(CSPLO) – Ngày 30/09/2024, tại trụ sở số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã tham vấn pháp lý trực tiếp cho hai doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và hai phóng viên thuộc Câu lạc bộ báo chí truyền thông&Chính sách pháp luật liên quan đến việc cung cấp thông tin sai sự thật về khai sinh và sau ly hôn chồng cũ không cho thăm con, phải làm thế nào…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) xin phúc đáp cụ thể sau: Cung cấp thông tin sai sự thật về nội dung khai sinh là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt nặng.Đồng thời, sau khi ly hôn, nếu người chồng ngăn cản vợ thăm con thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5-10 triệu đồng.
Cung cấp thông tin sai sự thật về khai sinh, bị phạt thế nào
Ảnh minh hoạ
Căn cứ tại Điều 37, Chương III Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) quy định về hành vi vi phạm đăng ký khai sinh như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.
Trong đó, hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.
Cùng với đó, biện pháp khắc phục hậu quả: Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.
Căn cứ vào Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau: Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.
Theo các quy định nêu trên, người cung cấp thông tin sai sự thật về nội dung khai sinh có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Căn cứ vào Điều 4 luật Hộ tịch 2014, giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh.
Cũng tại Điều 6 Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ, giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.
Trong trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh. Giấy khai sinh là một tài liệu gốc có giá trị pháp lý cao nhất chứng minh nguồn gốc của một cá nhân. Giấy khai sinh cũng là căn cứ để thực hiện các quyền lợi như chăm sóc y tế, quyền được đi học, hỗ trợ pháp lý, quyền bầu cử, ứng cử… và được bảo vệ trước phápluật với tư cách là công dân.
Vừa ly hôn, chồng không cho thăm con, người mẹ phải làm sao?
Ảnh minh hoạ
Căn cứ theo Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Tại khoản 2 Điều 83 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Thế nhưng, nếu cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó. Do vậy, nếu sau ly hôn người chồng cũ cản trở vợ thăm con là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ Điều 56 Nghị định 144/2021 có quy định về mức xử phạt đối với hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau. Theo đó, phạt tiền 5- 10 triệu đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Nhằm phổ biến kiến thức pháp luật, Viện IMRIC thường xuyên phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tư vấn trợ giúp pháp lý về luật đất đai, luật thừa kế, luật hôn nhân và gia đình nhằm góp phần nhỏ vào việc giảm thiểu tình trạng nạn tảo hôn, các cách xử lý vi phạm liên quan đến nạn tảo hôn cũng như nội dung pháp luật về luật Hôn nhân và gia đình nói chung ở các địa phương.
Trong khuôn khổ chương trình tuyên truyền, phổ biến và tư vấn pháp luật, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên tư vấn pháp luật đã tập trung phổ biến một số nội dung chính trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và đặt biệt là các quy định pháp luật có liên quan đến tảo hôn cũng như hậu quả, tác hại và hệ lụy do các hành vi này gây ra nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, từng bước hạn chế nhằm tiến tới chấm dứt tình trạng tảo hôn.
Với tính thiết thực và hiệu quả của chương trình mang lại, mỗi người dân và doanh nghiệp tham gia chương trình đều thu được nhiều bài học quý báu, nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn trong việc phòng chống tình trạng tảo hôn.
Có thể thấy, công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, doanh nghiệp, những người làm công tác truyền thông nhằm xây dựng thói quen sống và làm việc, tuyên truyền theo hiến pháp và pháp luật cho mọi công dân, góp phần đẩy mạnh việc thực thi pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống.
(Bài xuất bản số T10, đặc san khoa học Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập)
Trần Danh – Tuấn Tú