(CSPLO) – Ngạn ngữ Ả Rập có câu: “Bốn điều không bao giờ quay lại, đó là lời đã nói, mũi tên đã lao đi, cuộc đời đã sống và cơ hội đã bỏ qua”. Các nhà tâm lý học thì thấy mối quan hệ nhân quả của cuộc sống mỗi người, trong đó lời nói là một khâu quan trọng: Hãy cẩn trọng với suy nghĩ của bạn vì suy nghĩ sẽ sinh ra lời nói; Hãy cẩn trọng với lời nói vì lời nói sẽ sinh ra hành vi; Hãy cẩn trọng với hành vi vì hành vi sẽ sinh ra thói quen; Hãy cẩn trọng với thói quen vì thói quen sẽ tạo ra tính cách; Hãy cẩn trọng với tính cách vì tính cách sẽ tạo nên số phận.
Ảnh minh hoạ
Có thể thấy, trong bối cảnh xã hội đương đại rất phức tạp khiến con người có nhiều cách thể hiện ở những không gian và môi trường khác nhau. Hầu hết, bất cứ một ai đó dung mạng xã hội đều xem qua người nổi danh là “anh hùng bàn phím” trên cõi mạng, đôi khi rất rụt rè, nhút nhát ở cuộc sống đời thường. Môi trường ảo khiến nhiều người thể hiện cái tôi-cá nhân nhiều hơn mà ít chú ý đến cái tôi-xã hội. Như vậy, khi cái tôi-cá nhân lấn át cái tôi-xã hội, người ta sẽ ít chú ý đến áp lực của dư luận khi thể hiện quan điểm, và từ đó thiếu sự kiềm chế, đặc biệt trong việc sử dụng ngôn từ. Họ cho rằng, phát ngôn trên mạng không gây hại cho ai vì chẳng ai biết mình là ai (?); hoặc mạng là nơi để xả ra những căng thẳng, mệt mỏi, ức chế như một hình thức tâm sự giấu mặt…Có rất nhiều lý do để hình thành nên những phát ngôn bất cẩn, trong một bối cảnh nào đó có thể được gợi lại, khiến ai đó phải ân hận vì những lời mình đã từng nói ra.
Điển hình, ngày 16/11 mới đây, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội), đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 chị em Hoàng Phương Anh và Hoàng Mai Anh (cùng sinh năm 1994, ở Hà Nội) về hành vi làm nhục người khác. Qua điều tra công an xác định, Phương Anh và chị M. (ở Hà Nội) có quan hệ họ hàng nên thường xuyên tâm sự với nhau về cuộc sống và đời tư. Tuy nhiên, sau đó, giữa hai bên gia đình chị M. và Phương Anh xuất hiện mâu thuẫn, dẫn đến việc thường xuyên cãi vã, tranh luận gay gắt nên Phương Anh đã có hành động chê bai, đánh giá đời tư của chị M…
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã giải trình một số ý kiến của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn liên quan đến phát ngôn sai sự thật trên mạng xã hội tác động tiêu cực đến xã hội mới đây, Bộ trưởng nêu rõ: “Hậu quả của tin giả, sai sự thật là khôn lường, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng, hiện nay đang trở thành mối đe dọa lớn đến tình hình kinh tế xã hội, thậm chí đe dọa đến chủ quyền quốc gia và an ninh toàn cầu”. Hiện nay, trách nhiệm pháp lý theo quy định hiện hành, đối tượng đưa tin giả, tin sai sự thật có thể bị xử lý hành chính và hình sự. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lương Tam Quang, xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, với khung từ 5-10 triệu đồng và thực tế vừa qua cơ quan thường xử phạt ở khung 7,5 triệu đồng. Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho rằng, còn thiếu quy định mang tính định lượng cụ thể để xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi đưa tin giả, sai sự thật trên không gian mạng. Như xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác đến mức độ nào là nghiêm trọng, trong khi chỉ cần thực hiện hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người khác đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Tương tự, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn trước Quốc hội trong tuần qua cũng cho rằng xử phạt thông tin sai sự thật, bóc phốt, nói xấu mức 5-10 triệu đồng đối với Việt Nam là cao nhưng thực ra so với các nước là thấp. Bộ trưởng, nhấn mạnh: “Bình thường hay lấy ở giữa phạt 7,5 triệu đồng. Sắp tới đề nghị tăng mức phạt này lên. Các quốc gia họ phạt rất nặng, đến hàng triệu USD”.