(CSPLO) – Đào tạo nhân lực công nghệ cao và nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao là một yêu cầu cấp thiết trong tình hình đất nước ta hiện nay nhằm tạo sự đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xã hội, giáo dục và y tế, an sinh xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn đến 2045. Việc đào tạo nhân lực công nghệ cao và nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao có vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao có khả năng cạnh tranh cao với các quốc gia trong khu vực và toàn cầu. Bên cạnh đó, đào tạo nhân lực công nghệ cao và nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao giúp đáp ứng nhu cầu sản phẩm công nghệ cao thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và đồng thời cũng giúp tạo giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao quốc gia.
Tuy nhiên, các giải pháp liên quan đến việc đào tạo nhân lực công nghệ cao và nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao cần phải tuân theo các văn bản pháp quy hiện hành về phát triển công nghệ cao tại Việt Nam bao gồm các Luật, Nghị định, Quyết định, và Thông tư được ban hành còn hiệu lực thi hành liên quan đến các hoạt động công nghệ cao như là Luật Công nghệ cao năm 2008 (Luật số 21/2008/QH12), Thông tư số 32/2011/TT-BTC ngày 14/03/2011 (Hướng dẫn chế độ tài chính đối với các doanh nghiệp công nghệ cao), Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 (Quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, liên quan trực tiếp đến các hoạt động công nghệ cao), Thông tư số 13/2013/TT-BKHCN ngày 20/06/2013 (Quy định về thủ tục đăng ký, công nhận hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ cao), Quyết định số 1987/QĐ-TTg ngày 24/10/2013 (Phê duyệt chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, và vật liệu mới), Nghị định số 74/2017/NĐ-CP ngày 20/06/2017 (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2012/NĐ-CP), Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 của Bộ Chính trị (Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có các chính sách liên quan đến phát triển công nghệ cao), Văn bản hợp nhất Luật Công nghệ cao số 32/VBHN-VPQH (16/12/2019), Nghị định số 95/2020/NĐ-CP ngày 24/08/2020 (Quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghệ cao liên quan đến ưu đãi thuế, đầu tư, và hỗ trợ phát triển công nghệ cao), Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 12/10/2020 (Ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển), Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 01/06/2020 (Phê duyệt chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ cao đến năm 2030).
Các văn bản trên đây là nền tảng pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ cao tại Việt Nam thông qua việc đào tạo nhân lực công nghệ cao và nhân lực chất lượngcao phục vụ các ngành công nghệ cao, hướng đến mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế xã hội, y tế – giáo dục và an sinh xã hội dựa trên khoa học và công nghệ.
CẦN ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO PHỤC VỤ NGÀNH CÔNG NGHỆ CAO
Xác định các ngành nghề công nghệ cao
Căn cứ vào chính sách phát triển khoa học công nghệ (KHCN) và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội – hội, nhập quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2020 – 2030 và tầm nhìn 2045, Bộ KHCN, Bộ GDĐT và các cơ quan có liên quan dựa trên Quyết định số 37/2020/QĐ-TTg ngày 12/10/2020 “Ban hành danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển”, cần đưa ra định hướng ưu tiên chọn lựa các ngành công nghệ cao cần phát triển trong giai đoạn này phù hợp với mục tiêu phát triển chung, các Luật, Nghị định hiện hành và trình Chính phủ phê duyệt.
Trong điều kiện hiện nay của Việt Nam, các ngành nghề công nghệ cao cần ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực phục vụ công nghệ cao nhằm tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, y tế – giáo dục, anh ninh quốc phòng và an sinh xã hội, chủ động hội nhập quốc tế, bao gồm: các ngành nghề về công nghệ thông tin và truyền thông (ICT): trí tuệ nhân tạo (AI) (học máy, học sâu, robot); dữ liệu lớn (Big Data) và phân tích dữ liệu; điện toán đám mây (Cloud Computing); internet vạn vật (IoT); an ninh mạng (Cybersecurity); công nghệ sinh học công nghệ cao: công nghệ sinh học y tế (phát triển thuốc, vắc xin, liệu pháp gen, và các phương pháp chẩn đoán mới); công nghệ sinh học nông nghiệp; công nghệ sinh học môi trường; công nghệ vật liệu mới: vật liệu nano; vật liệu composite; vật liệu sinh học: phát triển các vật liệu có thể tương thích sinh học để sử dụng trong y học và sinh học; công nghệ năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học); công nghệ tự động hóa và robot; công nghệ hàng không và vũ trụ; công nghệ y tế (y học chính xác; thiết bị y tế công nghệ cao); công nghệ môi trường. Tuy nhiên, tùy giai đoạn và tình hình chung thực hiện mục tiêu phát triển công nghệ cao quốc gia, các ngành nghề công nghệ cao có thể được cập nhật, bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với định hướng phát triển.
Xây dựng chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghệ cao và mở mã ngành đào tạo mới các ngành nghề công nghệ cao
Căn cứ vào nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và chất lượng cao phục vụ cho các ngành công nghệ cao, các cơ sở đào tạo được quy hoạch đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao; tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, robot, công nghệ sinh học, công nghệ y tế, và công nghệ vật liệu mới. Đặc biệt cần phải xây dựng các chương trình đào tạo ngành công nghệ cao mang tính hiện đại, tính thời đại theo xu hướng công nghệ toàn cầu, phù hợp với những tiến bộ mới nhất trong ngành công nghệ cao; các chương trình đào tạo phải mang tính liên thông, liên ngành, đa ngành công nghệ cao, nhằm giúp khả năng thích ứng với các yêu cầu công nghệ đa dạng, công nghệ lõi.
Chương trình đào nguồn nhân lực công nghệ cao phải bảo đảm thực hiện theo quy định của Điều 26 (Chính sách phát triển nhân lực công nghệ cao), Điều 27 (Đào tạo nhân lực công nghệ cao) của Luật Công nghệ cao theo Văn bản hợp nhất ngày 16/12/2019 của Quốc Hội (hợp nhất Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội, Luật số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2015).
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ phát biểu về đào tạo nhân lực chất lượng cao trong phiên họp góp ý“Chiến lược Quốc gia về Phát triển Giáo dục đào tạo Giai đoạn 2020 –2030 và tầmnhìn đến 2045” của Hội đồng Quốc gia Giáo dục & PTNL (Hà Nội, tháng 3/2024).
CẦN CÓ GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN YÊU CẦU THỰC TIỄN CỦA VIỆC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ CAO
Cần phải có sự tham gia chủ động và tích cực về cơ chế, chính sách của các Bộ ngành chủ quản
Cần phải giao trách nhiệm quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghệ cao cho các Bộ ngành chủ quản liên quan (Bộ GDĐT, Bộ KHĐT, Bộ LĐTBXH, Bộ Tài chính…). Việc thể chế hóa việc phát triển nhân lực công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống giáo dục và đào tạo quốc gia nhằm thực hiện chính sách của Nhà nước đối với hoạt động công nghệ cao quy định tại Luật Công nghệ cao và các quy định khác của pháp luật có liên quan; do vậy, đào tạo nhân lực công nghệ cao phải gắn với thực tiễn, nhiệm vụ ứng dụng, phát triển công nghệ cao đáp ứng nhu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo đảm về số lượng, chất lượng và cơ cấu nhân lực công nghệ cao, sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng nguồn nhân lực công nghệ cao.
Bên cạnh đó, cần có chiến lược quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao; trong đó phải lưu ý đến nguồn nhân lực công nghệ cao phải được đào tạo đồng bộ về cơ cấu, trình độ bao gồm nhà khoa học, nghiên cứu viên, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật. Do vậy cần phải có chính sách đặc thù và thống nhất giữa các Bộ ngành chủ quản dưới sự điều phối của Chính phủ.
Vai trò điều phối và đặt hàng nguồn nhân lực công nghệ cao của Chính phủ, Bộ chủ quản cho các cơ sở đào tạo
Chính phủ cần phải tạo điều kiện và có cơ chế chính sách thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia phát triển nhân lực công nghệ cao; ưutiên ngân sách, các nguồn lực, áp dụng mức ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật để phát triển nhân lực công nghệ cao. Do vậy, cần phải có quy định cụ thể về tiêu chí cá nhân trực tiếp thực hiện nhiệm vụ của “Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao”được ưu tiên xét tuyển để nâng cao trình độ ở trong nước và nước ngoài theo các chương trình đào tạo quốc gia.
