(CSPLO) – Trò truyện hơn 2 tiếng đồng hồ với anh, bật ra được nhiều vấn đề nan giải của làng phim mà hầu như ai cũng biết nhưng không phải ai cũng giải quyết được. Với thâm niên hơn 20 năm trong nghề, anh quá rành những câu chuyện hậu trường mà theo lời anh: Nói nhiều người ta ghét thì cũng khổ, nhưng tôi muốn phim mình tiến bộ hơn, anh chị em làm phim đỡ khổ hơn và nhà sản xuất an tâm hơn mà đầu tư làm phim…
Cao thủ ẩn mình
Ở trang face của Trần Trọng Hiếu luôn có những lời “cảnh tỉnh” cho người làm nghề, khi thì nói lên sự thua thiệt của những anh em hậu trường, lúc thì sự nghiệp dư không đáng có trên trường quay, có lúc anh ngạo đời bởi những cảnh phim không giống tí gì ngoài đời, trong khi đó theo anh đời y như là phim.
Ở anh thoạt nhìn cứ như ông già “lẩm cẩm”, bởi nước da đen mặn mòi cộng với hàng râu ria mép được tỉa nắn nót và khi anh cười nó hề hơn cả những danh hài đang diễn.
Trò chuyện hồi lâu mới thấy kiến thức trong nghề của anh nó uyên thâm sâu sắc kiểu rất đời thường. Anh thẳng tính, bộc trực luôn tỏ rỏ quan điểm làm nghề, khó chịu với những chướng tai gay mắt và sẵn sàng đồng điệu với những người đồng quan điểm. Trọng Hiếu là thế, luôn chịu trách nhiệm với những gì mình đảm nhiệm, luôn biết cách hoàn thành nhiệm vụ dù hoàn cảnh khó khăn đến cỡ nào, cứ xem như nơi nào Trọng Hiếu xuất hiện là nơi đó thiện lành và tốt đẹp.
Trọng Hiếu vào nghề hơn 20 năm, cùng lớp vơi Việt Hương, Thuý Nga, Tiết Cương, Hạnh Thuý… nói như thế mới biết các bạn học anh giờ đã là sao của sao, còn anh vẫn cứ lận đận với tên tuổi cả mình.
Thế nhưng bù lại, anh có thể đóng bất kỳ vai diễn nào, từ anh giám đốc, sinh viên, giang hồ, chú xe ôm cho đến một đại gia biến thái… vai chính, vai dài, vai ngắn và cả vai nào khó nuốt, khó mời nhưng khi cầu cứu anh đến phim trường thì gần như là… dễ ẹt, bởi tay nghề và sự từng rải trên 100 phim. Tên của anh không phải là cái tên bán vé, nhưng có anh là đạo diễn có thể an tâm.
Gặp anh trên phim trường ở Xuân Lộc trong bộ phim Trên cả tình thân của đạo diễn Thái Trình đang thực hiện cho đơn vị DOP tivi. Phim này, anh vào vai ông già tên Lâm vui tính, thật thà. Có mối tình muộn với cô Lan (Lâm Mỹ Vân) ở tuổi xế chiều. Nói theo anh, đây là vai diễn cũng thường thôi, với tôi nó dễ ẹt. Phim tâm lý xã hội mà, cũng xung quanh câu chuyện gia đình, trong đó dù là những người thân với nhau, nhưng nếu vì ham tiền, mê danh vọng, rất dễ dẫn đến chuyện đánh mất tình thân. Chuyện phim như một lời cảnh tỉnh phải biết trân trọng nghĩa tình, đừng vì thực dụng mà dẫn đến những hậu quả khó lường. Phim này gần với cuộc sống hàng ngày, mình là dân có nghề, bạn diễn cũng xinh đẹp, nhanh nhạy và từng trải, nên vào vai chẳng có một chút gì làm khó cho tôi cả.
Hơn nữa ê kíp cũng đồng đều, đạo diễn chỉnh chu và các diễn viên luôn trong tư thế sẵn sàng nên mọi việc cứ diễn ra như mỗi bữa cơm ngon ăn vậy. Giờ quan trọng nhất là mình phải phối hợp với đạo diễn, diễn viên, làm sao tăng cường thêm mãng miếng để nhân vật có thêm nhiều sức sống là ok. Cứ thế, giữa tôi và anh đã có một buổi trò chuyện khá thân tình.
