(CSPLO) – Phát triển nông nghiệp hữu cơ là hướng đi mang lại sự phát triển bền vững dần được các doanh nghiệp, cá nhân trên cả nước quan tâm trong những năm gần đây. Sau nhiều nỗ lực, đến nay đã có các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bước đầu khẳng định được thương hiệu, giá trị.
Mô hình trồng lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt nhiều kết quả khả quan.
Qua đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nhiều địa phương đã chú trọng đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã đạt hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trước và tạo được hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của người dân.
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ “khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn”. Trước đó, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ và năm 2020 có Quyết định số 885/QĐ-TTg phê duyệt. Đồng thời, để phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030. Đây là tiền đề, cơ sở quan trọng để nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam bắt kịp xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Có thể thấy, trong bối cảnh nền nông nghiệp truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường đến biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ được xem là một trong những giải pháp sản xuất bền vững cho nông dân tỉnh nhà. Với những lợi ích mang lại về môi trường, sức khỏe và kinh tế, nông nghiệp hữu cơ vừa giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vừa mở ra cơ hội phát triển mới cho người dân.
Theo ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, mục tiêu của đề án là đến năm 2025 có 100% nông dân tham gia mô hình am hiểu về tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, có khả năng tự sản xuất hữu cơ khi kết thúc đề án. Bên cạnh đó, thực hiện điểm mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ trong nước hoặc quốc tế với khoảng 210 ha, kể cả đất trồng cỏ; trong đó, diện tích đất được chứng nhận hữu cơ đạt 180 ha.
Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2022 – 2025 bắt đầu được thực hiện từ năm 2022 đến cuối năm 2023, đã triển khai đồng bộ 5 hợp phần gồm: Hoạt động triển khai và điều phối đề án; nâng cao năng lực cho các tác nhân tham gia mô hình; hỗ trợ các hoạt động tư vấn để xây dựng mô hình và đánh giá chứng nhận; xây dựng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận và quảng bá và kết nối tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.
Tương tự, một số địa phương như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lâm Đồng, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh…cũng đã và đang không ngừng nhân rộng nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả, góp phần thiết thực trong nhân rộng và lan tỏa sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tạo ra nhiều sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Từ đó, nông nghiệp hữu cơ là phương pháp canh tác không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu tổng hợp và các giống cây biến đổi gen nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Một trong những ưu điểm nổi bật của nông nghiệp hữu cơ là khả năng cải thiện chất lượng đất và nước.
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, canh tác nông nghiệp hữu cơ đang là hướng đi được nhiều nông dân lựa chọn trong vài năm qua. Mô hình canh tác này mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và người sản xuất. Cụ thể, giúp duy trì và bảo toàn độ phì nhiêu của đất, phát triển nông nghiệp bền vững, ít gây ô nhiễm nguồn nước…Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã đầu tư sản xuất các sản phẩm hữu cơ với các chủng loại đa dạng như rau, củ, quả và trứng (gà, vịt) cung cấp cho thị trường thành phố. Để triển khai Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 trên địa bàn thành phố.
Điẻn hình, một số địa phương tại vùng ĐBSCL đã tận dụng đất canh tác chủ yếu là đất phù sa và đất bãi bồi, việc sử dụng phân bón hữu cơ và các phương pháp canh tác bền vững giúp tăng cường độ màu mỡ của đất, làm giảm xói mòn và cải thiện khả năng giữ nước. Điều này, không chỉ bảo vệ tài nguyên đất mà còn giúp giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác, nền nông nghiệp hữu cơ khuyến khích sự phát triển của các loài sinh vật có lợi, thúc đẩy sự cân bằng sinh thái, bảo vệ các loài thực vật và động vật bản địa; giúp duy trì hệ sinh thái nông nghiệp bền vững và ổn định hơn, mang lại lợi ích về môi trường và sức khỏe, tạo ra cơ hội kinh tế mới cho nông dân.
