I. MỞ ĐẦU
Cho đến nay trên toàn thế giới đã có hơn 600 triệu người bị nhiễm SARS-COV-2 (Covid-19) và trên 6,5 triệu người tử vong. Mỗi ngày hiện nay vẫn có khoảng trên 200 nghìn người tiếp tục bị nhiễm, tái nhiễm Covid-19 trên toàn cầu. Do vậy theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đại dịch Covid-19 vẫn chưa thể không chế được trước năm 2023. Tại Việt Nam, kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ cao điểm vào tháng 7/2021 cho đến nay đã có hơn 11 triệu người mắc bệnh, hơn 40 nghìn người tử vong và đa số người nhiễm Covid-19 đã hồi phục sức khỏe hầu như hoàn toàn và một số người dân vẫn có những triệu chứng, di chứng về sức khỏe kéo dài sau khi bị nhiễm bệnh (giai đoạn hậu Covid-19).
Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây ở các quốc gia cho thấy rằng đa số những người bị nhiễm Covid-19 hiện nay có triệu chứng nhẹ hơn so với trước đây do phần lớn dân số đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 và đã tạo ra được miễn dịch cộng đồng, làm giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và bùng phát dịch trở lại. Thế nhưng khoảng hơn 80% người bị nhiễm Covid-19 có triệu chứng đều có ít nhất một triệu chứng kéo dài ở giai đoạn hậu Covid-19; đặc biệt trong một số trường hợp triệu chứng có thể nhẹ thoáng qua hay thậm chí không có ở giai đoạn Covid-19 cấp tính nhưng lại xuất hiện ở giai đoạn hậu Covid-19.
Do vậy, chiến lược tiếp cận chăm sóc bệnh nhân Covid-19 hiện nay cần tập trung vào việc giáo dục – tuyên truyền tự cải thiện sức khỏe của người bệnh ở giai đoạn cấp tính, chăm sóc y tế khi cần nhằm phòng tránh những biến chứng – di chứng ở giai đoạn hậu Covid-19; cần kết hợp với tư vấn phục hồi sức khỏe toàn diện cho người bị nhiễm Covid-19 ở giai đoạn hậu Covid-19 để góp phần giúp người bệnh duy trì khả năng làm việc, lao động đạt hiệu quả và hiệu suất cao nhất, góp phần hồi phục và phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch và nhất là trong giai đoạn mới hiện nay.
- CHIẾN LƯỢC CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO NGƯỜI BỊ NHIỄM COVID-19 TRONG GIAI ĐOẠN PHỤC HỒI KINH TẾ – XÃ HỘI HIỆN NAY TRONG CẢ NƯỚC
1.Thực hiện tốt chiến lược vaccine toàn dân là chìa khóa bảo đảm thành công cho việc khống chế hoàn toàn dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay và trong thời gian sắp đến.
Tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn là giải pháp hiệu quả nhất và có ý nghĩa chiến lược trong phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian qua, hiện nay và trong thời gian sắp đến. Chiến lược vaccine toàn dân trong giai đoạn hồi phục kinh tế nhằm phát triển đất nước về mọi mặt sau đại dịch có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì nhằm bảo đảm nguồn nhân lực các cấp độ (lao động phổ thông, trung – sơ cấp đến chất lượng cao) có sức khỏe tốt tham gia lao động sản xuất, tránh nguy cơ bệnh trở nặng hay tử vong ở những người có bệnh nền hay sức đề kháng kém với bệnh tật. Tiêm vaccine phòng Covid-19 là phương thức an toàn và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe cho toàn dân, giúp duy trì và bảo tồn nguồn nhân lực đóng góp vào quá trình phục hồi kinh tế – xã hội và phát triển đất nước.
Tính đến nay, tại Việt Nam, tổng số người đã được tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho mũi 3 đạt gần 60%: cả nước đã thực hiện tiêm phòng được gần 260 triệu liều vaccine phòng Covid-19; trong đó người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm hơn 50 triệu liều cho mũi thứ 3 và hơn 14 triệu liều cho mũi 4; đặc biệt, trên 55% trẻ em từ 5 đến 11 tuổi đã được tiêm mũi 1 vaccine ngừa Covid-19. Do số ca mắc Covid-19 trong cả nước đang có xu hướng tăng trở lại, cùng với sự xuất hiện của một số biến thể mới của chủng Omicron (như là chủng B.5) có khả năng lây nhiễm và lẩn tránh miễn dịch cao hơn, cùng với tình trạng miễn dịch sau tiêm vaccine Covid-19 giảm dần theo thời gian, do vậy việc tuyên truyền – giáo dục người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 theo hướng dẫn của ngành y tế là rất cần thiết nhằm bảo đảm đạt tỷ lệ bao phủ vaccine tối đa, góp phần giúp chiến lược phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
- Thực hiện tốt chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn diện – nâng cao năng lực tự chăm sóc cho người bị nhiễm Covid-19 giai đoạn cấp tính hoặc bị tái nhiễm Covid-19.
Với số ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày vẫn duy trì còn ở mức trên vài nghìn người mỗi ngày, việc tư vấn điều trị cho người bị Covid-19 giai đoạn cấp tính nhằm tránh tình trạng bệnh chuyển nặng, tránh lây nhiễm trong cộng đồng và nhất là giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe hoàn toàn, tránh di chứng – triệu chứng hậu Covid-19 là rất cần thiết. Do phần lớn người bị nhiễm Covid-19 hiện nay đều ở thể nhẹ, ít triệu chứng hoặc không có triệu chứng nên việc giáo dục tự chăm sóc và tư vấn hướng dẫn điều trị triệu chứng là rất cần thiết và giúp tránh được việc lạm dụng thuốc diệt virus, tránh lạm dụng thuốc kháng sinh hay các loại thuốc chống viêm.
Chiến lược chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người bị nhiễm Covid-19 cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý: giàu vitamine và khoáng chất; ưu tiên các loại thực phẩm có tính chống oxít hóa cao. Người bị nhiễm Covid-19 luôn thực hiện việc ngủ đủ giấc vì vai trò của giấc ngủ trong việc tăng cường miễn dịch của cơ thể chống lại tình trạng nhiễm siêu vi là rất quan trọng. Do Covid-19 là một bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, nhất là với biến chủng mới hiện nay, do vậy việc duy trì một giấc ngủ tốt sẽ giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch. Ngoài ra, giấc ngủ tốt và đầy đủ sẽ giúp cơ thể sinh ra đáp ứng miễn dịch sau khi tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 tốt hơn, góp phần làm tăng khả năng bảo vệ của cơ thể với Covid-19.
Một số người bị Covid-19 trong giai đoạn cấp tính có tình trạng mất ngủ đi kèm cần phải cố gắng duy trì được giấc ngủ hiệu quả và các cán bộ y tế phải luôn quan tâm đến chất lượng giấc ngủ của người bị Covid-19. Vì giấc ngủ tốt trong thời gian bị nhiễm Covid-19 sẽ giúp cơ thể mau hồi phục, giúp cơ thể tăng cường đáp ứng với điều trị, giúp duy trì được tinh thần lạc quan tránh được những biểu hiện lo âu và trầm cảm làm suy giảm khả năng bảo vệ cơ thể của hệ thống miễn dịch và hạn chế được những di chứng và triệu chứng của giai đoạn hậu Covid-19; góp phần bảo đảm việc phục hồi sức khỏe cho người dân – nguồn lực lao động chính yếu phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch.
Bên cạnh đó phần lớn người bị nhiễm hay tái nhiễm Covid-19 trong giai đoạn hiện nay vẫn còn bị tình trạng lo lắng quá mức, lo âu nhiều về tình trạng bệnh chuyển nặng và vấn đề phòng tránh lây nhiễm trong gia đình, nơi làm việc, thậm chí cả về sự an toàn của việc tiêm nhắc vaccine ngừa Covid-19. Những vấn đề tâm lý này cần phải được gia đình, cộng đồng và cán bộ y tế quan tâm để tư vấn – hỗ trợ, giảm thiểu các yếu tố liên quan đến sang chấn tâm lý, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, đến lao động và công việc khác. Các stress và rối loạn tâm lý lo âu đã được báo cáo là một trong những nguyên nhân làm cho tình trạng bệnh thực thể của bệnh nhân Covid-19 nặng hơn và gây ra những rối loạn tâm sinh lý, làm gia tăng tình trạng mệt mỏi ở giai đoạn hậu Covid-19.
Chăm sóc toàn diện người bị nhiễm Covid-19 giai đoạn cấp tính cần phải lưu ý đến việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn vấn đề duy trì tập luyện thể dục – thể thao, vận động cơ thể cho mọi lứa tuổi hàng ngày. Việc duy trì hoạt động thể dục – thể thao, vận động hàng ngày sẽ giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch của cơ thể, giúp hạn chế các triệu chứng do Covid-19 gây ra ở giai đoạn cấp tính và hậu Covid-19; đặc biệt các hoạt động thể lực như tập thể dục, tập dưỡng sinh và yoga còn giúp cho việc cân bằng các hoạt động tâm sinh lý, tránh lo âu và giúp có giấc ngủ tốt trong giai đoạn nhiễm Covid-19 cấp tính.
- Thực hiện tốt chiến lược phục hồi sức khỏe sớm và tối ưu cho cộng đồng giai đoạn hậu Covid-19 nhằm bảo đảm tính ổn định và bền vững của nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế sau đại dịch.
Các công bố khoa học quốc tế cho thấy rằng hơn 80% người bị nhiễm Covid-19 có triệu chứng ở giai đoạn Covid-19 cấp tính đều có triệu chứng và di chứng giai đoạn hậu Covid-19. Thậm chí một số người bi nhiễm Covid-19 không có triệu chứng ở giai đoạn bị nhiễm cấp tính hay tái nhiễm nhưng lại có những triệu chứng và biến chứng ở giai đoạn hậu Covid-19. Đặc biệt các triệu chứng và biến chứng của Covid-19 giai đoạn hậu Covid rất phong phú và đa dạng. Thật vậy, có hơn 50 triệu chứng thường gặp ở giai đoạn hậu Covid-19; thường gặp nhất là mệt mỏi, đau đầu, hay quên, giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ thoáng qua (sương mù não), lo âu, mất ngủ, ho kéo dài, rụng tóc, hụt hơi hay khó thở, nhịp tim nhanh, phát ban da, ù tai, hoa mắt chóng mặt, rối loạn cảm nhận về mùi vị, đau nhức sương khớp, tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn nhịp tim…Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 1 – 3 tháng, nhưng cũng có thể kéo dài lâu hơn ở một số người bị nhiễm Covid-19. Dù rằng các triệu chứng ở giai đoạn hậu Covid-19 đa phần là không nặng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và hiệu quả công việc, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tạo gánh nặng cho chăm sóc y tế giai đoạn hậu Covid-19.
GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ tập huấn chuyên đề tiếp cận chẩn đoán và điều trị bệnh nhân hậu Covid-19 tại tuyến cơ sở cho cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa Bình Dương và các đơn vị y tế tỉnh Bình Dương (Bình Dương, ngày 7/9/2022).
Do vậy để kiểm tra sức khỏe hậu Covid-19 khi có triệu chứng kéo dài, người dân có thể lồng ghép với việc khám sức khỏe định kỳ và nên đi khám lần đầu trong vòng một đến ba tháng đầu và sau đó sau là từ ba đến sáu tháng cho những tháng tiếp theo. Ở giai đoạn hậu Covid-19, nếu không có vấn đề gì bất thường về sức khỏe và không có triệu chứng thì người bệnh cũng không nên lo lắng quá mức và cũng không bắt buộc phải đi khám hậu Covid-19 một cách thường quy nhằm tránh quá tải cho các tuyến y tế cơ sở và chuyên khoa. Cán bộ y tế tiếp tục thực hiện theo hướng dẫn của ngành tế về chăm sóc sức khỏe giai đoạn hậu Covid-19. Khi có triệu chứng kéo dài ở giai đoạn hậu Covid-19, người dân có thể đến khám tại các cơ sở y tế tại địa phương để được tư vấn và hướng dẫn dự phòng biến chứng, tập thở, tập phục hồi chức năng giảm nhẹ các triệu chứng khi cần. Trong một số trường hợp người bị hậu Covid-19 có những triệu chứng như đau đầu, giảm trí nhớ, mất ngủ, mất mùi và mất vị, ù tai và hoa mắt hay chóng mặt thì cần khám chuyên khoa thần kinh, y học giấc ngủ hoặc tai mũi họng.
