(CSPLO) – Mới đây, kế hoạch xây dựng 2 tượng cá chép hóa rồng hai bên bờ kè sông Maspero (TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã dừng lại vì gặp nhiều ý kiến phản đối.
Phác thảo tượng cá chép hóa rồng bên bờ kè sông Maspero TP Sóc Trăng
Một trong những lý do đưa ra để dừng xây dựng công trình trên là do địa phương còn nhiều khó khăn, để dành ngân sách làm các dự án cấp bách, an sinh xã hội.
Thật ra, chẳng có gì sai khi đặt lên bàn cân để cân nhắc những vấn đề liên quan đến chén cơm manh áo của người dân. Những công trình phục vụ đời sống dân sinh, tạo ra sinh kế, làm thay đổi cuộc sống của người dân được ưu tiên trong những quyết sách chung của từng địa phương hay trên bình diện cả nước là điều đáng mừng.
Thế nhưng, ở một chiều kích khác, ngoài những công trình hạ tầng, chính sách an sinh, người dân cũng cần được thụ hưởng giá trị tinh thần từ những công trình, không gian văn hóa nghệ thuật, trong đó có các tác phẩm điêu khắc tại những không gian công cộng mang lại.
Ở khía cạnh này, việc đầu tư xây dựng hai tượng cá chép hóa rồng với “mục tiêu là tạo sự đồng bộ với hệ thống vỉa hè dọc hai bên tuyến bờ kè, kết hợp hình thái kiến trúc hài hòa, tạo điểm nhấn đô thị về biểu tượng đặc trưng của thành phố, góp phần ngày càng hoàn thiện hơn kết cấu hạ tầng đô thị, hình thành điểm tham quan, vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng cho người dân trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội” như chủ trương mà TP Sóc Trăng đưa ra có thể xem là chính đáng. Nếu có, vấn đề cần đặt ra ở đây là tính thẩm mỹ của 2 tượng cá chép nói trên nói riêng cũng như khi đặt trong tổng thể quy hoạch không gian hai bên bờ kè sông Maspero và toàn cảnh TP Sóc Trăng nói chung chứ không phải so sánh một cách máy móc giữa “chén cơm” và “nhan sắc” để rồi đưa ra chọn lựa dừng triển khai.
Tất nhiên, có thể hiểu được sự “chùn tay” của chính quyền tỉnh Sóc Trăng trong quyết định dừng triển khai 2 tượng cá chép hóa rồng nói trên. Đó có thể xem như một quyết định “an toàn” trong bối cảnh quá khứ có không ít công trình, tượng đài mỹ thuật… hứng chịu nhiều “gạch đá” từ dư luận vì nhem nhuốc, thiếu tính thẩm mỹ hay gây lãng phí vì yếu tố tiêu cực… Nhưng nếu tất cả những công trình văn hóa, những tác phẩm nghệ thuật, không gian điêu khắc mỹ thuật… đều “chết yểu” vì lý do dành kinh phí cho những dự án cấp bách, an sinh thì có thể hình dung bộ mặt đô thị sẽ ngày càng khô khốc và vô cảm ra sao.
Chưa kể, những tác phẩm điêu khắc mỹ thuật được đặt để phù hợp không chỉ mang lại giá trị về tinh thần mà còn là yếu tố khai thác thương mại đầy tiềm năng. Không nhắc đến những công trình kỳ vỹ như Angkor Wat hay Vạn Lý Trường Thành, một bức tượng ngư sư không chỉ trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng của Singapore mà còn là địa chỉ thu hút hàng triệu du khách đặt chân đến mỗi năm.
Ở trong nước, bức tượng cá chép hóa rồng ra đời năm 2016 đã lập tức trở thành điểm nhấn mới, thu hút du khách tìm đến mỗi khi ghé TP Đà Nẵng. Rõ ràng, nếu làm tốt, biết đâu 2 bức tượng cá chép hóa rồng có thể trở thành điểm thu hút mới của Sóc Trăng, từ đó kích cầu du lịch, mang đến những lợi thế không nhỏ góp phần thay đổi cuộc sống người dân nơi đây.
Theo Gia Bình
https://www.sggp.org.vn/chen-com-hay-nhan-sac-845581.html