Với những giá trị ưu việt của nông nghiệp hữu cơ mang lại trong bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng đến việc tạo ra cơ hội kinh tế mới và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, việc triển khai hệ thống chứng nhận hữu cơ trở thành yếu tố then chốt trong việc đảm bảo tính chất lượng và độ tin cậy của sản phẩm. Đặc biệt, các tỉnh thành đã áp dụng chứng nhận hữu cơ không chỉ giúp nông dân đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế mà còn mở ra cơ hội trong việc tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Tại Việt Nam, tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ được quy định bởi các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chứng nhận uy tín. Chứng nhận hữu cơ giúp xác nhận các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về phương pháp canh tác bền vững, bảo đảm tính minh bạch và đáng tin cậy trên thị trường. Quy trình chứng nhận hữu cơ tại Việt Nam được quy định chặt chẽ, từ việc đăng ký, kiểm tra, giám sát đến việc cấp giấy chứng nhận nhằm đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất. Những tiêu chuẩn này đảm bảo sản phẩm nông nghiệp đạt yêu cầu về chất lượng và tính hữu cơ, đồng thời bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường…
Cụ thể, tiêu chuẩn Quốc gia về nông nghiệp hữu cơ được quy định trong TCVN 11041:2017 – “Nông nghiệp hữu cơ – Quy trình sản xuất và chế biến sản phẩm nông sản hữu cơ”. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu về canh tác, xử lý, chế biến và ghi nhãn sản phẩm hữu cơ. Bên cạnh Tiêu chuẩn Quốc gia, Việt Nam còn áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về nông nghiệp hữu cơ như tiêu chuẩn của Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Quốc tế (IFOAM) và tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ (USDA Organic). Các tiêu chuẩn quốc tế này thường được yêu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu.
Để khẳng định và đảm bảo chất lượng của các sản phẩm hữu cơ, Hệ thống chứng nhận PGS (Participatory Guarantee System) đã được triển khai, cho phép cộng đồng các nông dân ở các địa phương tham gia vào quá trình chứng nhận, đặc biệt phù hợp với các nông hộ nhỏ lẻ. Hệ thống này tạo ra sự tin cậy cho người tiêu dùng, giúp giảm chi phí và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm hữu cơ…
Song song đó, xây dựng mô hình chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng và hoàn thiện quy trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ cụ thể đối với từng sản phẩm để tập huấn và hướng dẫn quy trình sản xuất; phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng các mô hình nông nghiệp hữu cơ theo liên kết chuỗi giá trị và nhân rộng theo các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản.
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ đã có những thành tựu nhất định. Theo tìm hiểu của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) phối hợp với Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) cho thấy, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hữu cơ cả nước tính đến hết năm 2021 là hơn 119.100 ha, chiếm 0,5% tổng diện tích đất nông nghiệp. Đến nay, cả nước có 7.310 nông dân đang tham gia sản xuất hữu cơ, 60 đơn vị kinh doanh và phân phối, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Việt Nam đứng thứ bảy trong các nước châu Á về diện tích đất nông nghiệp hữu cơ và thứ ba trong các nước ASEAN. Tuy nhiên, kết quả trên còn rất thấp so với tiềm năng phát triển nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nông sản hữu cơ của Việt Nam đạt hơn 335 triệu USD/năm, trong khi giá trị thị trường hữu cơ thế giới năm 2022 là khoảng 183 tỷ USD, dự kiến đạt khoảng 546 tỷ USD vào năm 2032.
Cùng với đó, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp hiện tại còn yếu; chi phí đầu tư để sản xuất nông nghiệp hữu cơ cao hơn nhiều so với nông nghiệp thông thường. Với những lợi ích vượt trội về môi trường, sức khỏe và kinh tế, nông nghiệp hữu cơ đang trở thành hướng đi bền vững cho nông dântrên cả nước. Để hiện thực hóa tiềm năng này cần có sự hỗ trợ từ chính quyền, các tổ chức nghiên cứu và cộng đồng để nâng cao nhận thức và kỹ năng cho nông dân trong việc chuyển đổi sang canh tác hữu cơ. Song song việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, hướng đến tương lai của nền nông nghiệp phát triển bền vững và thịnh vượng…
Mô hình sản xuất rau màu hữu cơ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Tin rằng, sự nâng cao chất lượng và mức sống đã khiến cho nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều. Ngành sản xuất hữu cơ tại Việt Nam đang được nhiều người quan tâm đón nhận. Xu hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ được nhà nước đầu tư đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây và cả định hướng trong tương lai.
Minh Sơn – Văn Hải/Nguồn Viện IMRIC