(CSPLO) – Kinh tế nông nghiệp tuy mới đóng góp phần giá trị còn khiêm tốn nhưng lại rất quan trọng bởi đem lại sự ổn định về an ninh lương thực, ổn định chính trị xã hội – một yếu tố vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Để giá trị ngành nông nghiệp cả nước nâng cao chất lượng, hiệu quả ngoài yếu tố chính sách của Nhà nước, địa phương thì một yếu tố cũng rất quan trọng đó là thương mại điện tử giúp thị trường nông sản ngày càng. Phát triển bứt phá, bền vững...
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có báo cáo, giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 tăng 3,33% so với năm 2021. Trong đó, giá trị sản xuất trồng trọt tăng 2,88%; chăn nuôi tăng 5,93%, thủy sản tăng 4,43%, lâm nghiệp tăng 6,13%. Giá trị gia tăng của toàn ngành năm 2022 ước tăng trên 3%. Kết thúc năm 2022, tỷ lệ che phủ rừng đạt 42,02%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm ngư nghiệp đạt kết quả vô cùng ấn tượng với trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Thặng dư thương mại toàn ngành ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Toàn ngành nông lâm ngư nghiệp có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên 2 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ); 7 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD).
Chia sẻ về điều này, Tiến sỹ. Nhà báo – Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLPIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (Trung tâm tư vấn pháp luật tại TP.HCM), Đại diện Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống phía Nam khẳng định hoạt động thương mại điện tử trở thành điểm nhấn nổi bật trong bức tranh thương mại của Việt Nam năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ khoảng 20%, đứng thứ 5 thế giới, năm 2022 hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Đặc biệt, hiện ngày càng có nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Điều này cho thấy, thương mại điện tử đã giúp cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được biết đến nhiều hơn.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho rằng thị trường thương mại đã phát sinh thêm một kênh phân phối hiện đại, nhanh chóng và hiệu quả đó là thương mại điện tử; thông qua đây đã thúc đẩy rất mạnh mẽ lưu thông các nguồn hàng hóa trong đó có hàng nông sản, một mặt hàng thiết yếu của xã hội. Bên cạnh với kênh phân phối truyền thống, thương mại điện tử cũng đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới giúp bà con nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh.
Có thể thấy, người dùng thương mại điện tử ngày càng có nhiều kỹ năng tốt, chuyên nghiệp hơn, ít xảy ra sự cố trong giao dịch hoặc nếu có thì cũng không nghiêm trọng. Các sàn giao dịch thương mại điện tử tăng trưởng vẫn rất tốt dù có giảm tốc. Các công cụ thanh toán đã phổ cập tới người dùng, các điểm bán hàng trên mạng sử dụng thanh toán điện tử khá phổ biến.
Theo Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho rằng các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân cần đáp ứng một hay một số các điều kiện sau: Có sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và chế biến đảm bảo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm – đây là yếu tố đầu tiên quyết định việc sản phẩm có được thị trường chấp nhận hay không; Đã và đang tiến hành đăng ký với cơ quan chức năng của Nhà nước chứng nhận đối với sản phẩm hàng hóa hay chưa về một số các tiêu chuẩn như: Vietgap, OCOP, … đây là yếu tố tạo niềm tin cho khách hàng như một tấm thẻ đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài hay không của sản phẩm hàng hóa trên không chỉ thị trường truyền thống và cả thương mại điện tử; Thông tin về sản phẩm phải rõ ràng, có hướng dẫn cho khách hàng tiêu dùng đầy đủ các vấn đề liên quan đến sử dụng sản phẩm hàng hóa như: cách bảo quản, thời gian sử dụng tối ưu của sản phẩm,…yếu tố này giúp cho việc phát huy tối đa công dụng của sản phẩm hàng hóa; Có phương tiện thông tin nghe nhìn hiện đại, phù hợp với năng lực sản xuất: điện thoại thông minh, máy quay camera hay máy ảnh,…- yếu tố này giúp cho việc đưa hình ảnh sản phẩm hàng hóa nên thị trường được rõ nét, phản ánh chân thực nhất về hình thức của sản phẩm, hàng hóa; Có cách quảng cáo phù hợp với sản phẩm, hàng hóa – yếu tố này làm tăng quy mô khách hàng tiêu dùng bởi các khách hàng tiềm năng của thị trường là rất lớn; Cần có sự tham khảo và hiểu biết nhất định về một số ứng dụng trên không gian mạng Internet như: ứng dụng bán hàng (Sales application): Viettel Post, Voso.vn, Sendo.vn và Tiki hay Amazon,…yếu tố này giúp cho việc mở rộng số lượng cũng như quy mô thị trường (thị trường trong nước và quốc tế) cho đơn vị, hộ gia đình và cá nhân có hoạt động kinh tế cho phù hợp với năng lực sản xuất hiện tại và tương lai.
