(CSPLO) – Theo giới chuyên gia, Luật Điện lực (sửa đổi) cần tạo hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo và hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về năng lượng; phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi, sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh… góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng tại nước ta.
Cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: N.A.
Thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) gồm 9 chương, 119 điều. Theo các chuyên gia, dự thảo luật đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới cơ chế, chính sách nhằm xây dựng thị trường điện, năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh; áp dụng giá thị trường với các loại hình năng lượng; thúc đẩy đầu tư, khai thác điện gió, điện mặt trời và các dạng năng lượng tái tạo khác; luật hóa việc điều hành giá điện…
Mới đây, khi chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Điện lực là hết sức cấp thiết. Với vai trò là cơ quan soạn thảo, Bộ Công thương cần bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhận diện rõ tồn tại, yếu kém, khoảng trống pháp luật trong lĩnh vực điện lực để hoàn thiện, bổ sung; tạo không gian pháp lý mới cho chính sách chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh, năng lượng tái tạo.
Theo Phó Thủ tướng, Luật Điện lực (sửa đổi) cần giải quyết mối quan hệ kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa theo hướng tách bạch quản lý nhà nước với kinh doanh, sản xuất điện; tạo lập hành lang pháp lý cho năng lượng tái tạo và hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ mới về năng lượng; phát triển và xuất khẩu điện gió ngoài khơi, sản xuất nhiên liệu xanh như hydro xanh, amoniac xanh… Một trong ba nhóm chính sách quan trọng trong phát triển điện lực là nhóm chính sách để chuyển đổi nguồn điện năng lượng hóa thạch sang điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới; giảm bớt tác động tiêu cực trong quá trình chuyển đổi năng lượng đối với doanh nghiệp (DN), người dân, nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Công thương quan tâm đến các chính sách sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường; chiến lược phát triển Việt Nam trở thành trung tâm năng lượng của khu vực và thế giới; vai trò của Nhà nước trong bảo đảm an toàn hệ thống, khuyến khích phát triển điện nền (pin lưu trữ điện, thủy điện tích năng, điện hạt nhân an toàn) để tăng tỷ lệ huy động điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới…
Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo
Ông Nguyễn Ngọc Cường – Giám đốc điều hành Công ty CP Đầu tư EverSolar cho rằng, với xu thế phát triển kinh tế hiện nay, Luật Điện lực (sửa đổi) cần mở ra những cơ chế về phát triển nguồn và lưới điện đảm bảo cung ứng đủ điện năng cho nhu cầu phát triển kinh tế, hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 26).
Trao đổi về việc phát triển điện mặt trời mái nhà, ông Cường chia sẻ, với giá thành tấm pin quang năng ngày nay, một hệ thống điện mặt trời mái nhà được phép nối lưới chỉ còn dưới 10 triệu đồng/1kWp, nếu thêm 1kWh pin lưu trữ thì giá thành ở mức 16 đến 19 triệu đồng/(kWp + 1kWh). Mức giá này tương đương với giai đoạn 2017 – 2018 khi chính sách FIT 1 đang còn hiệu lực và chi phí cho pin lưu trữ đang trên đà giảm nhanh.
Tuy nhiên, việc triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang gặp nhiều rào cản pháp lý. Do đó, ông Cường đề nghị cần sớm có chính sách rõ ràng, nhất quán trong phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời mái nhà kết hợp với lưu trữ điện năng. Cần có sự phân loại, phân rõ cấp độ đối với hệ thống điện mặt trời áp mái tự sản, tự tiêu và đối tượng đầu tư sử dụng nhằm đơn giản hóa thủ tục đăng ký thực hiện và quản lý hành chính. Đồng thời, cần ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể đối với năng lượng tái tạo không nối lưới (bao gồm microgrid) như hỗ trợ về thủ tục xây dựng, quỹ đất, tài chính, lãi vay. Quy định rõ điện mặt trời mái nhà có lưu trữ với tỷ lệ nhất định được quyền đấu nối với hệ thống điện quốc gia.
Còn ông Phạm Đăng An – Phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group cho rằng, hợp tác đa bên trong phát triển điện mặt trời mái nhà là một khía cạnh cần được nhấn mạnh. Theo ông An, dự luật đã bao gồm các phần đề cập việc bán buôn điện giữa các bên thứ ba, nhưng cần bổ sung thêm quy định cụ thể để khuyến khích sự tham gia của nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Theo đó, cho phép các nhà đầu tư thứ ba tham gia thông qua mô hình hợp tác như hợp đồng mua bán điện (PPA). Điều này sẽ giúp DN tiếp cận nguồn tài chính cần thiết, giảm thiểu áp lực về dòng tiền và thúc đẩy sựphát triển của năng lượng tái tạo. Ông Phạm Đăng An nhấn mạnh, việc này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các DN đang hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo và cần những giải pháp tài chính linh hoạt để thực hiện chuyển dịch xanh.
Trong khi đó, ông Phạm Lê Quang – Giám đốc phát triển dự án của Công ty CP BCG Energy kiến nghị, bổsung tại Điều 29 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nội dung ưu tiên phát triển các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đồng thời, xem xét miễn/giảm thủ tục vềquy hoạch điện cho các nhà máy đốt rác phát điện trên cơ sở xem xét tính cấp thiết về nhu cầu xử lý môi trường của loại hình năng lượng này.
NAM ANH
https://daidoanket.vn/luat-dien-luc-sua-doi-can-tao-hanh-lang-phap-ly-cho-nang-luong-tai-tao-10289938.html