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng. Đây là Nghị định áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet, thông tin trên mạng. Trong đó, có nhiều quy định mới, có việc quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới, xác thực tài khoản người dùng Internet, giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm phápluật trên mạng. Đồng thời, chỉ rõ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội. Do đó, khi ra đời, Nghị định đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của cộng đồng Internet Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, trước đây không gian mạng cơ bản là vô danh. Mọi người nhận thức là vô danh thì có thể vô trách nhiệm. Nghị định khiến người dùng mạng xã hội khi phát ngôn buộc phải định danh thông qua số điện thoại hoặc thông qua căn cước công dân, trách nhiệm của mọi người trên không gian mạng chắc sẽ tốt hơn rất nhiều. “Bảo vệ không gian của tổ chức, quốc gia trên không gian mạng là trách nhiệm của mỗi cá nhân, trách nhiệm của nhà nhà, của toàn bộ hệ thống chính trị”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm.
Qua nghiên cứu về Nghị định 147, TS. Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) cho hay sẽ có tác động lớn tới việc nâng cao nhận thức cá nhân của người dùng Internet, giảm thiểu thông tin sai lệch và đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng và trật tự xã hội. Từ đó, khi tài khoản được gắn với thông tin xác thực, người dùng sẽ cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ và bình luận, vì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì họ công bố trên mạng.
TS. Hồ Minh Sơn phân tích thêm quy định mới khiến mạng xã hội không còn ẩn danh, buộc người dùng Internet phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và cộng đồng về những gì công bố trên mạng.Phát ngôn bất cẩn trên mạng xã hội đặc biệt nghiêm trọng đối với những người của công chúng, bởi họ luôn bị soi xét từng cử chỉ, hành vi cho đến lời ăn tiếng nói. Những thông tin đó thường được lan truyền nhanh và dễ trở thành chủ đề gây tranh cãi, đôi khi biến cuộc sống của một người nổi tiếng trở nên vô cùng mệt mỏi, thậm chí rơi vào bi kịch. Môi trường mạng xã hội giờ đây không còn là ẩn danh và ảo nữa, vì vậy, chúng ta có thể trở thành nô lệ của những lời đã nói. Cần phải luôn luôn tuân thủ nguyên tắc căn bản nhất của lời nói “cẩn trọng”. Cách chúng ta cẩn trọng trong lời nói cũng chính là tôn trọng chính bản thân mình. Đó là một trong những bài học lớn của cuộc sống!
Bên cạnh đó, khi người dùng bị người đọc, người xem dẫn dắt, che mắt theo chủ đích cá nhân của một đối tượng không hề quen biết. Và hậu quả là, nhiều sự việc, câu chuyện, tin tức không rõ thực hư, đã mặc nhiên được cho là sự thật bởi độ phủ trên không gian mạng. Khi người dùng chỉ ngón tay phán xét ai đó thì thường nhận lại tới 3-4 ngón tay chỉ ngược về mình. Vif vậy, mỗi người cần thận trọng trước mỗi cú click chuột. Bởi đằng sau mỗi dòng bình luận, luôn là số phận của một ai đó và một ngày nào đó sẽ là chính bạn và người thân. Mạng ảo nhưng hậu quả thì thật. Pháp luật ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của công dân, nhưng phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, và quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, TS. Hồ Minh Sơn phân tích thêm.
