(CSPLO) – Ngày 22/11/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật và Kinh tế hội nhập (IRLIE) nhận được yêu cầu trả lời, hỗ trợ pháp lý của một số doanh nghiệp thuộc Cậu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và các doanh nghiệp truyền thông thuộc Cậu lạc bộ truyền thông, báo chí – Chính sách pháp luật liên quan đến Luật Giao thông đường bộ 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và một số Nghị định liên quan đến giấy phép lái xe (GPLX).
Ảnh minh hoạ
Phân tích yếu tố pháp lý liên quan, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin phúc đáp cụ thể sau: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới. Đồng thời, trong thời hạn bị tạm giữ Giấy phép lái xe ghi tại biên bản, người vi phạm vẫn được coi là có Giấy phép lái xe và được điều khiển phương tiện tham gia giao thông như bình thường. Từ đó, người tham gia giao thông cần hiểu rõ và tuân thủ quy định của pháp luật.
Nếu không mang GPLX khi tham gia giao thông có bị phạt không?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới.
Cùng với đó, Điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 01/8/2023 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông quy định nội dung kiểm soát của Cảnh sát giao thông gồm kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện giao thông, trong đó có Giấy phép lái xe.
Qua đó, các cơ sở dữ liệu đã kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử, xác định được các thông tin về tình trạng của giấy tờ thì việc kiểm soát thông qua kiểm tra, đối chiếu thông tin của các giấy tờ đó trong tài khoản định danh điện tử sẽ có giá trị như kiểm tra trực tiếp giấy tờ.
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 24, Điều 4, Thông tư số 05/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái, có hiệu lực thi hành từ 01/6/2024, “Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET. Hợp lệ là giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền cấp, có số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn in trên giấy phép lái xe trùng với số phôi, ngày cấp, ngày hết hạn trong hệ thống thông tin quản lý giấy phép lái xe hoặc có thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VNeID”.
Như vậy, thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VNeID là hợp lệ, có thể sử dụng thay thế Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET. khi tham gia giao thông. Vì vậy, mọi người chỉ cần xuất trình VNeID đã tích hợp GPLX chứ không cần mang theo GPLX khi tham gia giao thông.
Trường hợp lái xe bị mất Giấy phép lái xe bằng vật liệu PET., khi tham gia giao thông sử dụng thông tin giấy phép lái xe đã được xác thực trên VNeID thì lái xe không vi phạm lỗi “Không có Giấy phép lái xe” hoặc “Không mang theo Giấy phép lái xe”.
Trong thời gian bị tạm giữ bằng lái, có được điều khiển xe?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định trường hợp tạm giữ bằng lái xe như sau: Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây: Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định của khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) cũng quy định: “Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ…”
Vì vậy, có thể hiểu, trong thời hạn bị tạm giữ Giấy phép lái xe ghi tại biên bản, người vi phạm vẫn được coi là có Giấy phép lái xe và được điều khiển phương tiện tham gia giao thông như bình thường. Nếu sau thời hạn này chưa nộp phạt và vẫn điều khiển phương tiện thì sẽ bị xử phạt như không có Giấy phép lái xe.
Căn cứ tại Điều 21 Nghị định 100/2019 (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021) xử phạt hành vi không có Giấy phép lái xe như sau: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô; Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên, xe mô tô ba bánh; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô.
Trong suốt thời gian qua, Viện IMRIC phối hợp Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) thường xuyên tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về an toàn giao thông theo hướng tăng tính chủ động, sáng tạo, lồng ghép của các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật với các phong trào, hoạt động của hai Viện một cách phù hợp, hiệu quả.
Tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT nhằm truyền bá những quy định của pháp luật về TTATGT và các lĩnh vực khác có liên quan, nhằm giúp cho mọi công dân, doanh nghiệp hiểu đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó hình thành ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý, tôn trọng và tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn ngoài công tác chuyên môn khác, còn tập trung công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT giúp cho mọi người, nhất là người tham gia giao thông hiểu biết đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động giao thông, hành động đúng theo pháp luật và có ý thức đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật khi tham gia giao thông.
Qua đó, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung tâm TTVPLMS phải bám sát thực tiễn, đòi hỏi lực lượng luật gia, luật sư, tư vấn viên, cộng tác viên tư vấn pháp luật phải nắm bắt kịp thời, từ đó phối hợp với các địa phương tổ chức các toạ đàm, hội thoại trực tiếp, trực tuyến đảm bảo công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật hoạt động đạt hiệu quả, đưa ra nội dung, hình thức tuyên truyền sát hợp với các nhóm đối tượng cần được tuyên tuyền.
Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn đã chủ động xây dựng các quy chế, kế hoạch phối hợp với các cơ quan, ban ngành liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội… trong công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT, nhất là việc phổ biến, vận động nhân dân có ý thức bảo đảm an toàn cho mình khi tham gia giao thông…Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật về TTATGT, đẩy mạnh việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, coi trọng việc tuyên truyền trên hệ thống thông tin cơ sở và thực hiện việc tuyên truyền trên internet, các trang mạng xã hội (qua các ứng dụng tin nhắn zalo, viber, messenger…). Bên cạnh đó, cần phê phán mạnh mẽ các vi phạm, hành vi nguy hiểm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, đả kích, lên án trào lưu thiếu văn hóa, lệch chuẩn ủng hộ, cổ vũ cho vi phạm; vận động quần chúng nhân dân lên án, tố giác, cung cấp tài liệu về các hành vi vi phạm TTATGT cho lực lượng chức năng để xử lý nghiêm và kết hợp tuyên truyền phê phán.
Như vậy, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành nói chung, Viện IMRIC và Viện IRLIE, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn nói riêng và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật, nhằm góp phần nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật của người dân; phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông; bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông.
Trần Danh – Kiên Cường (TVV PL Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn)