(CSPLO) – Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã chủ trì tổ chức tham vấn pháp lý cho các doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và một số doanh nghiệp truyền thông thuộc Câu lạc bộ truyền thông báo chí – Chính sách pháp luật tại số 414, đường Huỳnh Tấn Phát, phường Bình Thuận, quận 7, TP.HCM vào sáng ngày 23/11/2024, xoay quanh Luật Căn cước có hiệu lực ngày 01/07/2024 vừa qua và Bộ luật Dân sự 2015.
Tại buổi tham vấn trực tiếp, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) đã phân tích các yếu tố pháp lý được nhiều người thắc mắc, trong trường hợp ra nước ngoài làm việc hoặc du lịch và bị mất thẻ căn cước thì có được cấp lại hay không?. Bên cạnh đó, bị người khác lấy cắp thông tin thẻ căn cước vay nợ thì không có nghĩa vụ phải trả nợ; tuy nhiên cần chứng minh được bản thân không phải là người vay tiền.
Bị mất căn cước khi du lịch nước ngoài, có được cấp lại hay không?
Căn cứ theo Luật Căn cước có hiệu lực từ 1/7/2024, trong đó quy định các trường hợp phải cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước. Tại Điều 24, các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước gồm:
- Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm: Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này; Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định củapháp luật; Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước; Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính; Xác lập lại số định danh cá nhân; Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.
- Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm: Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này; Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.
Do đó, theo Luật Căn cước có hiệu lực ngày 1/7/2024 thì thẻ căn cước bị mất thuộc trường hợp được cấp lại theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24.
Theo trình tự, thủ tục cấp lại thẻ căn cước trong trường hợp này được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước.
Cơ quan quản lý thẻ căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.
Qua đó, nơi làm thủ tục cấp lại thẻ căn cước là cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú. Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.
Cùng với đó, trường hợp cần thiết thì các cơ quan nêu trên tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.
Vì vậy, chỉ trong trường hợp cần thiết thì cơ quan quản lý căn cước mới tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại địa phương (xã, phường…).
Trường hợp mất thẻ căn cước, người dân có thể chọn làm thủ tục để được cấp lại thẻ căn cước qua Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng định danh quốc gia hoặc liên hệ trực tiếp tại công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là công an cấp huyện) hoặc công an tỉnh, thành phố (gọi tắt là công an cấp tỉnh).
Bị người thân lấy thẻ căn cước đi vay tiền, có phải trả thay?
Căn cứ Điều 463, Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Vì lẻ đó, việc vay nợ chỉ được xác lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên dưới tinh thần tự nguyện.
Trong trường hợp bị người khác lấy cắp thông tin căn cước để vay nợ nhưng trên thực tế không thực hiện giao dịch vay tiền, không nhận tiền vay thì không có nghĩa vụ phải trả nợ. Tuy nh, cần chứng minh được bản thân không phải là người vay tiền.
Căn cứ theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015; quy định tại khoản 5, khoản 6 và khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2020/TT-BCA (sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 29/2021/TT-BCA), người bị đánh cắp thông tin vay tiền có thể trình báo sự việc trên cho các cơ quan công an. Theo đó, để được cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra, xác minh sự việc cũng như đưa ra phương án xử lý với người lấy cắp thông tin.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022), cá nhân có hành vi sử dụng thông tin cá nhân của người khác không đúng mục đích hoặc không có sự đồng ý của chủ thể, có thể bị phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015, nếu phải chịu thiệt hại do hành vi tự ý chiếm giữ và sử dụng thông tin căn cước công dân để vay tiền, người đó có thể khởi kiện và bị yêu cầu bồi thường thiệt hại. Thời hiệu khởi kiện là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm quy định tại Điều 588 Bộ luật Dân sự 2015.
Viện IMRIC và Viện IRLIE, bên cạnh công tác chuyên môn, nghiên cứu, phản biện khoa học, thì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật luôn được chú trọng, giao Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) tăng cường phối hợp với các Sở, ngành ở các địa phương trên cả nước thường xuyên tổ chức toạ đàm khoa học, tham vấn pháp lý trực tiếp, trực tuyến nhằm tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức và trở thành một người tuyên truyền viên tích cực lan tỏa những kiến thức pháp luật bổ ích đến gia đình và xã hội.
Từ đó, việc đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về Căn cước, định danh và xác thực điện tử và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành, Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho hệ thống chính trị và Nhân dân tại địa phương về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Căn cước với đời sống xã hội, góp phần tạo sự thống nhất trong nhận thức và sự đồng thuận ủng hộ của cả hệ thống chính trị và Nhân dân trong triển khai Luật Căn cước vào cuộc sống.
Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC) thông tin những nội dung dễ xảy ra tranh chấp dân sự có liên quan đến đời sống, sinh hoạt, làm ăn của người dân như: tranh chấp đất đai, mẫu thuân sinh hoạt thường ngày giữa hai hộ liền kề, những trường hợp được hưởng quyền thừa hưởng di chúc khi người thân qua đời, các thủ tục để xác nhận việc thay đổi họ, tên cho con. Bộ luật Dân sự năm 2015 là đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ dân sự được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm của các bên tham gia quan hệ đó. Bộ luật cũng ghi nhận các nguyên tắc cơ bản của các quan hệ dân sự, công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự theo Hiến pháp và pháp luật. Bên cạnh đó, buổi tham vấn pháp lý còn được phổ biến một số nội dung của Luật phòng chống bạo lực gia đình; các nội dung về Bình đẳng giới trong gia đình và phòng chống bạo lực gia đình và một số văn bản có liên quan.
Tin rằng, sau mỗi buổi tham vấn pháp lý, mỗi người dân, mỗi thành viên doanh nghiệp sẽ trở thành những tuyên truyền viên chất lượng, để thông qua đó, góp phần đưa các quy định của nhà nước từng bước đi vào cuộc sống và đảm bảo hơn nữa quyền và lợi ích của công dân trong lĩnh vực này. Việc làm này, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao ý thức và niềm tin pháp luật, từng bước xây dựng và củng cố các giá trị văn hóa pháp lý trong cuộc sống xã hội. Song song đó, làm cho tinh thần thượng tôn pháp luật thực sự thấm sâu vào ý thức, hành vi, hành động của mọi người dân, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội.
Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự pháp triển kinh tế – xã hội. Ở nước ta, thời gian qua, cùng với việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống trở thành yêu cầu cấp thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và hiệu quả./.
LG. Hồ Vĩnh Chung – PCVP Viện IRLIE, CVP Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm