(CSPLO) – Năm 2024, Việt Nam tập trung cao cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát hiệu quả nhập khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hoá đối tác, nguồn hàng, chuỗi cung ứng. Hoạt động xúc tiến thương mại được xác định theo hướng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường, phát huy hiệu quả do các hiệp định thương mại tự do mang lại, đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Năm 2023, hoạt động xuất nhập khẩu không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư kỷ lục ước đạt 28 tỉ USD, gấp 2,3 lần năm 2022. Công tác phát triển thị trường được triển khai theo cả bề rộng và chiều sâu. Qua đó, lĩnh vực xúc tiến thương mại ngày càng hiệu quả, bên cạnh các sự kiện hội chợ, kết nối giao thương trong nước và tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài như Trung Quốc, Thái Lan, các nước châu Âu…công tác giao ban thương vụ đã có nhiều đổi mới mang tính đột phá.
Trong đó, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước đạt 683 tỉ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 355,5 tỉ USD, nhập khẩu ước đạt 327,5 tỉ USD. Một trong những dấu ấn rất đáng ghi nhận trong bức tranh xuất nhập khẩu năm nay chính là cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp, với mức thặng dư ước đạt trên 27 tỉ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỉ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Ảnh minh hoạ
Năm 2024, bên cạnh việc việc mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát hiệu quả nhập khẩu, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, Bộ Công thương phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp chưa trực tiếp triển khai được hoạt động xúc tiến thương mại; ưu tiên đẩy mạnh các hoạt động cung cấp thông tin thị trường, cơ hội giao thương nhằm tăng thị phần tại thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới còn nhiều dư địa.
Đặc biệt, việc triển khai các giải pháp nhằm tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế; khai thác các cơ hội từ quan hệ đối ngoại với các nước lớn để đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư các ngành trọng điểm sang nước thứ 3 của các tập đoàn đa quốc gia, nhất là trong lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu và lợi thế, như: Công nghiệp điện tử, hạ tầng số, hạ tầng logistics, năng lượng sạch, công nghiệp vật liệu mới, khai thác, chế biến khoáng sản quý, chíp và chất bán dẫn…
Cùng với đó, phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu, đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các FTA với các đối tác còn tiềm năng nhiều ở khu vực Trung Đông, châu Phi và Nam Mỹ; chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại, thương mại điện tử, kinh tế số nhằm khai thác hiệu quả thị trường nội địa còn nhiều tiềm năng; tăng cường công tác quản lý thị trường và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Theo sự phối hợp nghiên cứu và tìm hiểu về thị trường quốc tế của Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC), Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) và Tạp chí Doanh nghiệp và Trang trại Việt Nam, thì việc đa dạng hóa ngành hàng và thị trường xuất khẩu sẽ giúp Việt Nam chống chọi tốt hơn trong trường hợp có các cú sốc kinh tế. Tù đó, triển vọng kinh tế và các biện pháp Việt Nam cần làm để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các cú sốc toàn cầu.
Năm 2024, GDP của Việt Nam tăng trưởng đạt 6,4% so với cùng kỳ năm 2023 trong nửa đầu năm nay, chủ yếu nhờ vào các ngành sản xuất, công nghiệp và dịch vụ. Tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 ước tính đạt trên 6% và triển vọng của các năm sau còn tốt hơn nữa. Sự lạc quan này dựa trên hiệu suất mạnh mẽ của các ngành như sản xuất, điện tử, đồ nội thất và ô tô. Chỉ số PMI của Việt Nam hiện đang cao nhất châu Á và không ngừng gia tăng.
Đặc biệt, ở trong lĩnh vực điện tử và điện thoại di động. Chu kỳ bán dẫn đang phục hồi nhờ những tiến bộ của AI và nhu cầu về thiết bị điện tử tăng. Dân số của Việt Nam 100 triệu người cũng góp phần vào động lực kinh tế này. Công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng của đất nước.
