu hút được nhiều sự chú ý cả trong và ngoài nước để dẫn đến những cơ hội hợp tác quốc tế, hợp tác với các doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Bên cạnh đó, ở vị thế của một đại học, cơ sở giáo dục sẽ có điều kiện nâng cao danh tiếng, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn với sinh viên và các giảng viên tài năng.
Thực tế cho thấy điểm đầu vào của một số đại học thường cao hơn nhiều trường đại học khác.
Mặt khác, ở khía cạnh phạm vi học thuật, đại học không chỉ đào tạo một số ít ngành học như trước mà chuyển sang đa lĩnh vực như một số đại học nước ngoài như Kỹ thuật công nghệ, Kinh doanh, Y tế, Giáo dục, Nghệ thuật, Luật…
Do đó, đại học có điều kiện cung cấp nhiều chương trình đào tạo đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.
Thực tế cho thấy, xu hướng nghiên cứu sâu, rộng hơn ở các đại học và nghiên cứu liên ngành mở rộng sựhợp tác, nâng cao sự đóng góp chất xám cho xã hội và kiến thức đổi mới.
Nhờ thu hút được sinh viên và giảng viên giỏi, mở rộng các đối tác khiến các trường có nhiều cơ hội huy động được nguồn lực tài chính, tài trợ cho các nghiên cứu.
Ngoài ra, khi trở thành đại học thì có thể cơ sở giáo dục sẽ thuận lợi hơn trong nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất và đặt hàng tin cậy hơn.
Mặt khác, khi từ địa vị cấp khoa nay trở thành trường trực thuộc đại học, trường này được hưởng nhiều quyền tự chủ hơn trong quản trị, cho phép họ đưa ra quyết định của riêng mình trong sự thống nhất với sứmệnh của đại học một cách hiệu quả hơn…
Vì thế, việc một số trường đua nhau để thành đại học cũng là điều dễ hiểu vì kỳ vọng sẽ giúp cho trường đại học hy vọng cải thiện vị thế cạnh tranh nguồn lực.
Không thể bỏ qua những thách thức khi “lên đời” đại học
Một trong những thách thức lớn nhất là ở đẳng cấp đại học, cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn thểhiện bằng thực lực về chất lượng và cam kết, cùng hành động đào tạo và nghiên cứu trong một số lĩnh vực qua sự đa dạng các chương trình đào tạo và đủ về nguồn lực về con người (năng lực quản trị, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ…), về tài chính, đất đai cùng cơ sở vật chất khác.
Ở vị thế đại học, bắt buộc phải mở rộng hoặc xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học. Điều này đòi hỏi phải có một đội ngũ giảng viên đủ mạnh ở nhiều lĩnh vực và đòi hỏi đầu tư lớn hơn về cơ sở hạ tầng.
Bên cạnh đó, đại học cần phải phát triển năng lực nghiên cứu gồm các phòng thí nghiệm, nguồn tài trợ từdoanh nghiệp hoặc từ nhà nước và một đội ngũ cán bộ giảng viên có nền tảng nghiên cứu vững chắc.
Thách thức về mặt cơ cấu tổ chức cần được quan tâm khi chuyển sang vị thế đại học. Ở vị thế này thường đòi hỏi một cơ cấu tổ chức phức tạp hơn, bao gồm việc thành lập nhiều trường thuộc, trung tâm nghiên cứu và các chương trình sau đại học.
Đặc biệt sự điều phối mạnh của đại học để đảm bảo tự chủ của đại học, sự tự chủ của các đơn vị thuộc trong khi phải đảm bảo sự thống nhất, đoàn kết cần thiết sao cho quyền lực, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi thành viên được hài hòa, công bằng, thống nhất chung với sứ mệnh đại học mới.
Trở thành đại học, mang tên gọi mới, cơ sở giáo dục cần phải tăng cường truyền thông, tiếp thị, xây dựng danh tiếng và uy tín, truyền đạt sứ mệnh và các giá trị mới của đại học tới xã hội.