Các Bộ ngành chủ quản cần có quy định cụ thể về việc sử dụng ngân sách giáo dục và đào tạo hằng năm, có kinh phí để chọn cử học sinh – sinh viên có kết quả học tập xuất sắc, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, công nhân kỹ thuật để đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài về công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển (Điều 5, Luật Công nghệ). Chính phủ có vai trò chỉ đạo, giám sát các bộ chủ quản trong việc ban hành các thông tư, nghị định, văn bản hợp nhất tạo điều kiện cho các chương trình, dự án, đề tài về ứng dụng và phát triển công nghệ cao sử dụng ngân sách nhà nước được dành kinh phí cho đào tạo nhân lực công nghệ cao phù hợp với mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ được phê duyệt.
Phiên họp góp ý “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giaiđoạn 2025–2035 và định hướng tới 2045” của Tiểu ban Phát triển nhân lực – Hội đồngQuốc gia Giáo dục & PTNL do Thứ trưởng Bộ GDĐT chủ trì (Hà Nội, ngày 27/9/2024).
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO PHỤC VỤ NGÀNH CÔNG NGHỆ CAO GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ CƠ SỞ ĐÀO TẠO
Xây dựng mô hình hợp tác bền vững giữa doanh nghiệp công nghệ cao với cơ sở đào tạo chất lượng cao
Các bộ ngành chủ quản cần có chính sách định hướng cho các cơ sở đào tạo thiết lập mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp công nghệ cao thông qua việc thiết lập các hợp đồng hợp tác giữa doanh nghiệp công nghệ cao và cơ sở đào tạo trong tham gia vào quá trình đào tạo, trong việc cải tiến – phát triển chương trình đào tạo mang tính đồng bộ, phát triển chương trình thực tập và trải nghiệm thực tế, tăng cường đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp (đào tạo theo đặt hàng, đào tạo ngắn hạn và cập nhật công nghệ cao cho doanh nghiệp), phản hồi về năng lực của người học công nghệ cao qua hoạt động thực tiễn tại doanh nghiệp.
Phát triển các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao trực thuộc các cơ sở đào tạo công nghệ cao
Chính phủ và các bộ ngành chủ quản cần có chính sách và thể chế khuyến khích thiết lập các trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cao giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao; thông qua đó, doanh nghiệp công nghệ cao hợp tác sâu rộng hơn với các cơ sở đào tạo để hỗ trợ khởi nghiệp, phát triển các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, cung cấp tài nguyên, tài chính và cơ hội thị trường.
Khuyến khích đầu tư từ doanh nghiệp công nghệ cao vào cơ sở đào tạo chất lượng cao
Các Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội đồng Thương mại cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghệ cao, thông qua việc đầu tư tài chính, hợp tác song phương, đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, đào tạo theo địa chỉ nhân lực công nghệ cao đặc thù trong lĩnh vực chuyên ngành.
Chính phủ, bộ ngành chủ quản cần có cơ chế, chính sách tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đóng góp cho việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao đáp ứng mục tiêu, chương trình quốc gia về công nghệ cao. Cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo công nghệ cao, các chương trình chất lượng cao phục vụ ngành công nghệ cao, giúp sinh viên tiếp cận với công nghệ cao tiên tiến. Khuyến khích doanh nghiệp cung cấp tài trợ hoặc học bổng cho sinh viên xuất sắc, góp phần vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
TĂNG CƯỜNG HỢP TÁC, TRAO ĐỔI THÔNG TIN VÀ NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG NGHỆ CAO GIỮA CÁC BỘ CHỦ QUẢN, CÁC CƠ SỞ ĐÀO TẠO VÀ CÁC DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO
Quy chế phối hợp giữa Chính phủ, Bộ ngành chủ quản, cơ sở đào tạo chất lượng caovà doanh nghiệp công nghệ cao
Cần có các quy định cụ thể, cơ chế phối hợp thống nhất giữa các bộ ngành chủ quản, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao trong việc đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao. Định kỳ hàng năm, các Bộ ngành chủ quản cần có các hội nghị, hội thảo, sự kiện kết nối giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo công nghệ cao, tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, cập nhật xu hướng công nghệ và nhu cầu nhân lực công nghệ cao để xây dựng định hướng phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao theo hướng đồng bộ và thống nhất. Cần có cơ chế giúp cho việc xây dựng mạng lưới hợp tác giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghệ cao, nhằm tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo nhân lực.