Vào nghề lâu năm, tới giờ anh quan niệm về phim của mình như thế nào?
Theo tôi, đời là phim, nhưng phim của mình nhiều lúc nó chẳng… đời, nên phải cố gắng, cố gắng dữ lắm mới mong có được sức thuyết phục với người xem, đó là tôn chỉ của cá nhân tôi trong suốt hành trình làm nghề từ trước giờ.
Vượt đường dài trên 100 cây số, lầm lũi từ 4 giờ khuya để lên phim trường bằng chiếc xe gắn máy, có bao giờ anh lăn tăn với nghề của mình?
Hiếu cười tỉnh như ruồi: “Nghề này nó là như vậy mà, dù nhà sản xuất có tiêu chuẩn cho mình đi xe… đò, nhưng tôi muốn làm chủ tình hình, không muốn bị động dễ ảnh hưởng đoàn phim. Mỗi lần đi trễ ngượng lắm, nhưng chuyện diễn viên chờ cả ngày mới được quay vẫn là chuyện bình thường.
Nghề này theo tôi là… kinh khủng, nếu không vượt qua được sự chán nãn, không đủ lớn với tình yêu nghệ thuật là ức chế ngay, vị kỷ dễ trổi lên. Chính vì vậy mà nhiều người sẽ nổi loạn và tìm mọi cách để nổi tiếng, bất chấp cả thủ đoạn. Tài không có, sắc không đủ thì chơi… thủ đoạn, đó là câu nói “chơi” của người trong nghề mà.
Lận đận suốt 20 năm qua, có ban giờ anh nghĩ đến… tổ nghiệp?
Có chứ, thầy Minh Nhí của tôi rất thành tâm với tổ nghiệp. Cứ mỗi năm đến ngày tổ là thầy đều nhắc rất nhiều về điều này. Làm nghề phải có tâm, phải biết kính trên nhường dưới, phải biết chia sẻ. Ai đạo gì không cần biết nhưng phải biết cách thắp nhang, thành tâm khấn nguyện. Tổ điểm vào ai thì người đó sáng, ai chưa được phải ráng một lòng với nghề.
Có lúc nào nãn và nghĩ đến chuyện đổi nghề?
Năm 99 tôi xin đi học lồng tiếng, được nhiều bậc tiền bối chỉ giáo. Ngày đầu xin vô học nghề, tôi chỉ được diễn vai quần chúng, dù làm trầy trật nhưng tôi vẫn được lảnh lương và kèm theo lời khuyên: “Hiếu ơi, em không có khiếu, chuyển qua nghề khác xem sao?”. Nhưng tôi chợt nhận thấy nghề này quá hấp dẫn vì khi lồng tiếng giỏi sẽ cứu được nhiều vai diễn lắm.
Lúc đó, tôi cứ mơ có ngày được lồng tiếng cho diễn viên chính như: Lý Hùng, Huỳnh Anh Tuấn, Lê Tuấn Anh, Công Hậu.. Và chỉ một thời gian sau, tôi đã đạt được ước mơ, chưa có có diễn viên nào tôi chưa lồng tiếng cả, chỉ có Quý Bình và Huỳnh Đông là chưa vì hai bạn này đều biết lồng tiếng.
Chuyển nghề khá ngọt, có lẻ thu nhập giúp anh đủng đỉnh với tiền casxe?
Điều lạ là dù lồng tiếng nhiều vai chính nhưng lương tôi không cao lắm, năm nào tới các lần giải thưởng tôi đều lên tiếng, nhưng nghề này vẫn chưa được trân trọng. Chỉ cần nhìn phim hoạt hình Panda của nước ngoài, chúng ta sẽ thấy rất nhiều ngôi sao tầm thế giới đảm trách phần lồng tiếng và số tiền casxe được xem là cực khủng. So sánh có hơi khập khiểng nhưng nó rỏ ràng là như thế, nên đôi lúc tôi chạnh lòng, nhưng nghề thì vẫn phải làm.
