(CSPLO) – Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, chuyển đổi xanh không chỉ còn là chuyện của những cam kết chính trị ở tầm chiến lược quốc gia mà đang trở thành đòi hỏi của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường, đồng thời là vấn đề sống còn, là ‘cơm áo, gạo tiền’ của doanh nghiệp xuất khẩu.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh.
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2024 ước đạt 64,22 tỷUSD, tăng 37,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 42%; nhập khẩu tăng 33,3%; xuất siêu ước đạt 2,92 tỷ USD. Đây là mức tăng kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ tháng 4/2022.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng hóa tới các thị trường xuất khẩu lớn đều phục hồi tốt trong tháng đầu năm 2024. Theo đó, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 9,6 tỷ USD, tăng tới 55,8% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu tới các thị trường chính khác cũng tăng mạnh như: Trung Quốc tăng 57,8%, đạt 6,1 tỷ USD; EU tăng 17,9%, đạt 3,9 tỷ USD; ASEAN tăng 38,5%, đạt 3,04 tỷ USD…
Đồng thời, Cục Xuất nhập khẩu cũng dự kiến là tổng kim ngạch xuất khẩu 2024 tăng trên 6% so với năm 2023.
Nhiều kỳ vọng trong năm 2024
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định, có thể dùng từ “hy vọng” cho hoạt động xuất, nhập khẩu năm 2024.
Đầu tiên, xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào nhu cầu của thị trường, bối cảnh thế giới thực tế còn nhiều trắc trở nhưng vẫn có những điểm sáng để kỳ vọng. Cụ thể, nhu cầu của thị trường được thể hiện qua con sốtăng trưởng kinh tế. Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, tình hình kinh tế thế giới, trong đó có các đối tác lớn của Việt Nam sẽ có những thay đổi so với năm 2023 nhưng nhìn chung là quá trình hồi phục còn nhiều trắc trở và mức tăng trưởng trung bình vẫn còn thấp hơn mức trung bình của chục năm trở lại đây.
Còn theo dự báo của IMF (Quỹ tiền tệ Quốc tế) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2024 là 3,1% – nhỉnh hơn một chút so với 2023. Điều này mang lại hy vọng nhu cầu của thế giới sẽ phục hồi ít nhiều.
Cùng với đó, sau thời gian trì trệ, lưu kho của doanh nghiệp giảm và nhu cầu có thể nhúc nhích trở lại. Trong chừng mực nhất định, điều này phản ánh qua Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 1/2024 đã tăng lên trên 50 điểm. Đơn đặt hàng của một số ngành như dệt may, da giầy cũng cho thấy dấu hiệu tốt lên, nhiều doanh nghiệp lớn cho biết đã có đơn đặt đến hàng để hết quý I/2024.
Tuy nhiên, ông Thành cũng nhấn mạnh, con số kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2024 không có nhiều ý nghĩa khi so với cùng kỳ. Có lẽ phải đợi số liệu tháng 2 hoặc quý I/2024, vì năm 2023 Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1, còn năm nay Tết Nguyên đán lại rơi vào tháng 2.
Về con số xuất siêu lớn, TS. Thành cho biết, từ năm 2023 đến tháng 1/2024, xuất siêu là tốt trên góc độ góp phần giúp lành mạnh cán cân thanh toán quốc tế, giảm sức ép lên tỷ giá. Nhưng nếu nhìn sâu vào con số thì lại thấy đáng lo vì nhập khẩu giảm mạnh.
Cụ thể, trong 4 nhóm hàng nhập khẩu thì nhóm hàng tiêu dùng chỉ chiếm 7-8%, sau đó là nhóm nhiêu liệu. Hai nhóm còn lại và lớn nhất là đầu vào sản xuất, hàng trung gian nhưlinh kiện, thiết bị máy móc sụt giảm phản ảnh môi trường kinh doanh chưa tốt, ít đơn hàng. Gắn với đó là năng lực sản xuất và cả năng lực xuất khẩu, đầu tư sẽ suy giảm. Điều này đã được thể hiện phần nào qua con số đầu tư tư nhân năm 2023 chững lại.
“Do vậy, dự báo năm 2024 xuất siêu sẽ không lớn như năm ngoái. Mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% thểhiện sự thận trọng nhưng để đạt được vẫn cần sự nỗ lực rất lớn”, ông Thành cho hay.
Chuyển đổi xanh là vấn đề sống còn
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, xu hướng phi toàn cầu hóa đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới các hình thức khác nhau. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, từ đó dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới với các sản phẩm nhập khẩu.
Do đó, một trong những vấn đề đặt ra cho xuất khẩu ngay từ năm 2024 là chuyển đổi xanh. Đây có thể là vấn đề sống còn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường lớn như Châu Âu.
Cùng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, chuyển đổi xanh không chỉ còn là chuyện của những cam kết chính trị ở tầm chiến lược quốc gia mà đang trở thành đòi hỏi của thị trường, được dẫn dắt bởi thị trường, đồng thời là vấn đề sống còn, là “cơm áo, gạo tiền” của doanh nghiệp xuất khẩu.
“Đã có rất nhiều thị trường đòi hỏi sản phẩm phải xanh, an toàn, nhân văn, chưa nói đến cá tính. Xu hướng này ngày càng gia tăng và trở nên mạnh mẽ bởi sự tăng nhanh của tầng lớp trung lưu và giới trẻ”, ông Thành thông tin.
Theo ông Thành, chuyển đổi xanh với Việt Nam vừa là thách thức nhưng vừa là không gian, cơ hội tạo động lực phát triển mới. Bắt đầu từ năm nay và đặc biệt 1-2 năm tới, các nước phát triển bắt đầu thực hiện áp dụng các quy tắc mới này và chúng ta buộc phải chuẩn bị để đáp ứng.
Nền tảng chính là ESG – một bộ chỉ số trong những thước đo về sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đi cùng với việc đáp ứng bộ chỉ số ESG là yêu cầu về đo lường, báo cáo phát thải, tham gia thị trường mua – bán carbon… Điều này cũng đòi hỏi chuẩn bị tầm nhìn chính sách tương ứng với các tiêu chuẩn mới.
Tuy đã có những cam kết về chính trị, chiến lược, song thực tế còn tiền triển khá chậm. Do vậy, chuyên gia kiến nghị, cần đẩy nhanh hoàn thiện các khung khổ pháp lý liên quan tới tiêu chí xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh… gắn với nỗ lực đáp ứng tiêu chí của các nước là thị trường xuất khẩu chính.
Kỳ Thư
https://vietnamfinance.vn/chuyen-doi-xanh-van-de-song-con-com-ao-gao-tien-cua-dn-xuat-khau-20180504224295391.htm