(CSPLO) – Nữ sinh vùng biên ở Quảng Ninh cố gắng học tập, nuôi khát vọng trở thành một luật sư…
Ngô Thị Minh Thư, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Luật Hà Nội.
Sinh ra ở xã biên giới nghèo, từ nhỏ Ngô Thị Minh Thư đã chứng kiến cảnh nhiều người dân do không hiểu luật pháp nên bị kẻ xấu lôi kéo, lừa đảo, dẫn đến phạm pháp. Bởi vậy, em đã cố gắng học tập, nuôi khát vọng trở thành một luật sư am tường luật pháp để hỗ trợ, tư vấn pháp lý cho người dân quê mình.
10 tuổi phải rời xa vòng tay gia đình
Ngô Thị Minh Thư, sinh viên năm nhất, Trường ĐH Luật Hà Nội sinh ra trong một gia đình khó khăn ở xã biên giới Huỳnh Mô (Bình Liêu, Quảng Ninh). Nhà Thư có ba chị em, bố mẹ làm nông, những ngày nhàn rỗi ai thuê gì làm nấy để có thêm tiền trang trải cuộc sống, lo cho ba chị em Thư ăn học.
Là chị cả trong gia đình, một buổi đi học, buổi còn lại Thư phụ giúp bố mẹ trông em. Tuy nhiên, dù thời khóa biểu có bất kỳ môn học nào Thư cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất để làm gương cho các em noi theo. Lên 10 tuổi, gia đình khó khăn, Thư được bố mẹ định hướng đi học trường dân tộc nội trú ở huyện nhằm giảm bớt gánh nặng tiền ăn học cho gia đình, giúp em có một tương lai tươi sáng hơn.
Thư tâm sự: “Ngay khi nhiều bạn cùng trang lứa được sống trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của bố mẹthì em đã phải sống xa gia đình. Mỗi năm, số lần em về nhà chưa đếm hết một bàn tay. Ngày mới lên trường, em rất nhớ nhà chỉ muốn bỏ trường lớp, thầy cô về với bố mẹ. Nhưng nghĩ đến gia cảnh mình nghèo, bố mẹ ngày ngày chạy ăn từng bữa lo chuyện học hành cho cả ba chị em quá vất vả, giờ mình có điều kiện được hỗ trợ, em gạt nước mắt cố gắng ở lại cùng bạn bè học tập”.
Theo thời gian, Thư quen với môi trường học nội trú, em đã nỗ lực, phấn đấu vươn lên. Tốt nghiệp THCS, Ngô Thị Minh Thư đậu vào hệ phổ thông dân tộc nội trú, Trường Hữu nghị 80.
Tại môi trường mới, Thư quen thân được với nhiều bạn bè đến từ các địa phương khác nhau, tất cả cùng chung mục tiêu học tập xây dựng ước mơ cho bản thân để thoát nghèo. Những năm học THPT ngoài việc học còn Thư tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa, các phong trào do Đoàn trường tổ chức để rèn luyện thêm các kỹ năng mềm, học hỏi khả năng giao tiếp. Đặc biệt với tính cách tự lập từ khi còn nhỏ, Thư luôn cốgắng truyền những năng lương tích cực đến bạn bè của mình, cùng nhau phấn đấu đạt kết quả tốt trong học tập và rèn luyện.
Nhờ nỗ lực cố gắng không ngừng, Thư luôn lọt vào tốp những học sinh có thành tích xuất sắc của lớp, ba năm liền có tên trong đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lí của trường. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tổhợp C00 Thư đạt 28 điểm trong đó môn Ngữ văn 9,5 điểm, môn Lịch sử 9,25; môn Địa lí 9,25 điểm.
Ngô Thị Minh Thư (bên phải), cùng các bạn học của mình tại Trường Hữu nghị 80. Ảnh: NVCC
Học Luật giỏi để làm cán bộ tư pháp tốt
Minh Thư là người Tày nên em hiểu rất rõ những khó khăn của người dân quê mình gặp phải khi không hiểu biết pháp luật. Nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin dễ bị kẻ xấu lừa bán qua biên giới, đánh mất cả cuộc đời hay người dân vi phạm pháp luật mà không biết, đến tận lúc bị bắt, phải trả giá đắt mới nhận ra… Bởi vậy khi còn ngồi trên ghế trường phổ thông, Thư đã mơ ước mình sau này trở thành một luật sư để đem những hiểu biết về pháp luật đến với người dân trong làng xã, tuyên truyền cho họ rõ quyền, nghĩa vụ của công dân cũng như cách bảo vệ bản thân khỏi những cám dỗ, tệ nạn trong xã hội.
Thư đặt ra mục tiêu là phải cố gắng thi đậu vào Trường ĐH Luật Hà Nội. Bởi vậy, ngay khi thi đậu vào Trường Hữu nghị 80, nữ sinh này đã nỗ lực học tập, giành kết quả cao. Ngày một buổi học trên lớp, một buổi Thư lên thư viện làm bài, ôn lại kiến thức khó, tối đến học các môn trong tổ hợp dự định xét tuyển đại học. Thư trải lòng: “Nhiều năm trở lại đây, tổ hợp C00 của Trường ĐH Luật Hà Nội luôn lấy điểm số cao. Thế nên trong quá trình ôn thi, em bị áp lực tâm lý rất lớn, đặc biệt là khoảng thời gian lớp 12”.
Theo đó để tránh bị hổng kiến thức, Thư đã tận dụng tối đa thời gian thầy cô giảng bài trên lớp, mạnh dạn hỏi những phần chưa hiểu. Đồng thời Thư luôn làm đầy đủ bài tập, sắp xếp lịch học cho các môn học phù hợp và cố tuân thủ đúng lịch học để biết rõ bản thân đang yếu phần nào, cần cố gắng rèn luyện ra sao để cải thiện điểm số.
Ngày nhận giấy báo đỗ vào Trường ĐH Luật Hà Nội, Thư đã không kìm được vui mừng, những giọt nước mặt hạnh phúc tuôn rơi bởi những nỗ lực, cố gắng suốt 7 năm xa gia đình, sống tự lập đã bước đầu có hoa thơm, quả ngọt. Tuy nhiên niềm vui chưa dứt, nỗi lo về chi phí học tập những năm đại học lại xuất hiện dày vò tâm trí cô học trò nghèo. Để khắc phục khó khăn về tài chính, sau khi nhập học, Thư đã xin đi làm gia sư để tự lo tiền trang trải sinh hoạt, giúp bố mẹ giảm bớt gánh nặng phải chu cấp nhiều khoản tiền hàng tháng phải gửi cho em ăn học ở Hà Nội.
“Mặc dù vậy, em luôn dành tối đa quỹ thời gian mình có trong ngày cho việc học tập nhằm giành điểm cao để giữ được học bổng. Em đặt ra mục tiêu sau bốn năm đại học sẽ giành được tấm bằng xuất sắc để có một công việc ổn định phụ giúp bố mẹ nuôi hai em ăn học thành người”, Thư chia sẻ.
Nhắc đến Ngô Thị Minh Thư, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hòa – Trường Hữu nghị 80 tự hào chia sẻ: “Minh Thưlà nữ sinh xinh đẹp, chăm chỉ, năng động, nhanh nhẹn, quá trình học em có mục tiêu, kế hoạch rõ ràng. Trong các hoạt động tập thể, ngoại khóa em rất năng nổ, nhiệt tình và luôn giúp đỡ bạn bè. Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, với tổ hợp C00 Thư là người cao điểm thứ hai của Trường Hữu nghị 80. Học sinh trường tôi chủ yếu là người dân tộc thiểu số, phải sống xa gia đình, tôi luôn động viên các em nỗ lực học tập, phấn đấu để có kiến thức sau này ra ngoài xã hội bản thân sẽ tự tin hơn”.
Ngô Thị Minh Thư là một trong 142 học sinh, sinh viên, thanh niên người dân tộc thiểu số được vinh danh năm 2023 trong chương trình do Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức.
Văn Đức
https://giaoducthoidai.vn/nghi-luc-vuon-len-cua-nu-sinh-truong-luat-post668776.html