Chiến lược phục hồi sức khỏe sớm và tối ưu cho cộng đồng giai đoạn hậu Covid-19 nhằm bảo đảm tính ổn định và bền vững của nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế sau đại dịch cần lưu ý là phải dựa trên việc tuyên truyền phổ biến những kiến thức cơ bản về phục hồi chức năng đối với người bệnh sau khi nhiễm Covid-19 và là rất cần thiết cho những người có triệu chứng ở giai đoạn hậu Covid-19. Phục hồi chức năng cho người bị nhiễm Covid-19 bao gồm phục hồi chức năng hô hấp và vận động theo hướng dẫn thông qua các cơ sở y tế có năng lực chẩn đoán và điều trị người bệnh hậu Covid-19. Luyện tập phục hồi chức năng hô hấp và vận động ở giai đoạn hậu Covid-19 giúp cải thiện tình trạng trao đổi oxy và tăng cường cung cấp oxy cho các cơ quan trong cơ thể thông qua các bài tập thở chủ động chậm và sâu giúp căng giãn lồng ngực và làm tăng thể tích phổi; tập thở có thể phối hợp với sử dụng dụng cụ hỗ trợ như ống thổi có khắc số đo thể tích thở ra, thổi vào bóng chứa khí, thở qua lưu lượng đỉnh kế.
Cần tăng cường việc tuyên truyền – giáo dục sức khỏe thông qua các đơn vị tư vấn sức khỏe cộng đồng giúp người bị nhiễm Covid-19 cần phải thường xuyên tập phục hồi khả năng vận động giai đoạn hậu Covid-19 thông qua các bài tập sức cơ chi trên (với tạ tay hoặc dây kéo) và chi dưới (với các bài tập lên xuống cầu thang, đạp xe, đi bộ nhanh như con thoi quang phòng hay sân nhà). Người lớn tuổi có thể phối hợp thực hiện việc tập thở bụng hay thở cơ hoành ở tư thế nằm hay ngồi và thực hiện các bài tập vận động thông thường như tập thể dục theo các bài tập dưỡng sinh, y võ dưỡng sinh, yoga… Tập vận động thường xuyên giai đoạn hậu Covid-19 giúp làm tăng tuần hoàn máu ngoại vi và giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu, giúp ngăn ngừa sự suy giảm sức khỏe về thể chất và tinh thần, giúp cải thiện tình trạng mệt mỏi, lo âu và rối loạn giấc ngủ giai đoạn hậu Covid-19.
Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn, giáo dục sức khỏe, tâm lý liệu pháp cho người dân, cho cộng đồng giai đoạn hậu Covid-19 là rất cần thiết vì giúp duy trì tính ổn định và chất lượng nguồn lực tham gia phát triển kinh tế và duy trì các hoạt động xã hội sau đại dịch. Tại Việt Nam, với hơn 11 triệu người bị nhiễm Covid-19 trên toàn quốc và hầu như toàn bộ người bị nhiễm Covid-19 đã chuyển sang giai đoạn hậu Covid-19 việc tư vấn và giáo dục sức khỏe là rất cần thiết, vì đây là một nguồn lực lao động lớn chiếm hơn 10% dân số toàn bộ. Do vậy, cần phải tiếp tực tư vấn và giáo dục sức khỏe giai đoạn hậu Covid-19 về việc duy trì một sức khỏe thể chất và tinh thần tốt thông qua việc thực hiện chế độ dinh dưỡng giàu khoáng chất và sinh tố, tăng cường rèn luyện thân thể, tập thở và tập vận động, tránh căng thẳng quá mức, duy trì chế độ nghỉ ngơi hợp lý và luôn ngủ đủ giấc.
KẾT LUẬN
Chiến lược chăm sóc sức khỏe cho người bị nhiễm Covid-19 cấp tính và giai đoạn hậu Covid-19 trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội hiện nay cần phải dựa trên việc tiếp tục thực hiện tốt chiến lược vaccine toàn dân nhằm bảo đảm tính bền vững của mục tiêu gây miễn dịch cộng đồng chủ động. Bên cạnh việc luôn năng cao ý thức phòng chống dịch, người dân và gia đình, cộng đồng cần thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe toàn diện, luôn tự nâng cao năng lực tự chăm sóc khi bị nhiễm Covid-19 cấp tính và tái nhiễm Covid-19. Sau cùng là hệ thống y tế, các đoàn thể xã hội phải không ngừng tuyên truyền về việc thực hiện tốt chiến lược phục hồi sức khỏe sớm và tối ưu cho cộng đồng giai đoạn hậu Covid-19 nhằm bảo đảm tính ổn định và bền vững của nguồn nhân lực tham gia phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch ./.
Theo GS.TSKH.BS Dương Quý Sỹ/Huongnghiepthitruong.vn
(Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục & Phát triển Nhân lực Việt Nam
Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam – Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng)