(CSPLO) – Sáng ngày 13/11/2024, Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) và Viện Nghiên cứu Chính sách pháp luật&Kinh tế hội nhập (IRLIE) đã nhận được thư yêu cầu hỗ trợ pháp lý của một số doanh nghiệp thuộc Câu lạc bộ Doanh nghiệp IMRIC – IRLIE và một số người dân liên quan đến thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản thừa kế và chủ nhà có bị liên đới khi người thuê sử dụng nhà trái pháp luật…
Dưới góc độ pháp lý, Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xin nêu nguyên văn yêu cầu hỗ trợ và phúc đáp cụ thể sau: Tài sản thừa kế nào phải nộp thuế thu nhập cá nhân là câu hỏi nhiều người, doanh nghiệp thường xuyên quan tâm, thắc mắc. Bên cạnh đó, người thuê sử dụng nhà trái pháp luật, tùy trường hợp, chủ nhà sẽ bị liên đới trách nhiệm hoặc không…
Tài sản thừa kế nào phải nộp thuế thu nhập cá nhân?
Căn cứ vào khoản 9 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định các khoản thu nhập từ nhận thừa kế phải nộp thuế thu nhập cá nhân, gồm: Nhận thừa kế là chứng khoán bao gồm: Cổ phiếu, quyền mua cổ phiếu, trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ quỹ và các loại chứng khoán khác; cổ phần của cá nhân trong công ty cổ phần; Nhận thừa kế là phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh; Nhận thừa kế là bất động sản bao gồm: Quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất; quyền sở hữu nhà, kể cả nhà ở hình thành trong tương lai; kết cấu hạ tầng và các công trình xây dựng gắn liền với đất, kể cả công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quyền thuê đất; quyền thuê mặt nước; các khoản thu nhập khác nhận được từ thừa kế là bất động sản dưới mọi hình thức (trừ thu nhập từ thừa kế là bất động sản theo hướng dẫn tại điểm d, khoản 1, Điều 3 Thông tư này); Nhận thừa kế là các tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước như: Ô tô, xe gắn máy, xe mô tô; Tàu thủy, kể cả sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy; thuyền, kể cả du thuyền; tàu bay; súng săn, súng thể thao.
Ngoài ra, theo điểm d khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định về thu nhập được miễn thuế như sau: Thu nhập được miễn thuế là thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng là bất động sản (bao gồm cả nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: Vợ với chồng; Cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; Cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi;Cha chồng, mẹ chồng với con dâu; Cha vợ, mẹ vợ với con rể; Ông nôi, bà nội với cháu nội; Ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; Anh, chị, em ruột với nhau.
Do đó, tài sản có được do nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, và tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng với cơ quan quản lý Nhà nước đều phải chịu thuế TNCN. Trong khi đó, tài sản nhận thừa kế là bất động sản giữa những người nêu trên thì được miễn thuế TNCN.
Chủ nhà có bị liên đới trách nhiệm, khi người thuê sử dụng nhà trái pháp luật?
Trong thời gian gần đây, đã xảy ra nhiều trường hợp người thuê nhà sử dụng nhà để kinh doanh bất hợp pháp, đánh bạc,…đây là yếu tố pháp lý mà nhiều doanh nghiệp và người dân rất lo lắng.
Liên quan đến trách nhiệm pháp lý của chủ nhà trong trường hợp người thuê sử dụng nhà trái phápluật cần phải căn cứ vào việc chủ nhà có biết hay không. Tuy nhiên, nếu họ biết người thuê sử dụng nhà thuê để thực hiện mục đích trái pháp luật thì có thể sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý.
Hiện nay, đã có một số vụ việc đáng tiếc xảy ra khi chủ nhà biết người thuê sử dụng nhà trái pháp luật nhưng không trình báo với cơ quan chức năng, không phản đối tới cùng để ngăn chặn hành vi trái pháp luật của người thuê dẫn tới hệ quả là chính chủ nhà cũng phải chịu trách nhiệm pháp lý với vai trò đồng phạm hoặc chịu trách nhiệm pháp lý cho một tội phạm độc lập khác.
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021 hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 322 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS 2015), trường hợp người thuê nhà sử dụng chính nhà thuê làm địa điểm tổ chức đánh bạc, thì chủ nhà có thể sẽ bị xử lý về hành vi “gá bạc”, cụ thể bị xử phạt hành chính.
Căn cứ theo quy định tại Điều 256 BLHS 2015, trường hợp người thuê nhà sử dụng nhà thuê để làm nơi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, mua bán trái phép chất ma túy thì người thuê nhà có thể sẽ bị xử lý về tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” với mức hình phạt lên đến 15 năm tù ”.Cùng với đó, có những trường hợp khác như người thuê nhà sử dụng nhà thuê trái pháp luật và chủ nhà phải chịu trách nhiệm pháp lý các tội như “không tố giác tội phạm” hay “che giấu tội phạm”…
Trong trường hợp chủ nhà không biết người thuê nhà đang sử dụng nhà mình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật và không tham gia bất kỳ giai đoạn nào của hành vi trái pháp luật của người thuê nhà đã thực hiện, việc cho thuê nhà được xác lập bằng một hợp đồng có điều khoản thỏa thuận rõ ràng về mục đích thuê không được trái pháp luật thì chủ nhà sẽ không phải liên đới chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này.
Căn cứ theo Điều 171 Luật Nhà ở 2023 thì bên cho thuê nhà ở có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê nhà ở và thu hồi nhà ở đang cho thuê khi thuộc một trong các trường hợp sau: Bên cho thuê nhà ở thuộc tài sản công, nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp cho thuê không đúng thẩm quyền hoặc không đúng đối tượng hoặc không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về nhà ở; Bên thuê không trả đủ tiền thuê nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng từ 03 tháng trở lên mà không có lý do đã được thỏa thuận trong hợp đồng; Bên thuê sử dụng nhà ở không đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng; Bên thuê tự ý đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê; Bên thuê chuyển đổi, cho mượn, cho thuê lại nhà ở đang thuê mà không có sự đồng ý của bên cho thuê; Bên thuê làm mất trật tự, vệ sinh môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt của những người xung quanh đã được bên cho thuê nhà ở hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc lập biên bản đến lần thứ ba mà vẫn không khắc phục; Trường hợp bên cho thuê thực hiện cải tạo nhà ở và được bên thuê đồng ý thì bên cho thuê được quyền điều chỉnh giá thuê nhà ở nếu thời gian cho thuê còn lại từ một phần ba thời hạn của hợp đồng thuê nhà ở trở xuống. Giá thuê nhà ở mới do các bên thỏa thuận; trường hợp không thỏa thuận được thì bên cho thuê có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở và phải bồi thường cho bên thuê theo quy định của pháp luật.
Từ những phân tích trên, để hạn chế rủi ro và không phải chịu trách nhiệm pháp lý khi người thuê nhà sử dụng nhà thuê thực hiện hành vi trái pháp luật, chủ nhà cần xác lập hợp đồng thuê bằng văn bản…Trong đó, ghi rõ mục đích thuê không được trái pháp luật hay đạo đức xã hội, ghi rõ các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng khi người thuê sử dụng nhà không đúng mục đích. Song song đó,phải có các biện pháp để theo sát quá trình thực hiện hợp đồng và sử dụng nhà thuê của người thuê đúng mục đích nhằm can thiệp, ngăn chặn kịp thời những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.
Xác định công tác tuyên truyền pháp luật nhằm tuyên truyền, phổ biến một số các quy định của pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho các tổ chức và cá nhân. Qua đó, Viện IMRIC thường xuyên phối hợp với Viện IRLIE giao Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn (TTTVPLMS) xem công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng quyết định việc triển khai Luật Thuế TNCN.
Ðể nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Thuế TNCN, ngoài việc thực hiện tốt công tác tập huấn, phổ biến hướng dẫn nội dung và các văn bản hướng dẫn thi hành thuế TNCN cho các tổ chức, cá nhân; đồng thời có biện pháp tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân để nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Từ đó, các quy định liên quan đến thuế TNCN: Thuế TNCN từ tiền lương, tiền công; vấn đề giảm trừ thuế; cách xác định và thời điểm xác định thu nhập…
Tin rằng, thông qua buổi tuyên truyền đã giúp cho người dân, doanh nghiệp có thêm một số kiến thức cơ bản, hiểu rõ và thượng tôn pháp luật. Bên cạnh đó, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật góp phần giảm thiểu các hành vi vi phạm pháp luật; chủ động bảo vệ bản thân; đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.
Trung tâm tư vấn pháp luật Minh Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các nội dung liên quan đến tuyên truyền các văn bản pháp luật cũng như việc thực thi pháp luật, áp dụng pháp luật…Trong đó, thường xuyên tổ chức tư vấn pháp luật trực tuyến về Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Hình sự năm 2015, Luật Phòng cháy và chữa cháy; thực hiện chuyên mục pháp luật tư vấn miễn phí cho gia đình chính sách, người nghèo và trẻ em và các đối tượng thuộc đối tượng trợ giúp pháp lý miễn phí.
Có thể thấy, công tác tiếp cận pháp luật và hỗ trợ pháp lý luôn được Viện IMRIC và Viện IRLIE coi trọng. Các đơn vị trực thuộc cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường, hỗ trợ việc tiếp cận pháp luật và trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp, người dân. Song song đó, sau mỗi buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật cũng đưa ra những góp ý nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, tuyên truyền phổ biến pháp luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cộng tác viên tư vấn pháp luật…
Luật gia Phạm Trắc Long – Phó viện trưởng TT Viện IRLIE, Giám đốc Trung tâm TVPLMS