(CSPLO) – Vừa qua, có một số tổ chức, cá nhân tại tỉnh Đồng Nai đã gửi thư liên hệ với Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhờ hỗ trợ tham vấn pháp lý liên quan đến việc đánh bạc, vay tiền nhất là thời điểm Tết Nguyên Đán đang đến gần…
Dưới góc độ pháp lý, ThS. Nguyễn Thành Hưng – Phó giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm (TTLCC), Giám đốc Chi nhánh số 1 (toạ lạc tại tại Tổ 1, khu Văn Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) xin phúc đpas cụ thể sau: Đánh bạc được hiểu là hành vi tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự thắng (hoặc thua) kèm theo sự được (hoặc mất) một lợi ích vật chất đáng kể (tiền, hiện vật hay các tài sản khác). Pháp luật hình sự có quy định xử phạt như thế nào đối với các trường hợp vay tiền rồi cố tình chiếm đoạt, dù người đó có đủ điều kiện để trả nợ?
Đánh bạc bao nhiêu tiền thì bị đi tù?
Ảnh minh hoạ
Hành vi đánh bạc được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau. Theo đó, thường thấy là chơi bài Tây, tổ tôm, xóc đĩa, chơi lô, đề, cá độ bóng đá, chọi gà…
Căn cứ tại quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, người có hành vi đánh bạc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đánh bạc khi: Đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 triệu đồng trở lên; Hoặc số tiền, tài sản dùng để đánh bạc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Căn cứ theo khoản 3 Điều 1 Nghị quyết 01/2010/NQ-HĐTP quy định, tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc bao gồm: Tiền/hiện vật dùng để đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; Tiền/hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc;Tiền/hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định đã được hoặc sẽ được dùng để đánh bạc.
Qua đó, nếu nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật đánh bạc với từng người đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc.
Căn cứ tại Điều 321 Bộ luật Hình sự như sau: Phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi: Đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5 đến dưới 50 triệu đồng. Số tiền, tài sản dùng để đánh bạc dưới 5 triệu đồng nhưng người đánh bạc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Trong đó, phạt tù từ 3 năm đến 7 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp: Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50 triệu đồng trở lên; Sử dụng mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội. Tái phạm nguy hiểm: Người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 – 50 triệu đồng.
Vay tiền rồi cố tình chiếm đoạt có thể bị phạt đến 20 năm tù
Ảnh minh hoạ
Nếu người vay tiền có thể trả nợ nhưng không trả mà cố tình dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Theo Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.
Cùng với đó, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tái phạm nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 12 năm. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Dưới sự chủ trì của Thường trực Viện IMRIC và Viện IRLIE, các luật sư, luật gia, các tư vấn viên, cộng tác viên của Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm nhất là Chi nhánh số 1 đã tuyên truyền, phổ biến một số quy định về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống bạo lực gia đình và xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực gia đình là hành vi vi phạm pháp luật và không phải là việc riêng của từng gia đình; bằng sự tác động của luật pháp, các nạn nhân được bảo vệ, hành vi bạo lực gia đình cần phải được ngăn chặn kịp thời.
Qua công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật của Trung tâm, Chi nhánh số 1 nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội; Phòng, chống bạo lực gia đình, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của nhân dân, đoàn viên, hội viên các đoàn thể, các gia đình về quản lý con em tránh xa các tệ nạn xã hội và nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên; cũng như bên cạnh đó người dân hiểu biết hơn về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Trần Danh – Hữu Phi (CTV TVVPL thuộc Trung tâm TTLCC)