Ở các nước đều có giải thưởng giảnh cho bộ phận hậu kỳ, còn ở Việt Nam mình thì giải dành cho tiếng động, lồng tiếng hay cascadeur… thì không thấy. Và tôi vẫn cứ luôn tự hỏi: Sao không có giải thưởng nào cho bộ phận này để an ủi, động viên khích lệ họ. Lương thấp, chịu nhiều thòi nhưng tôi cũng chưa thấy một nghệ sĩ nào đòi hỏi một cái gì cả.. Nếu bạn để ý, khi cầm trên tay cúp vàng, các đạo diễn, diễn viên… họ có thể cảm ơn nhà sản xuất, đạo diễn, bạn diễn hoặc ba mẹ người thân, chứ chưa hề có một ai cảm ơn dành cho người lồng tiếng.
Vì thế nhiều lúc anh tâm sự là muốn chuyển nghề?
Tôi tự hào là xưa giờ tôi chỉ làm đúng một nghề… phim. Dù cơ chế thay đổi rất nhiều, nhưng đặc thù nghề này rất khắc nghiệt. Ví như nghề đạo diễn là cái ghế 4 chân, thì các bộ phận khác đã giữ 3 chân. Nếu đạo diễn yếu nghề sẽ dễ bị người ta bật lại ngay.
Cho nên, hiện tôi manh nha học nghề đạo diễn, muốn thế tôi phải làm quen nghề Phó. Tôi nghĩ thực tế sẽ cho mình nhiều bài học. Càng lê la cọ xát nhiều thì nghề sẽ dạy mình nhiều hơn. Chứ ở tuổi này, mà ngồi ghế nhà trường nữa là không hợp với tôi nữa rồi.
Đi phim nhiều, anh thấy xu hướng là phim hiện nay thế nào?
Đó là xu hướng an toàn, chính vì thế các đạo diễn hiếm khi dám chơi… khác màu. Họ cứ đóng khung, người này phải là bác sĩ phải là thầy giáo chứ ít ai dám trao vai trái chiều.
Trong phim Hùng long song bá tôi khoái tay đạo sĩ trẻ Tonny khi anh ta dám mời Thầy Công Ninh đóng vai đại ca giang hồ thứ thiệt. Khoan nói phim này dỡ và hay, sự mạnh dạn đột phá tìm cái mới ở diễn viên đã làm tôi khoái… rân người.
Khi diễn viên được thử nghiệm làm mới là họ hưng phấn nhiều lắm, buộc họ phải tìm cái mới để đột phá trong diễn xuất nhằm có cái lạ cho người xem. Ví như người đồng tính không có nghĩa là ẻo lả, điệu đà.. mà đội lúc phải lạnh lùng, đột biến đầy bất ngờ thì khán giả xem mới đã.
Có lúc tôi tự hỏi: Cứ vai giám đốc là phải mặc áo veston, nhưng ngoài đời ông bầu Nguyên Đức tôi thấy ổng chỉ mặc áo sơmi ngắn tay, rất mộc. Theo tôi, vai đại gia không cần cầu kỳ quần là, áo lụa, đôi lúc chỉ cần đeo cái đồng hồ Rolex, hoặc ngồi cafe bấm remote cái cạch, chiếc siêu xe tự mở cửa là người ta đã hiểu mình là ai rồi.
Theo anh nghề làm phim có giàu?
Ai nói giàu nhờ đóng phim thì tôi xin mời ra nói với nói chuyện cho… vui liền. Có chăng chỉ là số rất ít nằm ở ngôi sao, người có tên tuổi thôi. Ca sĩ giàu thì tin được chút, vì casxe của họ cao thật. Ngay như ông hoàng phòng vé Thái Hoà, ai đó cứ tính thử xem một năm anh ấy đóng được mấy phim? Rồi anh ấy phải ăn xài mua sắm nữa mà. Tầm anh Thành Lộc, Hữu Châu là những tên tuổi cực kỳ giỏi nghề, nhưng đâu thể gọi là sung túc được.
Điều gì làm anh trăn trở với cái nghề mình đã lỡ yêu?
Phim truyền hình hiện nay vẫn là số tiền casxe còm cỏi, mỗi ngày làm việc 14 – 16 tiếng là thường nhưng không ai lên tiếng cả, nhất là anh em hậu cần. Làm phim xong nhận tiền chậm trể, thậm chí hiện tượng bị quỵt tiền là có thật, những trường hợp như vậy họ bức xúc lắm mới lên tiếng, vì ai cũng sợ mất miếng cơm mà.
Còn chuyện cố quay thêm để không lỡ bối cảnh thì thường xuyên lắm, họ cố đẩy tốc độ lên chỉ để đỡ tốn… tiền cơm. Anh em mình nhiều người dễ tính nên cứ ráng. Mà miếng ăn có gì ngon lắm đâu. Một cái bánh bao, một cái bánh giò hoặc một ly mì gói… nhưng nếu đã ăn rồi thì phải làm thêm tới 3 – 4 giờ sáng là bình thường nha.
Nhiều phim kinh phí thấp, lấy đâu ra diễn viên giỏi, quay phim, ánh sáng chuyên nghiệp… Đơn giản như nghề thiết kế phim, nếu mình có tiền cứ mời hoạ sĩ Lã Quý Tùng, Trần Trung Lỉnh… họ sẽ đòi giá cao, bù lại họ đáp ứng một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Còn thiết kế phim truyền hình, có rất nhiều người còn không đọc kịch bản thì ra hiện trường biết gì mà làm. Một ngày quay chậm, kéo theo nhiều ngày trì trệ. Thiết kế nhiều người như thiên lôi vậy, kêu gì làm đó chứ không hề biết chuẩn bị. Phục trang mà không nắm rõ nhân vật thì biết gì mà làm… Còn những con người như thế thì lấy đâu ra phim hay. Thế nên nhiều phim không thể hay là điều chúng tôi biết trước ngay từ ngày ở phim trường. Nhưng các chuyện này mình nói nhiều quá dễ bị ghét, dù mình không phải nói cho mình mà nói cho cái chung của phim ảnh cần được thay đổi để có phim hay hơn.
Một đoàn phim còn có nhiều người không biết việc, đứng trong đội hình như thế bạn có lo lắng?
Có chứ, cứ mỗi lần đi phim tôi đều viết nhật ký. Cứ mỗi lần nhìn vào ánh mắt con người thức đêm, tôi cám cảnh cho các anh em diễn viên, hậu đài, chấp nhận cố gắng cùng đoàn phim làm thật nhanh, thật tập trung, tôi đau lắm. Nếu không làm thì họ sẽ làm gì? Trong khi năm ngoái bị trận dịch covid kinh hoàng, ai cũng mơ ước được làm phim kia mà, nghĩ thế nên anh em ai cũng ráng!
Nếu như so với phim truyền hình và phim drama của Trấn Thành, Việt Hương anh thấy có gì khác nhau?
Khác dữ lắm, kinh phí của họ cao hơn phim truyền hình gấp nhiều lần. Mỗi ngày chỉ quay vài phân đoạn, tất cả diễn viên đều được chăm chút tỉ mỉ, luơng bổng, ăn uống ngon lành… sơ sơ như thế thôi là mình cảm thấy yêu nghề và có trách nhiệm ngay.
Cộng sơ quá trình làm nghề hơn 20 năm, anh thấy mình còn thiếu điều gì mà thích điều gì chăng?
Nói thiệt, tôi đóng nhiều quá nên không nhớ nỗi tên phim. Tuy nhiên, vẫn còn hai dạng nhân vật tôi chưa đóng qua và rất tha thiết đạo diễn nào đó cho tôi được thử sức. Đó là dạng nhân vật: Đồng tính và Công An hoặc Pede bóng gió cũng được. Kế đến tôi sẽ tiếp tục làm phó đạo diễn để vun đắp kiến thức cho mình.
Được sống trong các bộ phim có đầu tư chất lượng, tôi thấy mình cứ bay bay vì phim chưa bấm máy đã thấy thành công rồi. Từ chất lượng kịch bản, diễn viên giỏi, ê kíp lành nghề và cứ nhìn tên các nhãn hàng tài trợ là đã tôi đã thấy mình như đang đi trong mơ.
Theo Lữ Đắc Long – Y Diệp/Bestlife.net.vn