(CSPLO) – Trải qua nhiều vụ va chạm, tranh chấp chỗ đỗ xe trong các khu đô thị gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, trong đó nhiều cư dân đặt ra câu hỏi liệu cần sớm hoàn thiện quy chế quản lý để ngăn ngừa nguy cơ mất an ninh trật tự. Đồng thời, hành vi đỗ xe trái phép dưới lòng đường có thể bị xử lý ra sao? Nếu đây là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tai nạn, chủ phương tiện có thể bị áp dụng chế tài nào?
Các phương tiện đỗ xe vô tội vạ ở các quán cà phê, quán ăn tại Khu dân cư Happy Valley (Khu đô thị Phú Mỹ Hưng) toạ lạc tại phường Tân Phong, quận 7 được BQL nhắc nhở, lập biên bản nhiều lần vì đã có nhừng vụ tai nạn giao thông…
Điển hình, vụ lái xe taxi đâm bảo vệ chung cư tử vong mới đây tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park ở huyện Gia Lâm, Hà Nội đã được các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin. Điều này, một lần nữa cho thấy tranh chấp về chỗ đỗ xe và một số diện tích sử dụng chung tại các khu chung cư, đô thị luôn làvấn đề ‘nóng’…
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ – Nhà báo, Luật gia Hồ Minh Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống cho biết theo Điều 6, Luật Nhà ở 2014 đã nghiêm cấm việc lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung dưới mọi hình thức; sử dụng phần diện tích thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng. Cùng với đó, mỗi khu chung cư đều phải ban hành Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư, trong đó nêu rõ ‘quy định áp dụng đối với chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào nhà chung cư; quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư và chế tài xử lý các hành vi vi phạm.
Tiến sĩ Hồ Minh Sơn cho rằng, pháp luật hiện hành lại chưa có các chế tài xử lý cụ thể được phép áp dụng khi xảy ra hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư nên khi xảy ra tranh chấp thường rất khó giải quyết. Đặc biệt, việc xử lý hành vi đỗ sai quy định bằng hình thức khóa bánh xe, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn phân tích có thể chia thành 2 trường hợp, cụ thể: Nếu hành vi vi phạm xảy ra nằm trên vị trí/ phần đất thuộc sở hữu chung của các các đồng chủ sở hữu chung cư, Ban quản trị nhà chung cư có quyền thay mặt chủ sở hữu (cư dân) để thực hiện các quyền đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư (ví dụ vị trí đỗ xe phòng cháy, chữa cháy, khu vực trước sảnh tòa nhà, đường dẫn ra vào sảnh…), có quyền xử lý hành vi đỗ sai vị trí bằng hình thức khóa bánh xe theo quy định tại Nội quy đã ban hành. Nếu hành vi vi phạm xảy ra không thuộc vị trí/ phần đất thuộc sở hữu chung của các các đồng chủ sở hữu chung cư thì việc phạt tiền hay khóa bánh xe đều không được phép và sai so với quy định pháp luật. Theo đó, tùy theo tính chất mức độ vi phạm, chủ phương tiện bị khóa bánh xe có thể trình báo cơ quan công an hoặc khởi kiện ra Tòa để yêu cầu giải quyết và bồi thường thiệt hại (nếu có).
Cũng theo Tiến sĩ Hồ Minh Sơn phân tích, nhiều nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn, xung đột trong việc dừng, đỗ xe và xử lý vi phạm về đỗ xe không đúng quy định tại các khu đô thị mới. Nổi bật là ý thức chấp hành pháp luật của một số cá nhân còn hạn chế, tùy tiện trong việc dừng đỗ xe gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến hoạt động sinh hoạt chung. Tại một số khu đô thị, không phải phần diện tích đường nội bộ nào cũng là phần sử dụng chung mà thuộc trách nhiệm quản lý của một số tòa nhà và lực lượng bảo vệ tòa nhà đó được giao duy trì, giữ gìn ANTT nên họ có thẩm quyền xử lý vi phạm…Bêncạnh đó, để xác định đâu là phần diện tích sử dụng chung của khu chung cư, khu đô thị; đâu là phần diện tích công cộng thuộc Nhà nước quản lý là không đơn giản, chưa nói đến việc, quy chế quản lý khu chung cư, khu đô thị ở mỗi dự án cũng khác nhau .
Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý khu đô thị mới còn nhiều nội dung chưa rõ ràng dẫn đến việc áp dụng thiếu thống nhất, mỗi nơi một kiểu. Vì lẻ đó, việc bảo vệ các khu chung cư khóa bánh xe ô tô của khách không phải là một biện pháp hành chính theo quy định mà do tự phát. Tình trạng này diễn ra khá phổ biến ở các khu đô thị, gây ra những tranh cãi, xung đột, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công việc, thậm chí có thể gây hư hại tài sản của một số cá nhân. Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khuyến nghị nhằm hạn chế những mâu thuẫn, xung đột đáng tiếc có thể xảy ra về việc đỗ xe, đảm bảo trật tự an toàn ở các khu đô thị, khu chung cư, các cơ quan chức năng cần hoàn thiện cơ chế pháp lý nhằm tăng cường công tác quản lý ở các khu đô thị, khu chung cư trong thời. gian tới. Ngoài ra, đơn vị quản lý các khu chung cư, đô thị mới cần quan tâm hơn nữa trong việc lựa chọn huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng bảo vệ, lực lượng tự quản đặc biệt là kỹ năng giải quyết các tình huống phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp…
Nhiều cư dân thắc mắc về hành vi đỗ xe trái phép dưới lòng đường có thể bị xử lý ra sao? Nếu đây là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến tai nạn, chủ phương tiện có thể bị áp dụng chế tài nào?