Theo nghiên cứu của Viện IMRIC, Viện IRLIE và Tạp chí. DN&TTVN thì cán cân thương mại Việt Nam năm 2024 phục hồi đáng kể, nhất là ở xuất khẩu và nhập khẩu, vượt qua mức giảm trong năm 2023. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã tạo ra 58 tỉ USD thặng dư thương mại với Mỹ, tăng đáng kể so với mức 45 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, vẫn có những lo ngại về sự phụ thuộc lớn của Việt Nam vào Hoa Kỳ và Trung Quốc về thương mại, điều mà các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc trước những xu hướng toàn cầu đang liên tục tiến triển. Hiện, đang tồn tại lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến quan hệ thương mại Mỹ-Việt Nam, trong đó là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và khả năng hành động liên quan đến thặng dư thương mại lớn của Việt Nam.
Mặt khác, thặng dư thương mại của Việt Nam có thể bị giám sát chặt chẽ theo tiêu chí thao túng tiền tệ của Bộ Tài chính Mỹ. Để giảm thiểu những rủi ro, Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở rộng ra ngoài thị trường Mỹ sang các khu vực khác như Trung Đông, Ấn Độ và các nước châu Á lân cận.
Việt Nam có điểm mạnh nằm ở khả năng cạnh tranh trong các ngành điện tử và điện, thế nhưng vẫn có một rủi ro vì quá phụ thuộc vào ngành này. Việt Nam nên đa dạng hóa xuất khẩu bằng cách mở rộng các ngành truyền thống như dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, thủy sản và nông nghiệp để giảm. thiểu rủi ro trên.
Điển hình, xuất khẩu nông sản như rau quả tăng 24% so với cùng kỳ năm trước và sản phẩm gỗ tăng 23% so với cùng kỳ năm trước trong 7 tháng đầu năm nay. Chính phủ có thể hỗ trợ thêm cho các ngành này bằng cách đảm bảo đất đai sẵn có và đào tạo lao động phù hợp, giúp Việt Nam quản lý rủi ro và duy trì tăng trưởng đa dạng trên nhiều ngành khác nhau.
Ngoài ra, Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc vào thương mại đối ngoại, với độ mở thương mại chiếm 162% GDP, khiến Việt Nam trở thành quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều thứ ba trong ASEAN. Sự phụ thuộc này có nghĩa là Việt Nam được hưởng lợi đáng kể khi nhu cầu toàn cầu mạnh, nhưng sẽ chịu thiệt hại nhiều hơn trong bối cảnh suy thoái toàn cầu, như đã thấy vào năm 2023. Để giảm thiểu rủi ro này, việc đa dạng hóa thị trường và ngành hàng xuất khẩu là vô cùng cần thiết.
Cùng với đó, Việt Nam hiện vẫn mạnh mẽ về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với hai năm liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã thu hút 13 tỉ đô la FDI thực hiện, với nguồn đầu tư mạnh mẽ từ các quốc gia như Singapore, Trung Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản. Xu hướng tích cực này cho thấy sự tin tưởng liên tục của nhà đầu tư và doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam.
Theo phân tích của Viện IMRIC và Viện IRLIE, thì Việt Nam có một lợi thế quan trọng của môi trường đầu tư chính là sự hỗ trợ tích cực từ phía chính phủ thông qua hệ thống thuế. Việt Nam có vị thế cạnh tranh so với các quốc gia khác nhờ mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định 20%. Một số doanh nghiệp có thể tận dụng các đợt miễn và giảm thuế kéo dài để giảm thêm mức thuế suất thực tế phải chịu.
Song song đó, phân tích của Viện IMRIC và Viện IRLIE, Tạp chí DN&TTVN cũng cho thấy Việt Nam đã đạt được tiến độ đáng kể trong việc thiết lập những thỏa thuận kinh tế khác nhau với các đối tác thương mại, như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Do vậy, những bước tiến này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam trở nên ngày càng cởi mở hơn với FDI, theo OECD.
Tin rằng, với việc triển khai hiệu quả công tác phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm thông qua tổ chức kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam kỳ thứ 9 năm 2024, triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, các hoạt động nâng cao năng lực xúc tiến thương mại gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, thương hiệu sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển xuất khẩu bền vững giúp doanh nghiệp Việt Nam từng bước tham gia sâu vào những khâu có giá trị cao trong chuỗi giá trị toàn cầu…
(Bài xuất bản số T9, đặc san Khoa học Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập)
Minh Sơn – Đặng Hưởng