Vì dụ, vào năm 2001, John Suler, một giáo sư tâm lý học tại Đại học Rider đã để ý cách mọi người cư xử trên không gian mạng, khi nó mới còn là một vùng đất sơ khai của email, Yahoo chat và các diễn đàn trực tuyến. Ông nhận thấy việc giao tiếp trên mạng có 6 đặc điểm khác với khi mọi người giao tiếp trực tuyến, bao gồm: Tính ẩn danh phân ly (Dissociative anonymity)
Khái niệm này nói rằng môi trường trực tuyến cho phép mọi người giao tiếp với một danh tính được tiết lộ hạn chế, hoặc thậm chí hoàn toàn bí mật. “Khi mọi người ở trên internet, không dễ gì để một người khác bắt gặp và xác định ngay được danh tính của họ“, Suler viết. “Nếu muốn, người ta có thể giấu kín một phần hoặc toàn bộ danh tính của mình. Họ cũng có thể tự thay đổi cho mình một danh tính khác”.
Do đó, bạn có thể nghĩ rằng mình nhìn thấy ai đó trên mạng xã hội, biết tên của họ, ảnh của họ, thậm chí địa chỉ IP của họ, nhưng tất cả những dữ liệu này đều có thể là giả. Suler gọi điều này là tính ẩn danh phân ly, nghĩa là con người trên mạng tách biệt với con người thật. Điều này cho phép một người sử dụng danh tính khác để thực hiện các hành vi mà họ sẽ không bao giờ làm ngoài đời thực, từ việc mạnh mẽ thể hiện bản thân, quan điểm chính trị cho tới sử dụng lời lẽ gây hấn, thô tục, kích thích bạo lực.
Điều thú vị là ngay cả khi mọi người tiết lộ danh tính thật của mình trên mạng và mọi người đều biết đến họ, Suler nói vẫn có một hiệu ứng phân ly danh tính trong đó danh tính trực tuyến của người sử dụng internet tách biệt với danh tính thật của họ. Ông gọi đây là “cái tôi trực tuyến”, “một cái tôi bị chia ngăn“. Điều đó có nghĩa là trong trường hợp một người làm gì đó trên môi trường trực tuyến và để lại hậu quả, họ hoàn toàn có thể chối bỏ trách nhiệm, không chỉ với người khác mà trong chính thâm tâm suy nghĩ của họ. Suler viết “Mọi người thậm chí có thể tự thuyết phục bản thân rằng những hành vi trực tuyến đó “hoàn toàn không phải của tôi“.
Yếu tố khác đóng góp vào thái độ khác biệt của mọi người trên mạng xã hội là việc họ không bị nhìn thấy hoặc có cảm giác mình không bị nhìn thấy. “Trên nhiều môi trường trực tuyến, đặc biệt là những môi trường dựa trên văn bản, mọi người không thể nhìn thấy nhau. Khi bạn truy cập các trang web, bảng tin thậm chí một số phòng trò chuyện, những người khác thậm chí không thể biết bạn đang có mặt”, Suler viết. “Khả năng tàng hình này mang lại cho mọi người sự can đảm để đi đến những nơi và làm những việc bình thường họ sẽ không làm ngoài đời thực”.
Phân tích thêm, việc ẩn danh là sự hiện diện vô danh tính, trong khi tàng hình nghĩa là một người có danh tính thật trên mạng, nhưng họ có thể nói chuyện, hành xử như không ai nhìn thấy mình bởi chính họ cũng không nhìn thấy người khác. Điều này, sẽ cho họ sự tự tin khi không phải nhận một cái cau mày, một cái lắc đầu hay việc nghe thấy tiếng thở dài của người đối diện. Theo Suler, những ngôn ngữ cơ thể, đặc biệt là ánh mắt của mọi người trong môi trường thực tế đang ngăn cản nhiều người nói ra suy nghĩ của mình. Bây giờ, với việc ngồi phía sau một màn hình, trên mạng xã hội, những người này có thể thoải mái thể hiện bản thân họ. “Khả năng trở nên vô hình về mặt vật lý sẽ khuếch đại những gì đang ức chế một người“, Suler viết. Và họ có thể tuôn tất cả những ức chế đó ra trên mạng xã hội…
TS. Hồ Minh Sơn, nhấn mạnh: “Yêu cầu xác thực sẽ giúp hạn chế các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo. Đây thường là nguồn gốc của thông tin sai lệch, tin giả và các nội dung xấu độc. Người dùng phải ý thức rõ hơn về hậu quả của việc chia sẻ các thông tin thiếu chính xác, từ đó góp phần tạo nên không gian mạng lành mạnh hơn”. Nghị định mới có thể xem như một công cụ mới điều chỉnh hành vi, còn quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của người dùng mạng xã hội.