Thách thức cuối cùng để đạt được sự thống nhất tương đối trong văn hóa tổ chức của một trường đại học lớn, xét đến sự đa dạng về truyền thống, chuyên môn và giá trị học thuật giữa các trường “con”, là một thách thức đáng kể đòi hỏi sự lãnh đạo chu đáo và quản lý chiến lược.
Lãnh đạo trường đại học phải thực hiện cách tiếp cận nhiều mặt, tôn trọng tính độc đáo của từng trường “con” đồng thời nuôi dưỡng văn hóa đại học gắn kết nhằm thúc đẩy sự hợp tác, hòa nhập và các giá trịchung.
Vì thế, cần đảm bảo rằng các giá trị và truyền thống cốt lõi được bảo tồn đồng thời thực hiện sứ mệnh mởrộng.
Văn hóa coi trọng sự cởi mở, đổi mới và hợp tác giữa các trường thành viên, giữa các ngành khuyến khích giảng viên và sinh viên tham gia giảng dạy và nghiên cứu liên ngành.
Các giá trị được chia sẻ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phá bỏ rào cản giữa các phòng ban và trường học, thúc đẩy cách tiếp cận tích hợp hơn để giải quyết các vấn đề phức tạp.
Thiếu vắng đi văn hóa hợp tác, mỗi nơi làm một phách thì đại học khi đó không khác “bao tải khoai tây” đổ ra khỏi bao mỗi nơi mỗi củ.
Vấn đề ảnh hưởng của văn hóa tổ chức vừa nêu trên rất ít được các trường đại học ở Việt Nam quan tâm, nhưng điều này có ảnh hưởng rất lớn đến hợp tác trong giảng dạy, nghiên cứu và quản trị hiệu quả, đặc biệt là trong phạm vi tích hợp, liên ngành là một vấn đề nhiều mặt.
Các trường đại học muốn nâng cấp vị thế của mình lên đại học phải lập kế hoạch và quản lý cẩn thận những vấn đề này.
Thành công không chỉ đòi hỏi phải đáp ứng các tiêu chuẩn quy định và học thuật mà còn phải đảm bảo tổchức này được chuẩn bị cho những tác động rộng hơn của việc trở thành một trường đại học, bao gồm cả tác động của nó đối với các bên liên quan và tính bền vững lâu dài của nó.
Tóm lại, việc lên đời thành đại học có thể xem là xu hướng tất yếu do nhu cầu khách quan và chủ quan.
Điều đó tạo ra những động lực để nâng cấp trường đại học lên đại học. Tuy nhiên, một trường đại học muốn lên đại học phải mất thời gian để tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, tích lũy nguồn lực, thay đổi sang một tầm nhìn mới, nhận thức mới, một văn hóa mới…
Trong những vấn đề này, một đội ngũ lãnh đạo quản trị đủ tầm và năng lực công với thực lực từ đội ngũ giảng viên và tài chính là điều mang tính chất quyết định sự phát triển bền vững của đại học tương lai.
Theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018, trường đại học và đại học là hai khái niệm khác nhau. Trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Trong khi đại học sẽ đào tạo trên nhiều lĩnh vực, mỗi lĩnh vực có nhiều ngành.
Hiện nay cả nước có 7 đại học gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Thành phố HồChí Minh. Trong đó, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mới chuyển từ trường đại học thành đại học vào tháng 10/2023.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng dự kiến chuyển thành Đại học Kinh tế Quốc dân trong năm 2025.
Tại lễ khai giảng năm học mới diễn ra ngày 26/9/2023, Giáo sư Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – cho biết năm học mới 2023-2024 sẽ đi cùng với nhiều chủ trương và hoạt động lớn của trường, như thực hiện tự chủ đại học, chuẩn bị đề án phát triển thành Đại học Y Hà Nội.
Trường Đại học Cần Thơ phấn đấu đến năm 2030 trở thành Đại học Cần Thơ….
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo)
https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-len-doi-thanh-dai-hoc-vi-danh-xung-hay-do-nhu-cau-thiet-thuc-post241039.gd