(CSPLO) – Chiều ngày 06/12/2023 vừa qua, tại Văn phòng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT), Tiểu ban Giáo dục Mầm non (một trong bảy tiểu ban của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Chương trình Giáo dục mầm non (GDMN) mới để tiếp tục hoàn chỉnh trước khi trình cho Chính phủ và thông qua Quốc hội trong thời gian sắp đến.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL tham dự Hội thảo góp ý Chương trình Giáo dục mầm non mới (tháng 12/2023).
Việc dự thảo Chương trình GDMN mới là phù hợp với những yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay; đặc biệt là trong bối cảnh hệ thống giáo dục quốc dân đã và đang tích cực chuẩn bị báo cáo tổng kết những thành tựu đạt được và hạn chế còn tồn tại sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; đây cũng là thời điểm để Bộ GDĐT thực hiện sơ kết đánh giá 5 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Chương trình GDMN mới là cần thiết vì kể từ khi Chương trình GDMN được ban hành năm 2009 theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT cho đến nay chỉ được điều chỉnh một lần bởi Thông tư số 28/TT-BGDĐT năm 2016 “Về sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Chương trình Giáo dục mầm non ban hành kèm theo thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT” và Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT ngày 24/01/2017 hợp nhất Thông tư ban hành Chương trình Giáo dục Mầm non, nên chưa đáp ứng được những đòi hỏi theo yêu cầu hiện nay. Ngoài ra, trẻ em tham gia thực hiện Chương trình GDMN mới cũng sẽ là đối tượng đầu vào mang tính phù hợp và liên thông ở mức cao nhất của Chương trình GDPT 2018; do vậy việc thực hiện Chương trình GDMN mới là tất yếu nhằm phát huy ở mức tối đa năng lực và phẩm chất của trẻ em ở lứa tuổi nhà trẻ (từ 3 tháng đến dưới 36 tháng tuổi) và mầm non (từ 36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi) được quy định tại Điều 23 đến Điều 27 của Luật Giáo dục 2019 (Luật số 43/2019/QH14).
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ thăm trường mầm non huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu (tháng 11/2023)
Về nội dung, dự thảo Chương trình GDMN mới đã được xây dựng trên nền tảng các nguyên lý giáo dục phù hợp với Công ước Quốc tế về Quyền Trẻ em 1989 (Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 tháng 2 năm 1990), Luật Trẻ em 2016 (Luật số 102/2016/QH13), Luật Giáo dục 2019; và bao gồm 5 nội dung cơ bản bao trùm toàn bộ quá trình giáo dục trẻ em, giúp trẻ phát triển phẩm chất và năng lực phù hợp với sự phát triển thể chất và hình thành các kỹ năng chuyên biệt theo lứa tuổi. Nội dung của dự thảo Chương trình GDMN mới được thiết kế theo hướng tiếp cận từ Những vấn đề chung (phần một), đến Chương trình giáo dục nhà trẻ (phần 2), Chương trình giáo dục mầm non (phần 3), quy định Điều kiện thực hiện chương trình (phần 4) và Hướng dẫn thực hiện chương trình (phần 5).
Các nội dung giáo dục cho trẻ từ 3 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi đều được thực hiện thống nhất theo 6 nhóm lĩnh vực giáo dục bao gồm: Thể chất, Tình cảm – xã hội, Ngôn ngữ, Khám phá khoa học và công nghệ, Toán và Nghệ thuật. Như vậy so với nội dung Chương trình GDMN được ban hành theo Văn bản hợp nhất 01/VBHN-BGDĐT ngày 24/01/2017, bao gồm 5 lĩnh vực giáo dục: Giáo dục phát triển thể chất, Giáo dục phát triển nhận thức, Giáo dục phát triển ngôn ngữ, Giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội, Giáo dục phát triển thẩm mĩ; dự thảo Chương trình GDMN mới đã bố cục lại nội dung giáo dục theo lĩnh vực nhằm hướng đến phát triển phẩm chất và năng lực mang tính liên thông với Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt dự thảo Chương trình GDMN mới đã định hướng cho trẻ em tiếp cận sớm với những nội dung liên quan đến khám phá khoa học và công nghệ, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ thăm trường mầm non khu công nghiệp huyện Củ Chi, Tp Hồ Chí Minh (tháng 10/2023).
Những ưu điểm nổi bật của dự thảo Chương trình GDMN mới bao gồm tính khoa học, tính đổi mới – sáng tạo về nội dung và phương pháp, tính tự chủ trong phương thức tổ chức thực hiện, lấy trẻ em làm trung tâm trong mục tiêu giáo dục, tính phù hợp cao giữa giáo dục với sự phát triển tâm sinh lý trẻ em, sự hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em nhằm tạo điều kiện cho trẻ chủ động phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, trí tuệ và thẩm mĩ. Tuy nhiên, Chương trình GDMN mới cần phải tiếp tục được góp ý, sửa đổi và bổ sung để hoàn thiện hơn. Đặc biệt, khi xem xét các nội dung hoạt động giáo dục đối với lứa tuổi nhà trẻ cho nhóm tuổi từ 3 tháng đến 12 tháng tuổi, cần lưu ý đến việc tổ chức các hoạt động của trẻ bao gồm các hoạt động chính là ngủ, bú mẹ (ăn), chơi – tập, không nên bố cục một cách máy móc theo theo phân bổ thời gian mà cần dựa trên sinh lý phát triển trẻ về thể chất và cảm xúc, dựa trên những kiến thức chuyên sâu về sinh lý giấc ngủ và nhu cầu dinh dưỡng hợp lý của trẻ theo lứa tuổi.
