(CSPLO) – Mới đây, có một số doanh nghiệp thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE (trực thuộc Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế “IMRIC” và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập “IRLIE”). Qua đó, nhờ tham vấn pháp lý về việc đưa thông tin sai sự thật về vỡ đê và sử dụng hình ảnh, đưa thông tin chưa kiểm chứng mà không được sự đồng ý của người khác sẽ bị xử lý như thế nào…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin phúc đáp cụ thể sau: Việc đưa thông tin giả mạo, sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin thất thiệt…,các đối tượng tung tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự.
Đưa tin sai sự thật về vỡ đê có thể bị xử lý hình sự?
Trong trường hợp hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội khiến cho người dân lo lắng mà phải di chuyển chỗ ở hoặc phải tốn kém chi phí để thực hiện các giải pháp ứng phó không cần thiết, gây ra dư luận xấu thì có thể xem xét xử lý hình sự.
Cụ thể, ngày 10/09/2024, Công an tỉnh Hải Dương đã triệu tập 5 người thông tin nội dung sai sự thật về việc vỡ đê trên địa bàn các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà, Chí Linh (tỉnh Hải Dương). Các bài viết này đã thu hút sự chú ý và chia sẻ của hàng ngàn lượt người, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống lụt bão và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Công an Hải Dương triệu tập những người tung tin sai sự thật về tình hình mưa lũ trên địa bàn.
Cùng với đó, hành vi đưa thông tin sai sự thật là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm luật an ninh mạng. Bởi vậy, tùy thuộc vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người đưa thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp hành vi được xác định là chưa đến mức nguy hiểm cho xã hội, chưa gây ra những hậu quả xấu cho xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật này sẽ bị phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 101 nghị định số 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 5 đến 10 triệu đồng với cá nhân và sẽ gấp hai lần đối với tổ chức.
Căn cứ điều 133 Bộ luật Hình sự, trường hợp hành vi đưa thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự an toàn xã hội khiến cho người dân lo lắng mà phải di chuyển chỗ ở hoặc phải tốn kém chi phí để thực hiện các giải pháp ứng phó không cần thiết, gây ra dư luận xấu thì có thể xem xét xử lý hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích pháp của tổ chức cá nhân với chế tài bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Ngoài ra, trước những vấn đề dư luận xã hội quan tâm thì người dân cần thận trọng khi tiếp cận với các nguồn thông tin. Tuyệt đối không vội vàng tin vào những thông tin qua mạng xã hội để không ảnh hưởng đến đời sống, công việc, hoang mang một cái không cần thiết. Để theo dõi các thông tin về thời tiết, về bão lũ thì cần tiếp cận những thông tin từ đài, báo chính thống, ứng phó với thiên tai theo các thông báo, chỉ dẫn của chính quyền địa phương
Khi thấy xuất hiện những thông tin mới về thiên tai trên mạng xã hội thì người dung mạng xã hội cần phải tìm hiểu rõ nguồn tin có chính thống hay không, đã được cơ quan chức năng xác thực hay chưa. Tuyệt đối không chia sẻ, đăng tải những thông tin chưa được kiểm chứng, sai sự thật gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống lụt bão, gây hoang mang trong dư luận xã hội…
Sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân của người khác đăng tải lên mạng xã hội, bị xử lý như thế nào?
Theo Hiến pháp 2013 và Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền của cá nhân đối với hình ảnh là quyền bất khả xâm phạm, khi sử dụng hình ảnh của người khác phải có sự đồng ý của người đó (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Căn cứ tại Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau: Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Đăng, phát, sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam không thể hiện đầy đủ hoặc thể hiện sai chủ quyền quốc gia; Quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm; Giả mạo trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân khác; Đăng, phát các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không được sự đồng ý của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc không được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu.
Trong đó, có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này; Buộc thu hồi hoặc buộc hoàn trả tên miền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
Căn cứ tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định như sau: Quy định về mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức: Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định này. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Như vậy, trường hợp đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến danh dự của người khác có thể bị phạt đến từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức và từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân. Ngoài ra, còn buộc gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật khi thực hiện hành vi này.
Căn cứ tại điểm a khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau: Tội vu khống: Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với 02 người trở lên; Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; Đối với người đang thi hành công vụ; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội. Theo đó, trường hợp đăng thông tin sai sự thật trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến uy tín của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống với mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng 2018, cụ thể gồm: Các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng: Sử dụng không gian mạng để thực hiện hành vi sau đây: Hành vi quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này; Tổ chức, hoạt động, câu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế – xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; Hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội, mua bán người; đăng tải thông tin dâm ô, đồi trụy, tội ác; phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội. Như vậy, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi kể trên.
Xác định phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), tư vấn pháp luật (TVPL) và hỗ trợ pháp lý (HTPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên thực hiện của Viện IMRIC phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn thực hiện…Nhằm tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên mạng Internet là một hình thức tuyên truyền hiện đại nhằm truyền tải những thông tin, yêu cầu, nội dung các quy định pháp luật đến với người dân, doanh nghiệp giúp cho người dân và doanh nghiệp hiểu biết, nắm bắt pháp luật kịp thời, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho việc tự tìm hiểu. Có nhiều cách thức khác nhau để thực hiện tuyên truyền pháp luật, cách thức tuyên truyền phổ biến.
Bên cạnh việc tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến, việc đăng tải trên các trang tin điện tử, trang mạng xã hội, đặc san sẽ rất hữu ích, tiện lợi cho người đọc. Thông qua việc tư vấn của đội ngũ luật gia, luật sư, tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật có thể biết được những nội dung cơ bản của pháp luật. Từ đó, người dân và doanh nghiệp hiểu được quyền và lợi ích của mình về tính chuẩn xác, tránh hiểu sai, hiểu nhầm các quy định của pháp luật.
Mặt khác, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, là dịp để những người tham gia bày tỏ, trao đổi những quan điểm của mình về những vấn đề cụ thể. Nội dung giao lưu trực tuyến về pháp luật thường là hỏi và trả lời các vấn đề liên quan đến pháp luật, qua đó góp phần nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội nói chung và nhận thức về pháp luật nói riêng.
Cùng với đó, Viện IMRIC thường xuyên phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn và Trung tâm tư vấn pháp luật Toàn Tâm thực hiện nhằm nhắc nhở người dân, doanh nghiệp cần tìm hiểu pháp luật khi xử dụng mạng Internet về vấn đề an ninh thông tin. Vì vậy, khi thực hiện tuyên truyền pháp luật, đội ngũ luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật phải đặc biệt quantâm đến luật an ninh mạng để có hướng phòng ngừa, xử lý, báo cơ quan chức năng xử lý một cách nghiêm minh...
Luật gia Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng Viện IRLIE, GĐ Trung tâm TVPL Minh Sơn