Chia sẻ về vấn đề này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn nói mức phạt tối đa cho hành vi đỗ xe trái phép gây tai nạn là 12 triệu đồng. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng, người điều khiển phương tiện có thể bị xử lý hình sự. Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định người điều khiển phương tiện không được dừng, đỗ xe ở lòng đường, hè phố trái quy định. Hành vi đỗ xe sai quy định là vi phạm pháp luật và sẽ bị áp dụng chế tài xử lý theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ.
Theo Điều 5 Nghị định này quy định đối với hành vi dừng, đỗ ôtô hoặc các loại phương tiện tương tự nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc “Cấm dừng xe và đỗ xe”, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Trường hợp dừng đỗ không đúng quy định gây tai nạn giao thông, mức phạt tối đa có thể lên đến 12 triệu đồng. Do đó, khung hình phạt đối với hành vi đỗ xe trái phép dưới lòng đường có thể lên tới 12 triệu đồng trong trường hợp đỗ sai quy định gây tai nạn giao thông. Bên cạnh chế tài hành chính, trường hợp đỗ xe gây tai nạn, người điều khiển phương tiện còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe hay tính mạng của người bị xâm hại theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn dẫn chứng.
Theo Điều 261 Bộ luật Hình sự 2015 còn quy định người nào đặt, để, đổ trái phép vật liệu, phế thải, rác thải, vật sắc nhọn, chất gây trơn hoặc chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ gây hậu quả làm chết người, gây thương tật cho người khác từ 61% trở lên hay gây thiệt hại tài sản từ 100 triệu đồng trở lên… có thể bị xử lý về tội Cản trở giao thông đường bộ. Mức phạt đối với tội danh này là phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp làm chết từ 2 người trở lên, gây thiệt hại từ 500 triệu đồng trở lên hay thực hiện hành vi ở các đoạn đường đèo, dốc, cao tốc… thì tùy thuộc các tình tiết định khung, mức án cao nhất có thể lên tới 10 năm tù. Trong trường hợp đỗ xe sai quy định có thể được coi là hành vi đặt chướng ngại vật khác gây cản trở giao thông đường bộ theo Bộ luật Hình sự 2015. Vì vậy, nếu xảy ra tai nạn nghiêm trọng và cơ quan chức năng xác định việc đỗ xe trái phép là nguyên nhân dẫn tới sự việc trên, người điều khiển phương tiện có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn phân tích.
Dịp này, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn phân tích thêm theo mục VII Phụ lục IX Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng như sau: Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có nhà ở là dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hình thành từ một đơn vị ở trở lên theo quy hoạch phân khu được phê duyệt hoặc dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên đối với trường hợp quy hoạch phân khu không xác định rõ các đơn vị ở; Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị không có nhà ở là dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các công trình xây dựng khác có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên. Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 62/2020/QH14 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ ràng giữa dự án đầu tư xây dựng Khu đô thị và dự án đầu tư xây dựng nhà ở, làm cơ sở thực hiện việc quản lý chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với khu đô thị.
Đối với hành vi khóa bánh xe xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân: Nếu trường hợp bảo vệ của khu đô thị xử lý vi phạm đối với các phương tiện dừng đỗ thuộc khu vực nhà nước quản lý thì sai thẩm quyền, nếu là hành vi khóa bánh xe, niêm phong, cẩu xe đi nơi khác thì rõ ràng là đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân và hoàn toàn có thể gây ra thiệt hại vật chất đối với chủ xe. Như vậy, việc khóa bánh xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công việc, thậm chí có thể gây hư hại tài sản của người điều khiển phương tiện. Đặc biệt là những phương tiện đắt tiền hoặc những phương tiện mưu sinh, sử dụng thường xuyên thì khi bị khóa bánh tét dễ gây tâm lý ức chế, xung đột. Ngoài ra, thái độ và cách ứng xử giữa người lái xe với lực lượng bảo vệ không phải lúc nào cũng ôn hòa và chuẩn mực. Chính vì vậy việc áp dụng biện pháp khóa bánh xe ở khu đô thị rất dễ gây ra xung đột, mất an ninh trật tự, Tiến sĩ Hồ Minh Sơn khẳng định.
Tin rằng, các cơ quan chức năng trong thời gian tới cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và có những hướng dẫn cụ thể để tăng cường công tác quản lý ở các khu đô thị, khu chung cư. Qua đó, có cơ chế để xây dựng quy chế và các biện pháp đảm bảo thực hiện. Từ đó, việc lựa chọn huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng bảo vệ, lực lượng tự quản ở các khu đô thị, khu chung cư, cụm dân cư cũng cần được quan tâm để giảm bớt những mâu thuẫn, tranh chấp không cần thiết có thể xảy ra…
Công Danh – Mỹ Huyền