Thật vậy, trẻ em ở lứa tuổi nhỏ hơn một tuổi thì cần tối thiểu 12 – 14 giờ để ngủ và giấc ngủ của trẻ ở độ tuổi này được phân bổ đều trong ngày, do vậy cần phải bảo đảm thời lượng cho trẻ ngủ đủ giấc vì giấc ngủ ở trẻ em giúp phát triển thể chất (tăng chiều cao), tăng cường miễn dịch chống lại bệnh tật (như nhiễm trùng, nhiễm siêu vi), giúp hình thành trí nhớ, củng cố tư duy và điều hòa cảm xúc. Do vậy việc cắt giảm thời gian ngủ của trẻ ở độ tuổi này trong dự thảo Chương trình GDMN mới sẽ là không hợp lý khi so sánh với Chương trình GDMN trước đây. Ngoài ngủ đủ giấc, trẻ em ở độ tuổi này cũng cần phải được bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý và giàu vitamin. Tuy nhiên nếu do thời gian các hoạt động giáo dục của giáo viên hay người chăm sóc trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ vượt quá quy định như hiện nay (trên 8 giờ hay 480 phút/ngày) thì cần phải điều chỉnh theo hướng “trẻ dưới một tuổi cần bú – ngủ ở định mức thời gian tối đa, chơi – tập ở định mức thời gian tối thiểu” theo định mức khung thời gian quy định tính bằng phút trong Chương trình GDMN 2009.
Việc định hình tư duy toán học cho trẻ em dưới 6 tuổi trong dự thảo Chương trình GDMN mới là cần thiết vì toán học được xem như là nền tảng của các ngành khoa học, tuy nhiên việc đưa tên một môn học trở thành một lĩnh vực giáo dục không phù hợp với nội hàm của 5 lĩnh vực còn lại (thể chất, tình cảm – xã hội, ngôn ngữ, khám phá khoa học và công nghệ, nghệ thuật) mà có thể vẫn phải là lĩnh vực tư duy, trong đó khi thiết kế nội dung của lĩnh vực này sẽ lồng ghép các hoạt động mang tính tiền đề cho toán học. Ngoài ra, đối với trẻ em ở độ tuổi từ 3 đến dưới 6 tuổi (36 tháng tuổi đến dưới 72 tháng tuổi), nội dung giáo dục của lĩnh vực ngôn ngữ cần phải lồng ghép vào các yếu tố văn hóa mang tính vừa truyền thống vừa đa dạng của thế giới bên ngoài; đặc biệt trẻ em ở độ tuổi này cần phải bắt đầu được tiếp cận với các hoạt động và kỹ năng liên quan đến ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt như có thể là tiếng Anh, vì ở độ tuổi này khả năng cảm thụ ngôn ngữ của trẻ em là đã được hình thành và chuyên biệt cao nên việc nhận biết ngoại ngữ sẽ rất thuận lợi; đây cũng là giải pháp giúp tăng cường năng lực ngoại ngữ cho người Việt Nam mang tính bền vững và đột phá sau này. Bên cạnh đó, trong dự thảo Chương trình GDMN mới, các hoạt động giáo dục liên quan đến lĩnh vực khám phá khoa học và công nghệ còn chưa đi vào chiều sâu và thực chất nhằm giúp trẻ sớm hình thành khái niệm và tư duy về khoa học và công nghệ nên hiệu quả sẽ không như mong muốn.
Sau cùng, để Chương trình GDMN mới có thể khả thi, cần phải có nguồn lực giáo viên bảo đảm cho việc thực hiện đồng bộ và hiệu quả các nội dung giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục. Thực trạng hiện nay cho thấy nguồn nhân lực giáo viên mầm non vẫn thiếu hụt và chưa đáp ứng hoàn toàn được việc tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ em lứa tuổi nhà trẻ và mẫu giáo tại một số vùng miền còn nhiều khó khăn về phát triển kinh tế – xã hội, vùng đồng bào dân tộc, vùng miền núi. Ngoài các năng lực chuyên ngành và nghiệp vụ chuyên môn, giáo viên mầm non cần phải được đào tạo và bồi dưỡng những kiến thức cơ bản về sự phát triển tâm sinh lý trẻ em ở độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, bồi dưỡng các kỹ thuật liên quan đến kỹ năng chăm sóc trẻ, chế độ dinh dưỡng của trẻ em, trau dồi những tình cảm tốt đẹp về lòng yêu thương, chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Tuy vậy, với đặc thù công việc của giáo viên mầm non đầy áp lực kèm với những yêu cầu cao của môi trường làm việc, những mong muốn không giới hạn của gia đình trẻ và cộng đồng, thế nhưng chế độ lương tiền và phụ cấp hiện nay chưa thỏa đáng vì chưa được sự quan tâm đúng mức về vị trí, vai trò; đội ngũ giáo viên mầm non cần phải được ngành giáo dục và toàn thể hệ thống chính trị quan tâm nhiều hơn nữa về các chế độ phụ cấp, chế độ đãi ngộ, chế độ làm việc, chính sách khen thưởng – tôn vinh và độ tuổi nghỉ hưu phù hợp với đặc thù nghề nghiệp trong tương lai./.
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam; Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL