(CSPLO) – Sáng ngày 17/08/2023, tại đường Hùng Vương, phường Tân Bình, Thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước – đã diễn ra buổi làm việc giữa Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Buổi làm việc được tổ chức theo đề nghị của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước về việc phối kết hợp tổ chức trại sáng tác nghệ thuật (nhiếp ảnh, âm nhạc, văn thơ…) và các cuộc thi, sân chơi về trí tuệ, sắc đẹp, tài năng tại tỉnh Bình Phước để quảng bá du lịch tỉnh nhà.
Hiện tại, Bình Phước là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chiến lược quan trọng, rất thuận lợi cho đầu tư phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ. Là địaphương có diện tích lớn nhất trong 19 tỉnh, thành phía Nam, Bình Phước có đường biên giới dài 258,939km, tiếp giáp Vương quốc Campuchia.
Ở vị trí ngã ba Đông Dương, Bình Phước có điều kiện giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường huyết mạch như: Quốc lộ 13 thông suốt từ TP. Hồ Chí Minh qua Bình Dương lên Bình Phước, đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Quốc lộ 14 kết nối các tỉnh Tây nguyên qua Bình Phước về TP. Hồ Chí Minh. Tuyến ĐT741 – Tân Vạn kết nối liên thông các khu công nghiệp với cảng biển Thị Vải, Cái Mép… Đặc biệt, từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đến Bình Phước chỉ mất 1 giờ 30 phút…
Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Duy – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước cho biết: “Nhằm thực hiện theo mục III Chương trình Xúc tiến Du lịch tại Kế hoạch số 88/KH-UBND ngày 15/03/2023 của UBND tỉnh Bình Phước, Trung tâm mong muốn phối hợp tổ chức trại sáng tác tác nghệ thuật (nhiếp ảnh, âm nhạc, văn thơ…) và các cuộc thi, sân chơi về trí tuệ, sắc đẹp, tài năng tại tỉnh Bình Phước.”
“Các hoạt động nói trên hướng đến quảng bá du lịch Bình Phước và “gieo mầm” đam mê văn chương, nghệ thuật, tạo ra một sân chơi hữu ích cho các nghệ sỹ nhằm quảng bá đến du khách trong nước, quốc tế về quê hương, đất và người Bình Phước. Trại sáng tác là cách thức để các những nghệ sỹ nhiếp ảnh, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tuyên truyền về Bình Phước.”, ông Duy tiếp lời.
Ông Trần Quốc Duy bày tỏ thêm rằng bên cạnh quảng bá văn hóa ẩm thực, du lịch có sự tham gia của nhiều làng nghề truyền thống, các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, nói chung và Bình Phước, nói riêng góp phần vào kích cầu du lịch… qua trải nghiệm những điểm đến cho thấy, tiềm năng du lịch các huyện trên địa bàn tỉnh Bình Phước rất lớn. Do đó, cần tiếp tục phối hợp với Viện IMRIC và Viện IRLIE thúc đẩy phát triển sản phẩm, nhất là tập trung giới thiệu văn hóa, lịch sử địa phương. Song song đó, Trung tâm không ngừng kết nối doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành nắm bắt thị hiếu du khách và chung tay xây dựng các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thị trường thời gian tới. Đồng thời, cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch…
Trong bối cảnh du lịch Bình Phước đang ngày càng khởi sắc, cùng với nhiều phương tiện thông tin, tuyên truyền, nghệ thuật nhiếp ảnh đã trở thành chất xúc tác quan trọng giúp quảng bá, mang vẻ đẹp hùng vĩ, hấp dẫn nơi vùng đất đỏ của Tổ quốc đến gần hơn với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Lê Xuân Thăng – Nguyên PCT Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, Cố vấn Viện IRLIE cho rằng: “Nhiếp ảnh dẫn lối và là kỷ vật của lữ khách”. Qua đó, nghệ thuật nhiếp ảnh và du lịch có mối liên kết bền chặt. Thời gian qua, các nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đã cho ra đời nhiều tác phẩm ấn tượng, ngoạn mục thể hiện qua các thủ pháp nghệ thuật, góc chụp, đường nét và khoảnh khắc bấm máy tinh tế.
Hăng say sáng tác, đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam luôn tích cực tham dự các triển lãm, liên hoan ảnh trong nước và các triển lãm chuyên ngành Du lịch. Bên cạnh đó, Viện IMRIC và Viện IRLIE đã tổ chức thành công nhiều cuộc thi, triển lãm, điển hình là cuộc thi ảnh “Người Việt tin dùng hàng Việt” lần I năm 2022 thu hút hàng trăm tác giả đến từ mọi miền Tổ quốc tham gia…
Ngày nay, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nền kinh tế của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới, du lịch Việt Nam có một vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Ông Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện IMRIC cho biết có nhiều phương thức xúc tiến du lịch, trong đó phải kể đến trại sáng tác văn học, nghệ thuật, nhất là nhiếp ảnh đã và đang trở thành một công cụ vô cùng hiệu quả để thu hút, thuyết phục du khách đến điểm du lịch, là yếu tố rất thiết yếu trong việc thúc đẩy phát triển du lịch. Chính vì vậy, công tác xúc tiến du lịch đang trở thành vấn đề nóng bỏng trong việc phát triển du lịch tại thời điểm hiện nay.
Thực tế chứng minh tại các nước phát triển du lịch đã và đang khá thành công nhờ vào hoạt động xúc tiến du lịch góp phần làm cho ngành du lịch phát triển tốt hơn. Việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầutư, thương mại và du lịch của Trung tâm được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnhBình Phước. Phát triển du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh, chất lượng, hiệu quả. Đặc biệt, phát triển du lịch phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc bởi tỉnh Bình Phước có nhiều địa điểm quảng bá văn hóa rất đặc sắc…
Ông Hồ Minh Sơn nhận định bên cạnh các hình thức truyền thông, xúc tiến truyền thống, cần đẩy mạnh marketing điểm đến, định vị thương hiệu điểm đến thông qua trại sáng tác do ba đơn vị sẽ phối hợp tổ chức. Viện IMRIC và Viện IRLIE sẽ tiếp tục đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ địa phương và Trung tâm xây dựng, triển khai các hoạt động quảng bá rộng rãi, thu hút tối đa lượng khách nội địa và quốc tế đến với Bình Phước thông qua trại sáng tác lần này…
Ông Hồ Minh Sơn chia sẻ từ năm 2017 đến nay, trong quá trình công tác ở Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống, ông đã có dịp tham gia một số trại sáng tác ảnh. Theo ông, một bức ảnh tốt có ý nghĩa hơn ngàn chữ viết, tính thuyết phục cao, hiện thực hơn nhiều so với một số loại hình nghệ thuật khác. Thành công của các nghệ sỹ nhiếp ảnh trong nước đã minh chứng cho hiệu quả mà nhiếp ảnh mang lại, góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của nhiều địa phương.
Có thể thấy, để nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua nhiếp ảnh, các cơ quan chuyên môn cần tăng cường liên kết, tổ chức thường niên các cuộc thi nhiếp ảnh quy mô lớn, nâng tầm các trại sáng tác để kể về câu chuyện bằng hình ảnh về quê hương, đất&người Bình Phước đến bạn bè thế giới…
Trắc Long – Trần Danh