TS. Hồ Minh Sơn nếu chín yếu tố, để người dùng mạng xã hội tham khảo, cụ thể:
Người dùng mạng xã hội, cần phải có tư duy phản biện, thẩm định, đánh giá, phân tích, đối chiếu, so sánh…khi tiếp nhận thông tin. Không phải thông tin nào được lan truyền, được nhiều người đọc và chia sẻ cũng là thông tin chính xác, đúng đắn. Do vậy, cần thiết phải tìm cách khẳng định tính xác thực của thông tin chứ không dễ dàng tin theo và làm lan tỏa thông tin đó khi chưa biết rõ mức độ tin cậy của thông tin. Tuyệt đối không nên xác tín theo cách “thông tin do mạng A nói”, “do ông X trên mạng B nói”…mà phải căn cứ trên những nguồn thông tin chính thức, chính thống. Nói cách khác, hơn người khác, cán bộ, đảng viên phải có “bộ lọc” khi tiếp cận thông tin chứ không phải tiếp thu một cách tùy tiện, thiếu trách nhiệm.
Người dụng mạng xã hội, khi sử dụng tài khoản mạng xã hội hoặc trang mạng internet cá nhân của mình để chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho người khác, cho xã hội và đất nước. Mỗi người có thể đăng trên các trang diễn đàn (trên các nền tảng mạng internet hoặc mạng xã hội), trang cộng đồng (fanpage), nhóm (group)…những thông tin mà mình có căn cứ xác thực cho là đúng đắn, chính xác để có độ lan tỏa nhanh hơn, rộng hơn.
Người dùng mạng xã hội, trước khi đăng tải các bình luận, ý kiến nhận xét có văn hóa, có trách nhiệm và có tính xây dựng về những vấn đề mà bản thân cho rằng nên có ý kiến hoặc đang được dư luận xã hội quan tâm. Nhất là với các vụ việc đang “nóng”, cần tránh tạo tâm lý kích động hoặc dẫn dắt dư luận một cách sai lệch; khi cần có ý kiến thì phải hợp lý, thể hiện bằng văn phong đúng mực, tránh để bị quy chụp, xuyên tạc về thái độ, tư cách của chính mình.
Người dùng mạng xã hội, nên tuyên truyền, động viên để nhiều người khác, nhất là với người thân, những người xung quanh mình, hiểu rõ và thực hiện các quy chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm khi sử dụng mạng internet và mạng xã hội. Cần gợi ý những người dung mạng xã hội khác có những cách thức sử dụng đúng pháp luật, văn minh, tiến bộ, hợp lý bằng các hình thức dễ hiểu, dễ thực hiện.
Người dùng mạng xã hội, trên trang mạng internet và mạng xã hội của mình, nên tích cực lan toả, động viên mọi người chấp hành tốt các quy định của pháp luật, các chủ trương, chính sách, các cuộc vận động, nhất là các nội dung có tính thời sự, đang cần sự tham gia của đông đảo người dân, các vấn đề đang có ý kiến khác nhau…Ví dụ, nhắc nhở mọi người không xả rác bừa bãi giúp giữ gìn mỹ quan đô thị và giảm ngập nước…,hoặc lưu ý người khác không tin theo các ý kiến của những người theo phong trào “anti-vaccine” (tẩy chay vaccine), vốn có thể gây nhiều hệ lụy phức tạp…
Người dùng mạng xã hội, cần tích cực giới thiệu, quảng bá các hình ảnh, thông tin tốt, có ích về địa phương, cơ quan, đơn vị, về TPHCM và đất nước…; làm lan tỏa những gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến, các câu chuyện có giá trị nhân văn… trên trang cá nhân hoặc các trang cộng đồng. Thay vì chia sẻ các thông tin vô thưởng vô phạt, để có thể góp phần lan tỏa những thông tin tốt, hình ảnh đẹp, câu chuyện hay…, không chỉ giúp người khác thưởng lãm mà còn có thể tác động đến suy nghĩ, tình cảm, hành động, từ đó có thêm những hành động tích cực khác.
Người dùng mạng xã hội, cần chủ động phản ánh với các cơ quan có chức năng khi phát hiện, ngoài ratích cực đấu tranh phản bác những trang, những thông tin sai trái, xuyên tạc, tiêu cực… Hình thức dễ thực hiện và có ý nghĩa thiết thực là nên trao đổi, chia sẻ về các thông tin sai trái, xấu độc trong các cuộc sinh hoạt của cơ quan, đơn vị. Việc phản ánh đó có thể giúp đồng nghiệp có được thông tin cần thiết để từ đó cảnh giác hơn và có biện pháp ứng phó chủ động hơn, mặt khác có thể tạo điều kiện cho những người dung mạng xã hội khác am hiểu vấn đề giải đáp, định hướng nhằm giúp bản thân và người khác hiểu rõ vấn đề hơn. Cùng với đó, việc báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền là giải pháp cần thiết để có biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, phản bác hoặc các hình thức xử lý khác phù hợp.
Người dùng mạng xã hội, nên gương mẫu, chuẩn mực khi phát ngôn, đăng tải hình ảnh, chia sẻ thông tin… trên mạng internet và mạng xã hội; không đưa những thông tin, hình ảnh, tư liệu nội bộ của các cơ quan, đơn vị; không đưa thông tin một cách lập lờ để dẫn dắt dư luận nhằm mục đích công kích cá nhân hoặc tổ chức với dụng ý không tốt. Bản thân mỗi người dùng mạng xã hội phải tự nâng cao ý thức rằng mỗi thông tin, mỗi status mình đưa lên “có ích gì cho ai không”, chứ không phải như người khác quan tâm nhiều hơn đến câu hỏi “có hại gì cho ai không”. Bởi trong nhiều trường hợp, những gì được đưa lên mạng internet và mạng xã hội không còn là vấn đề cá nhân mà trở thành hình ảnh, uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức…
Người dùng mạng xã hội, nên sử dụng mạng internet và mạng xã hội để theo dõi, hoặc kịp thời góp ý, nhắc nhở về các biểu hiện chưa lành mạnh; đồng thời tích cực lắng nghe các ý kiến phản hồi về bản thân, về cơ quan, đơn vị, về cán bộ, nhân viên của mình…để có biện pháp ứng xử phù hợp. Mỗi người sử dụng mạng xã hội nên tự đặt cho mình sự khắt khe, gương mẫu hơn. Đây không phải là việc nên làm mà là việc phải làm, là trách nhiệm và nghĩa vụ của mình biết còn tránh để lây lan, gây tác động xấu để hình ảnh của mình, bạn bè…
Cũng theo TS. Hồ Minh Sơn khuyến nghị việc sử dụng mạng internet và mạng xã hội nên trang bị cho mình những kiến thức nhất định về pháp luật nói chung và pháp luật về không gian mạng nói riêng…Song song đó, không được xem việc sử dụng không gian mạng chỉ là một hoạt động giản đơn, vô hại. Theo đó, sử dụng mạng internet và mạng xã hội có trách nhiệm, văn minh, tiến bộ, có ý nghĩa thiết thực.
Dẫu biết rằng, việc thực hiện định danh tài khoản mạng xã hội là một hành trình đầy trở ngại, rất nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, việc định danh tài khoản mạng xã hội sớm được thực thi được xem là mấu chốt tạo ra môi trường mạng văn minh, một trong những yếu tố quan trọng tạo đà cho sự phát triển của đất nước.
(Bài xuất bản số T12, đặc san khoa học Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập)
Văn Hải – Tuấn Tú