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ TỪ CHÍNH PHỦ TRONG VIỆC ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO PHỤC VỤ CHO NGÀNH CÔNG NGHỆ CAO
Chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ cao
Chính phủ cần ban hành các chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp công nghệ cao tham gia vào các chương trình đào tạo nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chấtlượng cao phục vụ cho ngành công nghệ cao. Luật Khoa học công nghệ, Luật Công nghệ cao, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách cần có quy định cụ thể việc thành lập các quỹ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghệ cao với sự hỗ trợ từ chính phủ hoặc doanh nghiệp nhằm thúc đẩy các chương trình đào tạo chất lượng cao và công nghệ cao. Cần tăng cường hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo chất lượng cao là một giải pháp quan trọng giúp phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghệ cao tại Việt Nam.
Chính sách quốc gia về phát triển đội ngũ giảng viên chất lượng cao về công nghệ cao
Các bộ ngành chủ quản cần có cơ chế tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo trong việc đào tạo và nâng cao năng lực giảng viên công nghệ cao; có cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia quốc tế về công nghệ cao hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghệ cao thông qua việc mời các chuyên gia quốc tế trong ngành công nghệ cao tham gia giảng dạy và chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao. Xây dựng các vườn ươm khởi nghiệp và chương trình hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ cao, giúp đội ngũ giảng viên và nhà nghiên cứu phát triển ý tưởng công nghệ thành sản phẩm thương mại công nghệ cao.
Chính sách ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị công nghệ cao
Cần có cơ chế khuyến khích các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho ngành công nghệ cao xây dựng phòng thí nghiệm và trung tâm nghiên cứu công nghệ cao. Đầu tư trọng điểm vào cơ sở vật chất hiện đại phục vụ cho các ngành công nghệ cao trọng điểm quốc gia, ưu tiên đầu tư công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và giảm thiểu tác động môi trường. Cần có cơ chế chính sách ưu tiên, chiến lược quốc gia đặc thù phát triển các ngành công nghệ cao mũi nhọn làm đòn bẩy phát triển kinh tế xã hội, giáo dục – y tế, an ninh – quốc phòng và an sinh xã hội trong các lĩnh vực ưu tiên như “trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ sinh học y tế, công nghệ sinh học nông nghiệp, công nghệ sinh học môi trường, công nghệ vật liệu mới, công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ tự động hóa và robot, công nghệ hàng không và vũ trụ, công nghệ y tế – môi trường.
Tóm lại, đào tạo nhân lực công nghệ cao và nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngànhcông nghệ cao là một yêu cầu cấp thiết nhằm tạo sự đột phá trong việc thực hiện các mụctiêu chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế xã hội, giáo dục và y tế, an sinh xã hội vàbảo đảm an ninh quốc phòng, hiện thực hóa việc hội nhập toàn cầu về công nghệ cao vàbằng công nghệ cao. Việc đào tạo nhân lực công nghệ cao và nhân lực chất lượng caophục vụ các ngành công nghệ cao là nhiệm vụ then chốt, là động lực cho sự đổi mớitrong giáo dục và đào tạo, là tiền đề cho sự đột phá trong xu hướng đào tạo của các cơsở đào tạo chất lượng cao tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai./.
(Bài xuất bản số T10, đặc san khoa học Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập)
GS.TSKH. Dương Quý Sỹ – UVHĐQG Giáo dục & PTNL Việt Nam; Phó Trưởng Tiểu ban Giáo dục Nghề nghiệp; Cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC); Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE)