(CSPLO) – Thực hiện Quyết định số 1979/QĐ-UBND ngày 19/10/2020 của UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh năm 2021 và 03 chương trình khoa học công nghệ giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, ngày 23/11/2022 vừa qua, Hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp cơ sở đã chính thức ra mắt. Chủ nhiệm nhiệm vụ: ThS. Lê Khánh Linh – Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau (Đơn vị đồng hành Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế – IMRIC, Bộ Khoa học và Công nghệ).
Tham dự có Chủ tịch Hội đồng ThS. Từ Hoàng Ân – Phó giám đốc Sở Lao động Thương bình và Xã hội. Uỷ viên Phản biện 1 :Ts. Nguyễn Hữu Tâm – Phó Trưởng Khoa Kinh tế – Nông nghiệp (Trường Kinh tế – Đại học Cần Thơ); Uỷ viên Phản biện 2: Ts. Đoàn Phú Hưng – Trưởng Khoa Xây Dựng Đảng (Trường Chính trị tỉnh Cà Mau); Các ủy viên Hội đồng gồm: ThS. Dương Minh Vĩnh – Phó Trưởng Phòng Quản lý Văn hoá và Gia đình (Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau); ThS. Dương Vũ Nam – Phó giám đốc Sở Công thương; ThS. Mai Xuân Hương – Phó trưởng Phòng QLKH (Sở Khoa học và Công nghệ); ThS. Tiêu Việt Tiên – Phó Chủ tịch Hội LH Phụ nữ tỉnh Cà Mau.
Có thể khẳng định, đề tài phản ánh được thực trạng và hiệu quả sản xuất của các mô hình phi nông nghiệp tại tỉnh Cà Mau; các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập và nhu cầu tham gia hoạt động sản xuất phi nông nghiệp theo chuỗi liên kết của phụ nữ ở tỉnh Cà Mau; giải pháp phát triển một số mô hình phi nông nghiệp theo chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021, mặc dù phải gánh chịu thời tiết bất thường, thiên tai, dịch bệnh (dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, dịch Covid-19…), nhưng nhờ đẩy mạnh áp dụng khoa học – kỹ thuật, tái cơ cấu sản xuất, ngăn ngừa kiểm soát dịch bệnh, nên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phát triển ngành, vừa phòng, chống hiệu quả dịch bệnh.
Theo đó, cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sản xuất nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền. Rà soát, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất quy hoạch cho sản xuất các mặt hàng nông sản chiến lược, mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Phát triển sản xuất các loại nông sản hàng hóa xuất khẩu có lợi thế, nông sản thay thế nhập khẩu với quy mô hợp lý. Nghiên cứu, phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi công nghiệp và bán công nghiệp; phát triển thức ăn chăn nuôi với quy mô lớn để phục vụ nhu cầu chăn nuôi trong nước; Tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi và các cơ sở chế biến.
Đồng thời, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và phát triển thị trường. Tái cơ cấu thị trường nội địa, phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ; chú trọng hơn nữa vào phát triển thị trường vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng khuyến khích phát triển doanh nghiệp xã hội, bảo đảm lợi ích người sản xuất trực tiếp. Đối với thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh; Điều tra, khảo sát, nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy, hải sản để nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng, cơ cấu sản phẩm, giá cả, tập quán buôn bán của các thị trường; Xây dựng đội ngũ chuyên gia có năng lực về phân tích, nghiên cứu, dự báo thị trường để tham mưu, đề xuất chính sách có hiệu quả; Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong việc cung cấp thông tin, chiến lược phát triển sản xuất, liên kết trong kinh doanh, đàm phán ký kết hợp đồng.
Mặt khác, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản; Ứng dụng công nghệ sinh học và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao; Nâng cao khả năng phòng ngừa và khắc phục dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua các doanh nghiệp xây dựng mô hình ứng dụng khoa học, công nghệ gắn với tập huấn kỹ thuật cho bà con nông dân, góp phần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người nông dân; Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và hợp tác xã đầu tư phát triển công nghiệp bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; Duy trì thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh.
Ngoài ra, thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết. Tiếp tục tiến hành tổng kết, đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn; Hình thành các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện đại và chuyên nghiệp, phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, liên kết dọc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, liên kết nông nghiệp với công nghiệp và kinh tế đô thị.
Cùng với đó, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội nông thôn. Mở rộng diện tích tưới tiêu cho rau màu, cây công nghiệp, cấp thoát nước để chủ động cho diện tích nuôi trồng thủy sản, làm muối; bảo đảm giao thông thông suốt 4 mùa tới hầu hết các xã, đáp ứng cơ bản có đường ô-tô tới các thôn, bản; Xây dựng cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền và hạ tầng nghề cá; Cấp điện sinh hoạt cho hầu hết dân cư, các cơ sở công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; Bảo đảm cơ bản điều kiện học tập, chữa bệnh, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao ở hầu hết các vùng nông thôn, tiến gần tới mức các đô thị trung bình; Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, nhất là hoàn chỉnh hệ thống đê sông, đê biển và rừng phòng hộ ven biển, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, cụm dân cư, đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão, lũ, ngăn mặn và chống nước biển dâng; Bảo đảm điều kiện sản xuất và sống an toàn cho nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và các vùng thường xuyên bị thiên tai; Chủ động triển khai các biện pháp thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Đối với chính sách huy động vốn và hỗ trợ tài chính thích hợp. Đa dạng hóa các nguồn vốn và đơn giản hóa, tối ưu hóa thủ tục tiếp cận vốn; Đầu tư phát triển mạnh hơn kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn; tiếp tục đầu tư phát triển giao thông nông thôn; Đầu tư để bảo đảm cung cấp đủ điện sinh hoạt và nước sạch cho cư dân nông thôn; Có chính sách cho doanh nghiệp tham gia mô hình liên kết doanh nghiệp – nông dân được vay vốn trung, dài hạn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện mô hình liên kết.
Đặc biệt, chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong phụ nữ nông thôn Cà Mau. Xây dựng, hoàn thiện chế độ, chính sách thu hút các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ cao vào làm việc trong ngành Nông nghiệp, đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, trình độ đến công tác ở nông thôn; Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là những cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ này ở cơ sở.
Ý kiến của các thành viên trong Hội đồng chủ yếu xoay quanh giải pháp gì để phát triển mô hình phi nông nghiệp của tỉnh theo chuỗi liên kết; giải pháp cần bám vào thực trạng, kết quả đã nghiên cứu; Giải pháp thể hiện được vị trí, vai trò, trách nhiệm của các tác nhân trong chuỗi liên kết (nông dân, doanh nghiệp, nhà nước, nhà khoa học,…).
Kết thúc cuộc họp Hội đồng nghiệm thu cơ sở, ThS. Từ Hoàng Ân cho hay Hội đồng nghiệm thu đề tài cấp cơ sở đánh giá đề tài đạt 7/7 thành viên trong Hội đồng. Nhóm nghiên cứu cần chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu cơ sở; Nhóm nghiên cứu cần chú ý chỉnh sửa bỏ sung phần gaiỉ pháp sát với thực tiễn và phù hợp hơn như các thành viên góp ý.Kiến nghị cụ thể đối với từng cơ quan, ban ngành cần làm gì để phát triển các mô hình đó như Sở NN&PTNT, Sở Công Thương.
Dịp này, bà Trần Thị Kiều Yến – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau mong muốn các đại biểu nghiên cứu, thảo luận giải pháp để mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn mà các nghề phi nông nghiệp có điều kiện phát triển, đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường sử dụng các sản phẩm phi nông nghiệp…
Theo Minh Sơn/HNTTO