Thực tế cho thấy, có rất nhiều hộ kinh doanh, hợp tác xã đã đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Kỹ năng chuyển đổi số của người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa được cải thiện. Những công cụ đưa sản phẩm, dịch vụ địa phương “lên mạng” ngày càng được ứng dụng rộng rãi, không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, nhất là sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Thương mại điện tử đã giúp cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được biết đến rất nhiều.
Ngoài ra, khi các nền kinh tế trên thế giới đang gặp nhiều khó khăn thì kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng cao. Do đó, thương mại điện tử có đà tăng trưởng thuận lợi. Đồng thời, Việt Nam đang có tỷ lệ dân số vàng, dân số trẻ, kỹ năng chuyển đổi số của người dùng cũng rất tốt, nền tảng công nghệ của Việt Nam hiện nay cũng phù hợp với chuyển đổi số. Điều này giúp thương mại điện tử nước ta có thể tăng tốc nhanh hơn so với các quốc gia phát triển, bởi họ đang đối diện cơ cấu dân số bị già hóa lớn.
Cũng theo Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho hay nền kinh tế của chúng ta đang phản ứng tốt với những thay đổi của kinh tế thế giới, nên từ giờ đến giữa năm 2023 mức độ tăng trưởng sẽ duy trì được như năm 2022. Tuy nhiên, nếu các cuộc chiến tranh địa chính trị trên thế giới lan rộng thì nửa cuối năm 2023 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử có thể bị chững lại. Mặt khác, thông tin không chính xác, gian lận thương mại điện tử gia tăng cũng là thách thức lớn. Chúng ta hội nhập với nền kinh tế thế giới thì các quy định bảo vệ dữ liệu người dùng cũng khắt khe hơn, nhưng ở Việt Nam vẫn còn khoảng lệch tương đối lớn. Điều này, khiến các công ty thương mại điện tử Việt Nam gặp nhiều trở ngại khi gia nhập các thị trường lớn. Nếu muốn vươn rộng ra thị trường thế giới, phải nghiên cứu kỹ hành lang pháp lý của những thị trường đó, nhất là những thị trường đã ký kết các hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cũng khẳng định với việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho thương mại điện tử là vô cùng quan trọng. Song hành với việc sửa đổi Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải điều chỉnh các văn bản dưới luật để phù hợp với các quy định mới. Cùng với đó, Viện IMRIC, Viện IRLPIE, Chi nhánh tư vấn pháp luật, Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống sẽ tích cực làm nhịp cầu nối hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, chuyển đổi số sớm và bài bản. Điển hình, các doanh nghiệp, hợp tác xã chỉ mới đưa sản phẩm lên được trên mạng chứ chưa có hoạt động quảng bá, định vị thương hiệu. Vì vậy, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức các buổi toạ đàm, khóa đào tạo cho các doanh nghiệp thì giao dịch thương mại điện tử sẽ ngày một mở rộng.
Song song với đó, năm 2023 sẽ có những khó khăn nhất định, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine về năng lượng, lương thực chưa lường hết được, cạnh tranh giữa các nền kinh tế lớn vẫn đang diễn ra.Tiến sỹ Hồ Minh Sơn khuyến nghị, trong 6 tháng đầu năm 2023, thương mại điện tử vẫn tiếp tục giữ nhịp tăng trưởng và sẽ chậm lại vào 6 tháng cuối năm do tác động từ tình hình kinh tế thế giới và các cuộc xung đột địa chính trị. Từ đó, sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế của Việt Nam mà trực tiếp là các khoản vay cùng với đó đầu tư nước ngoài của chúng ta đến thời điểm này có thể bị chững lại hoặc sụt giảm. Trong trường hợp tình hình địa chính trị thế giới ổn định, kinh tế hồi phúc thì thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng, triển vọng tăng trưởng năm 2023 có thể bằng năm 2022. Đây là điểm khác biệt với thị trường truyền thống, nếu thuận lợi tăng trưởng tốt, không thuận lợi tăng trưởng chậm trong khi thị trường truyền thống không thuận lợi sẽ có thể bị đứt gãy.
Dịp này, Tiến sỹ Hồ Minh Sơn cho biết trong năm 2023 Việt Nam dự kiến sẽ hoàn thiện Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đây là hàng lang pháp lý có độ tin cậy cao. Ngoài ra, việc cải tiến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong thương mại điện tử sẽ có căn cứ để xử lý tốt hơn. Viện IMRIC và Viện IRLPIE cũng cần nâng cao vai trò là nhịp cầu nối của mình trong chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử.
Có thể thấy, hiệu quả từ việc tham gia thương mại điện tử, đã giúp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân tham gia hoạt động kinh tế nói chung nhất là kinh tế nông nghiệp nói riêng tìm kiếm thị trường tiêu thụ, trao đổi nhanh nhất; thúc đẩy nhanh hơn kế hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; tăng cường đầu tư và áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình sản xuất kinh doanh theo hướng hiện đại; dần hình thành thêm những vùng sản xuất mang thương hiệu cho địa phương từ đó góp phần vào quá trình hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Văn Hải – Công Danh